Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài 2: 'Quả ngọt' từ sự học

Nhờ công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được quan tâm nên nhiều con em người DTTS đã theo đuổi được ước mơ với con chữ, theo học lên các bậc cao hơn, trở thành những cán bộ, giáo viên để phục vụ quê hương... Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những bước trưởng thành về mọi mặt; luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ những bản làng người DTTS trên toàn tỉnh, nhiều học sinh đã vượt chặng đường xa xôi đến với ngôi trường Trường PTDTNT tỉnh và viết tiếp ước mơ cùng con chữ - Ảnh: M.Đ

Từ những bản làng người DTTS trên toàn tỉnh, nhiều học sinh đã vượt chặng đường xa xôi đến với ngôi trường Trường PTDTNT tỉnh và viết tiếp ước mơ cùng con chữ - Ảnh: M.Đ

Khi nếp nghĩ thay đổi

Trước đây, câu chuyện học sinh miền núi lựa chọn nghỉ học sớm, đi làm việc hoặc lập gia đình dẫn đến cuộc sống gặp khó khăn diễn ra khá nhiều. Nhưng vài năm trở lại đây, nếp nghĩ ấy đã thay đổi dần khi các bậc phụ huynh nhận ra, cái nghèo, cái khổ đeo bám không buông là do con cái không được học hành đàng hoàng. Vì thế, họ muốn cố gắng làm việc, chăm lo việc học cho con cái để cuộc đời tươi sáng hơn.

Nhắc đến Hồ Kim Sạch, học lớp 9B, Trường THCS Thanh (xã Thanh, huyện Hướng Hóa), nhiều thầy, cô giáo đều nhận xét em là học trò ngoan, có học lực khá nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba mất sớm, mẹ Sạch một mình nuôi 4 đứa con ăn học. “Thấy mẹ ngày đêm nhọc nhằn mưu sinh, em cũng gắng sức giúp mẹ nhiều việc trong nhà. Thế nhưng mẹ luôn nói em chỉ cần tập trung học hành thật tốt, cực khổ mấy mẹ cũng chịu được”, Sạch xúc động nói.

Để giúp cho Sạch vững bước đến trường, nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ tiền sửa chữa lại nhà cửa, trao tặng em học bổng, sách vở, áo quần và xe đạp.

Từ những bản làng người DTTS trên khắp toàn tỉnh, nhiều học sinh đã được bố mẹ, gia đình tạo điều kiện để vượt chặng đường xa xôi đến với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh và viết tiếp ước mơ cùng con chữ.

Cũng như bao gia đình khác trong bản, gia đình em Hồ Thị Đăm, lớp 12A4, Trường PTDTNT tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế. Dẫu vậy, Đăm vẫn cố gắng vượt qua để đeo đuổi sự học và được bố mẹ ủng hộ.

Đăm cho hay: “Em từ xã Ba Tầng xa xôi về đây học. Bố mẹ em quanh năm vất vả trên nương rẫy nhưng luôn xác định phải chăm lo cho 4 đứa con được học hành. Đáp lại niềm mong mỏi của bố mẹ, em đã nỗ lực duy trì danh hiệu học sinh khá, giỏi trong suốt 11 năm qua và sẽ tiếp tục cố gắng đạt mục tiêu thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Huế để trở về quê hương giúp học sinh nghèo đổi thay cuộc đời bằng việc học”.

Nhờ đổi thay từ trong nếp nghĩ về sự học, nhiều thế hệ con em người DTTS đã được trao truyền ngọn lửa hiếu học, duy trì truyền thống học tập, rèn luyện tốt trong gia đình. Em Hồ Lê Bảo Hân, học lớp 7A, Trường THCS Krông Klang (thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) vui vẻ nói: “Bố em là giáo viên Trường Tiểu học Tà Long, còn mẹ em là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đakrông. Với em, cả bố và mẹ đều là tấm gương sáng trong việc nỗ lực học tập, thay đổi cuộc đời. Vì thế, em luôn cố gắng noi theo và đã đạt được học sinh giỏi trong 6 năm liền; đoạt giải Nhất cấp huyện, đoạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Em sẽ tiếp tục rèn luyện để đạt được ước mơ trở thành giáo viên tiểu học”.

Giờ đây, vợ chồng ông Hồ Văn Kài có thể nở nụ cười tươi sau những tháng ngày nỗ lực chăm lo cho các con, cháu trưởng thành, học tập đạt thành tích cao - Ảnh: M.Đ

Giờ đây, vợ chồng ông Hồ Văn Kài có thể nở nụ cười tươi sau những tháng ngày nỗ lực chăm lo cho các con, cháu trưởng thành, học tập đạt thành tích cao - Ảnh: M.Đ

Cũng như Bảo Hân, em Hồ Thị Huyền Diệu, học lớp 12A4 Trường PTDTNT tỉnh cũng có cả bố và mẹ là giáo viên Trường Tiểu học Thuận (Hướng Hóa). Được trao truyền ngọn lửa hiếu học, 11 năm qua, Huyền Diệu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023-2024 và giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý năm học 2024-2025; được chọn là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV - năm 2024...

Kể về những tháng ngày nuôi con, cháu ăn học, ông Hồ Văn Kài, ở thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa tâm sự: “Có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua khó khăn khi cà phê bị mất mùa, nợ nần chồng chất nhưng tôi vẫn quyết tâm vay mượn ở nhiều nơi, rồi bán đất để cho con đến trường. Không phụ lòng bố mẹ, cả 6 con tôi đều đỗ đại học ngành y và sư phạm ở TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, TP. Huế. Ngoài ra, tôi còn nhận nuôi và chăm lo việc học đến bậc đại học cho 2 cháu ruột vì bố mẹ các cháu mất sớm. Khi các con, cháu lần lượt vào giảng đường là gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai vợ chồng tôi. Giờ đây, vợ chồng tôi có thể nở nụ cười tươi khi các con, cháu trưởng thành, làm những công dân hữu ích cho xã hội”.

Cống hiến cho bản làng

Được học và trở về cống hiến cho bản làng là khát khao chung của nhiều học sinh DTTS&MN. Minh chứng cho điều đó là rất nhiều học sinh DTTS đã học tập đến nơi, đến chốn và trở thành những người thành công trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... góp sức xây dựng bản làng ngày một đổi thay, tươi đẹp.

“Ở xã Ba Nang, huyện Đakrông nơi tôi sinh ra, thời buổi mà cái đói, cái nghèo bám riết lấy người Vân Kiều và nhiều tư tưởng lạc hậu vẫn còn tồn tại trong mỗi mái nhà sàn, thì theo đuổi học hành là một điều rất xa xỉ. Tuy nhiên, gia đình tôi luôn quan tâm đến việc học và bản thân cũng xác định chỉ có việc học mới đưa mình vượt qua ranh giới nghèo khó, xây dựng được cuộc đời tốt đẹp hơn”, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh kể lại.

Sau 12 năm miệt mài cố gắng, cô học trò nghèo hiếu học này thi đỗ ngành Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 1998, tốt nghiệp đại học, Minh thi đỗ biên chế và được phân công về dạy tại Trường THCS Khe Sanh. Yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao, chị không quản ngại khó khăn, vất vả, không ngừng nỗ lực bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, chị Minh từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau và luôn được lãnh đạo tỉnh, huyện đánh giá cao về năng lực, tinh thần cống hiến trong công việc.

Trong quá trình công tác, ở cương vị nào, chị cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. Đặc biệt, với vai trò là đại biểu Quốc hội khóa XIV và XV, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh luôn dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề DTTS&MN, nhất là có nhiều ý kiến đóng góp tích cực xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật... liên quan đến vấn đề DTTS&MN.

Chị thường xuyên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề DTTS&MN, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các chính sách về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ cho học sinh và giáo viên vùng khó.

Chị còn xây dựng nguồn quỹ heo đất tiết kiệm cá nhân để hỗ trợ cho học sinh miền núi Quảng Trị, đồng thời vận động để trao nhiều suất quà cho học sinh Vân Kiều, Pa Kô, qua đó, động viên các em cố gắng học tập tốt để có tương lai tươi sáng.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Krông Klang (huyện Đakrông) Hồ Thị Bích Lan (sinh năm 1978) cho biết, cô sinh ra ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Điều may mắn nhất với Bích Lan đó là dù lớn lên ở bản làng xa xôi, nơi mà cái đói, cái nghèo đang bủa vây, tỉ lệ trẻ em bỏ học nhiều nhưng ba mẹ cô có tư tưởng tiến bộ.

Từ nhỏ, Bích Lan đã được gia đình chăm lo, động viên học tập. Để tạo cho con môi trường tốt, gia đình quyết định gửi Bích Lan về nhà người thân ở Đông Hà để học cấp 2, cấp 3. Thấu hiểu tấm lòng và sự kỳ vọng của ba mẹ, cô học trò Vân Kiều đã học hành chăm chỉ và thi đỗ Trường Đại học Vinh (Nghệ An), ngành sư phạm Ngữ văn. Năm 2004, cô tốt nghiệp đại học và trở về dạy học tại Trường THCS Đakrông (xã Đakrông, huyện Đakrông).

“Tôi rất vui khi ước mơ trở thành cô giáo về dạy cho học trò nghèo đồng bào DTTS đã trở thành hiện thực”, cô Lan nói. Thấu hiểu đời sống và nhiều hủ tục của bà con dân bản, cô Lan dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh hơn. Lấy mình là tấm gương sinh động về ý chí vượt khó để có được ngày hôm nay, cô Lan khuyên các gia đình cố gắng chăm lo chuyện học hành cho con em để có một tương lai xán lạn.

Với những thành tích đạt được trong công tác và tinh thần cống hiến vì giáo dục vùng khó, tháng 3/2013, cô Lan được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đakrông. Đến 10/2023, cô được luân chuyển về làm Phó hiệu trưởng Trường THCS Krông Klang.

Nhờ sự thay đổi nhận thức và ý chí vươn lên của các thế hệ học sinh DTTS, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh đã ngày một nâng cao; tinh thần, trách nhiệm, lề lối làm việc, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống tốt hơn; hầu hết cán bộ có lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống giản dị, gương mẫu... Điều đó cũng chứng tỏ một điều rằng: công tác giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS và tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Lệ Hà, hằng năm, trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh, thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 36 lớp đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước, tin học văn phòng và các kỹ năng hành chính cho 2.195 lượt cán bộ, công chức cấp xã người DTTS tham gia với tổng kinh phí 5,3 tỉ đồng.

Đến tháng 5/2024, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong toàn tỉnh là 1.297 người, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, chiếm 6,32% trong số 20.517 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Về trình độ đào tạo: thạc sĩ 24 người, đại học 1.031 người, cao đẳng 141 người, trung cấp 87 người, sơ cấp và chưa qua đào tạo 14 người.

“Tỉ lệ người DTTS tham gia công tác trong hệ thống chính trị và được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng tăng, công tác tuyển dụng được quan tâm; công tác quy hoạch cán bộ người DTTS được chú trọng, đảm bảo yêu cầu về tỉ lệ và cơ cấu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS có chất lượng. Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức ổn định đời sống, phục vụ công tác tốt hơn”, bà Hà cho biết.

Minh Đức - Tú Linh

Bài 3: Cần có giải pháp thiết thực và quyết tâm cao trong hành động

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tao-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-bai-2-qua-ngot-tu-su-hoc-190938.htm
Zalo