Thảm kịch hàng không Hàn Quốc làm 'nóng' cuộc tranh luận về bức tường bê tông cuối đường băng

Cách đây nhiều năm, các cơ quan quản lý hàng không quốc tế và Mỹ đã phát triển bộ tiêu chuẩn cho các công trình gần đường băng để bảo vệ máy bay khỏi va chạm với trang thiết bị tại các sân bay.

Lực lượng cứu hộ làm việc gần xác máy bay của hãng Jeju Air. Ảnh: WSJ.

Lực lượng cứu hộ làm việc gần xác máy bay của hãng Jeju Air. Ảnh: WSJ.

Trong những ngày qua, vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air đã làm dấy lên mối lo ngại về thiết kế của một sân bay tại Hàn Quốc và liệu một bức tường bê tông cốt thép bên ngoài đường băng có phải là nguyên nhân góp phần gây ra một trong một trong những thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trong những năm gần đây hay không.

Các nhà điều tra điều tra vụ tai nạn ngày 29/12/2024 khiến 179 người thiệt mạng đang tìm kiếm manh mối để giải thích tại sao máy bay lao xuống đường băng tại Sân bay Quốc tế Muan mà không hạ bánh đáp sau khi được cho là va chạm với chim.

Cấu trúc giống như bức tường bao trong vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air không phải là điều bất thường ở các sân bay trên khắp thế giới, nhưng sự chắp vá của các tiêu chuẩn quốc tế đã ảnh hưởng đến vị trí và cách chúng được xây dựng.

Cách đây nhiều thập kỷ, các cơ quan quản lý của Mỹ đã chuẩn hóa các vùng đệm nằm gần đường băng và đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ khác nhằm giảm thiểu thương vong và thiệt hại trong trường hợp máy bay trượt khỏi đường băng.

Các quan chức Hàn Quốc hôm thứ Ba trong tuần khẳng định rằng thiết kế của sân bay Muan không vi phạm các quy định an toàn quốc gia nhưng cho rằng cần phải xem xét thêm.

Trong khi đó, các chuyên gia an toàn hàng không và các quan chức trong ngành cho biết cách bố trí tại sân bay Muan có thể đã khiến vụ tai nạn trở nên tồi tệ hơn nhiều.

 Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas giải thích nguyên nhân có thể gây ra thảm họa hàng không ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images Ảnh: AFP.

Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas giải thích nguyên nhân có thể gây ra thảm họa hàng không ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images Ảnh: AFP.

Hàng loạt nghi vấn về bức tường bê tông cuối đường băng

Theo Cục Hàng không Liên bang (FAA) Mỹ, khu vực an toàn tại hầu hết các sân bay thương mại lớn của Mỹ đều mở rộng tới 1.000 feet (304 m) tính từ cuối đường băng và rộng khoảng 500 feet (152 m). Con số này cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, vốn quy định những khu vực dài ít nhất 787 feet (239 m) và rộng 295 feet (90 m). Các quan chức Hàn Quốc cho biết cấu trúc bê tông được bao quanh bởi một gò đất ở sân bay Muan cách cuối đường băng duy nhất của sân bay hơn 800 feet (250 m).

“Chiếc máy bay đó hoạt động hoàn toàn bình thường cho đến khi va phải cấu trúc (bức tường bê tông) đó”, John Cox, cựu phi công lái máy bay Boeing 737 và hiện là cố vấn an toàn hàng không, cho biết. Ông nói, cấu trúc này "chắc chắn góp phần làm tăng mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn".

Vào thứ Ba theo giờ địa phương, một nhóm điều tra gồm 8 thành viên của chính phủ Mỹ và công ty Boeing đã đến hiện trường vụ tai nạn ở Muan, Hàn Quốc. Họ sẽ hỗ trợ một đội Hàn Quốc gồm 11 thành viên điều tra vụ tai nạn.

Dữ liệu từ bộ ghi âm buồng lái đang được trích xuất để xem xét. Một quan chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết các nhà điều tra đang nỗ lực khôi phục dữ liệu chuyến bay từ thiết bị còn lại của hộp đen.

Chiếc Boeing 737-800 do Jeju Air khai thác đã có pha hạ cánh bằng bụng bắt đầu từ vị trí nửa đường băng của sân bay Muan với tốc độ cao. Các cánh tà trên cánh máy bay không được triển khai để giảm tốc độ như thông thường khi hạ cánh.

Máy bay lao khỏi đường băng và đâm vào một hàng rào cao khoảng 7 feet (2,1 m), nơi các ăng-ten dẫn đường được cố định bằng bê tông cốt thép nằm trên một gò đất.

Cuộc điều tra có thể sẽ đánh giá liệu cấu trúc tại sân bay Muan có đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về vùng đệm đường băng hay không.

“Đây là điều mà họ chắc chắn sẽ phải xem xét và tìm hiểu cách thức cũng như lý do tại sao nó được xây dựng như vậy”, Hassan Shahidi, giám đốc điều hành của Tổ chức An toàn bay, một tổ chức công nghiệp hàng không, cho biết.

Hàn Quốc yêu cầu các sân bay phải thiết lập vùng an toàn kéo dài ít nhất 295 feet (90 m), tính từ cuối đường băng. Vùng an toàn của sân bay Muan trải dài tới khoảng 650 feet (gần 200 m) – trong đó bộ ăng-ten, được gọi là bộ định vị, được đặt xa hơn khoảng 170 feet (52 m).

Các công trình được xây dựng trong vùng an toàn cũng có những yêu cầu nhất định về thành phần của chúng.

“Lý do lắp đặt các kiến trúc hỗ trợ là để nó không bị ảnh hưởng bởi gió hoặc rung lắc”, quan chức Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết hôm thứ Ba. “Vì nó nằm ngoài vùng an toàn nên chúng tôi đưa ra nhận định rằng không cần có hạn chế nào về vật liệu”.

 Hình ảnh vệ tinh của sân bay quốc tế Muan trước vụ tai nạn. Ảnh: WSJ.

Hình ảnh vệ tinh của sân bay quốc tế Muan trước vụ tai nạn. Ảnh: WSJ.

Các hệ thống và quy chuẩn an toàn trên đường băng ở Mỹ

Tại Mỹ, FAA đã áp đặt nhiều quy định nhằm tạo ra các khu vực an toàn để giảm nguy cơ máy bay chạy quá hoặc lao chệch khỏi đường băng, hoặc va chạm với thiết bị mặt đất, lao vào các tòa nhà gần đó hoặc làm hỏng máy bay. Người phát ngôn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết việc thực hiện các tiêu chuẩn được khuyến nghị là tùy thuộc vào từng quốc gia.

FAA cho biết họ đã chi hơn 3 tỷ USD kể từ năm tài chính 2000 để cải thiện hơn 1.000 khu vực an toàn trên đường băng ở Mỹ. Cơ quan này đã tạo ra tiêu chuẩn cho vùng đệm đường băng vào năm 1988.

Các quan chức an toàn hàng không cũng yêu cầu các cấu trúc đặt tại sân bay, như hệ thống chiếu sáng và thiết bị định vị, phải dễ bị phá vỡ khi va chạm với máy bay.

Bruce Landry, cựu thanh tra an toàn sân bay cấp cao của FAA, cho biết một chiếc máy bay trượt trên cỏ có thể không gây nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông cho biết các công trình dọc đường đi có thể làm thủng các thùng nhiên liệu hoặc phá hủy cấu trúc của máy bay.

Ở Mỹ, những nỗ lực nhằm làm cho đường băng an toàn hơn đã được tăng cường sau vụ tai nạn của hãng American Airlines tại Little Rock, Arkansas, vào năm 1999. Sau vụ tai nạn khiến 11 người thiệt mạng, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng một số thương tích gây chết người là do hệ thống chiếu sáng không được thiết kế dễ vỡ.

Trong trường hợp không thể mở rộng khu vực an toàn trên đường băng, các quan chức an toàn hàng không sẽ lắp đặt cái gọi là Hệ thống hãm giữ máy bay bằng vật liệu kỹ thuật (EMAS) để giảm tốc máy bay một cách nhanh chóng và an toàn.

Vào tháng 10/2016, một chiếc máy bay chở Phó Tổng thống tương lai Mike Pence đã được giảm tốc nhờ sử dụng EMAS khi nó trượt khỏi đường băng tại Sân bay LaGuardia ở New York.

Jeff Guzzetti, nhà tư vấn an toàn hàng không, người đứng đầu cuộc điều tra tai nạn của FAA vào thời điểm đó, cho biết: “Nó không gây thiệt hại đáng kể cho máy bay, vì vậy đây thực sự là một câu chuyện thành công”.

Bất chấp sự thúc đẩy của Mỹ, các sân bay trên thế giới thường không có vùng đệm đường băng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ trưởng Steve Jangelis, chủ tịch an toàn hàng không của Hiệp hội Phi công Hàng không, tổ chức đã thúc đẩy thiết lập các vùng đệm tại các sân bay trên toàn cầu, cho biết: “Bạn không thể đặt những chướng ngại vật cứng, cố định ở cuối đường băng”.

Ông Jangelis cho biết ở những nơi sân bay đã thiết lập vùng đệm đường băng, “đã có nhiều mạng sống được cứu”.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tham-kich-hang-khong-han-quoc-lam-nong-cuoc-tranh-luan-ve-buc-tuong-be-tong-cuoi-duong-bang-post181535.html
Zalo