Tham gia thị trường lao động: Chủ động và linh hoạt
Quy mô của thị trường lao động Việt Nam hiện nay gần 53 triệu người, do đó, việc bổ sung khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau tinh gọn bộ máy nhà nước là không quá khó khăn. Điều quan trọng là phải nâng cao hiệu quả công tác dự báo và điều tiết thị trường để hỗ trợ người lao động.

Quý I/2025, lao động có việc làm tăng 532.100 người so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa
Cơ hội và thách thức đan xen
Theo Cục Thống kê, quý I/2025, lao động có việc làm khoảng 51,9 triệu người, tăng 532.100 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2025, các chuyên gia dự báo nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng lên ở nhiều ngành, nhất là lĩnh vực sản xuất.
Tại thị trường lớn như Hà Nội, dự báo quý II/2025, nhu cầu tuyển dụng lao động từ 100.000-120.000 chỉ tiêu, tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ số, kỹ sư lập trình phần mềm, quản trị mạng, kỹ sư thiết kế AI. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, dự báo quý II cần 77-82.000 lao động, tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông, lâm, thủy sản...
Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, thị trường lao động hiện tại cũng phải chịu áp lực từ lực lượng lao động dôi dư sau quá trình tinh giản bộ máy nhà nước (khoảng 100.000 người). Ngoài ra, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng triển khai cắt giảm nhân sự để tái cấu trúc bộ máy. Một trong những nguyên nhân của sự cắt giảm này xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là AI.
Người lao động cần thay đổi nhận thức, chấp nhận áp lực và chủ động tìm việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập. Đồng thời, tự học để bổ sung kỹ năng, thay đổi tư duy để linh hoạt ứng phó với những đòi hỏi cao của công việc.
Khảo sát mới nhất từ nền tảng công nghệ tuyển dụng Joboko cho thấy, doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm nhân sự chưa có kinh nghiệm để tập trung vào nhóm đã có kinh nghiệm, khả năng làm việc ổn định và nhanh chóng hòa nhập với công việc. Nhiều doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sử dụng AI, công nghệ số, tư duy phân tích, thích ứng linh hoạt và năng lực lãnh đạo. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp ứng viên có lợi thế cạnh tranh.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội nhận định, có rất nhiều cơ hội việc làm để người lao động lựa chọn trong thời gian tới. Có nhiều công việc đòi hỏi lao động trẻ, nhưng cũng có nhiều vị trí yêu cầu cụ thể về kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức, trình độ, ứng dụng công nghệ. Cơ hội việc làm cho người lao động nói chung và lực lượng lao động dôi dư sau quá trình tinh giản bộ máy nói riêng trong thời gian tới là rất nhiều, nhưng mỗi người phải chuẩn bị tinh thần cạnh tranh mới có được công việc phù hợp. Bên cạnh đó, nhóm lao động này cũng cần thích nghi trong thời đại số, sử dụng các công nghệ như AI và tận dụng tất cả các kênh, mạng xã hội để tìm việc.
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, nhóm lao động dôi dư từ khu vực nhà nước chỉ là tạm thời rời khu vực này để sang khu vực khác. Dù có những tác động ban đầu nhưng về lâu dài, tác động ấy sẽ giảm vì đây là những lao động có kiến thức, kỹ năng, am hiểu quy trình hành chính, có thể đóng góp được nhiều thành tựu đáng kể cho khu vực ngoài nhà nước cũng như giúp cho thị trường lao động chất lượng hơn.
Cải thiện kỹ năng và sẵn sàng thích nghi
Thị trường lao động vẫn luôn có những cuộc cạnh tranh khốc liệt, không chỉ giữa người lao động mà còn giữa các doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề liên quan và giữa khu vực nhà nước với tư nhân. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng chuyển đổi số ngày càng lan rộng, thị trường lao động cũng sẽ có nhiều thay đổi lớn, đòi hỏi người lao động nâng cao kỹ năng, kiến thức, chuẩn bị cho sự thay đổi để phù hợp.
Chị Nguyễn Thu Hà (40 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, thời gian đầu sau khi nghỉ việc tại cơ quan cũng cảm thấy mất phương hướng, lo lắng không hòa nhập với môi trường bên ngoài vì tuổi không còn trẻ. Tuy nhiên, chị đã xin được việc và đăng ký học thêm ngoại ngữ. “Mình được mọi người động viên, rồi cũng chủ động tìm việc, giới thiệu về kinh nghiệm đã làm tại cơ quan cũ và sẵn sàng học thêm. Công việc tại doanh nghiệp đòi hỏi tính chủ động, áp lực thời gian, tính hiệu quả nhưng lại năng động và có nhiều cơ hội. 15 năm làm việc tại cơ quan nhà nước giúp mình có kinh nghiệm, nhất là trong việc tiếp nhận các quy định, văn bản pháp luật mới, đây là điều mà doanh nghiệp cần”, chị Thu Hà chia sẻ.
Chủ động trước khi doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm nhân sự, anh Nguyễn Tuấn Anh (35 tuổi, Công ty TNHH Jungdovina) đã đăng ký học thêm chuyên ngành dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu. “Trình độ không đáp ứng thì công ty sẽ cho nghỉ việc, mà giờ đi xin việc thì cũng khó khăn. Tôi đi học thêm buổi tối, cũng khó khăn, thời gian ít nhưng học thì có lợi cho mình, học cái công ty cần hoặc nếu có nghỉ việc thì xin chỗ khác cũng có lợi thế” - anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Vũ Quang Thành, người lao động bị mất việc hay chưa có việc đều khó khăn ở những khoảng thời gian đầu và phải nỗ lực tìm việc. Do đó, người lao động cần nghiên cứu thật kỹ định hướng, lĩnh vực ngành nghề, nơi đang có nhu cầu tuyển dụng và sử dụng nhiều lao động. Với nhóm lao động dôi dư, đã có kinh nghiệm làm việc thì có thể trang bị thêm cho mình kiến thức về công nghệ, ứng dụng AI trong các vị trí việc làm cụ thể.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh, những công chức, viên chức sau khi bị tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hoàn toàn có khả năng thích ứng với công việc ở khu vực tư nhân. Trước mắt, Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ như chính sách, chế độ áp dụng với người nghỉ hưu trước tuổi tại Nghị định số 177/2024/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ áp dụng với người nghỉ việc, thôi việc tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, các đơn vị cũng nỗ lực đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho viên chức, người lao động bị ảnh hưởng theo chính sách việc làm hiện có như bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm.
Thời gian tới, để việc dịch chuyển lao động diễn ra thuận lợi và hiệu quả, tận dụng nguồn nhân lực này, nhà nước và các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo lại, hỗ trợ họ tái gia nhập thị trường, đồng thời khai thác tối đa những thế mạnh mà họ sẵn có. Các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, định hướng phát triển các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm mới, mang lại giá trị cao. Cơ quan quản lý ngành lao động cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối việc làm, hỗ trợ đào tạo lại để người lao động chuyển đổi kỹ năng phù hợp với yêu cầu thị trường./.