Thăm chùa Phố Cũ ở 'phố mới' Cao Bằng

Chùa Phố Cũ đã trở thành nơi giao thoa giữa giá trị truyền thống và hơi thở hiện đại. Chùa Phố Cũ ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, mà còn là chốn an yên, giúp lan tỏa hương từ bi giữa lòng phố thị.

Chúng tôi về đến chùa đã quá trưa, vỉa hè trước cổng chính nhà chùa đang lát lại gạch nền. Chùa Phố Cũ, tọa lạc ở địa chỉ 111 Phố Cũ, phường Hợp Giang, Cao Bằng, nằm gọn trong lòng phố mới; xung quanh là những con phố khá sầm uất, rõ nét kiến trúc đô thị thời đại mới. Trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS - GHPGVN, kiêm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử và nguồn gốc chùa Phố Cũ

Qua cổng chính, vào chùa, bên phải là bàn đón tiếp khách, hai bên tường phía trong ngay lối vào cổng chính gắn bia ký lược sử chùa và bia phương danh công đức đàn na tín thí thập phương cúng dường tịnh tài góp phần dựng xây, tôn tạo chùa.

Bia ký lược sử chùa Phố Cũ

Bia ký lược sử chùa Phố Cũ

Từ bia ký lược sử, được biết: Chùa Phố Cũ là tên nhân dân địa phương thường gọi, vì chùa gắn liền với tên đường phố - Phố Cũ. Phố Cũ là phố cổ nhất của thành phố Cao Bằng ngày nay. Về nguồn gốc và tên gọi thì từ trước chùa Phố Cũ có tên là "Quan Đế Miếu" (Miếu thờ đức Quan Đế người Trung Quốc). Miếu được xây vào năm Vĩnh Trị thứ 3, năm 1679. Miếu quan Đế được tồn tại đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), thì được sửa sang lại hoàn toàn, xây dựng thêm gian hậu cung (Thượng Điện) để thờ Phật và được đổi tên thành chùa Phố Cũ. Chùa tọa lạc tại số 111 đường Phố Cũ, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. Chùa mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, chùa có giá trị lịch sử cách mạng to lớn, Là nơi thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời thị xã Cao Bằng ngày 22 tháng 8 năm 1945.

Trời qua quá trình lịch sử và sự xâm thực của thời gian, chùa Phố Cũ bị xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2011, sau khi được bổ nhiệm trụ trì chùa Phố Cũ, Hòa thượng Thích Gia Quang với tư cách vừa là Trụ trì chùa, vừa là Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cao Bằng đã báo cáo lên các cấp chính quyền tỉnh về sự xuống cấp trầm trọng của chùa và xin phép được phục dựng, tôn tạo lại chùa Phố Cũ để phát huy giá trị di tích của chùa.
Ngày 04/12/2018, Hòa thượng Thích Gia Quang - Trụ trì chùa Phố Cũ có tờ trình số 08/TTR - CCP trình UBND tỉnh về việc đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình phục hồi tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Phố Cũ (thành phố Cao Bằng) và đã được UBND tỉnh chấp thuận tại công văn số 1030/UBND - XD ngày 19/04/2018.

Ngày 05/07/2018, Hòa thượng Thích Gia Quang có tờ trình số 09/TTR - CCP trình UBND tỉnh xin thỏa thuận thẩm định phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế, kỹ thuật công trình phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị di tích chùa Phố Cũ và đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt tại quyết định 75/QĐ - UBND ngày 22/01/2019.
Ngày 06/04/2019 (ngày 02 tháng 03 năm Kỷ Hợi), chùa được khởi công phục dưng, tôn tạo. Ngày 23/02/2020 (ngày 01 tháng 02 năm Canh Tý), nhà chùa làm lễ Khánh thành, quả phúc phục dựng tôn tạo chùa được thành tựu viên mãn.

Chùa được phục dựng, tôn tạo như ngày hôm nay là nhờ sự nhất tâm cúng đang Tam Bảo, nhất tâm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của sư trụ trì chùa Phố Cũ và sự quan tâm giúp đỡ của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Phật tử Cao Bằng, nhân dân Phật tử thập phương.

Nguyện đem công đức này hồi hướng khắp pháp giới chúng sinh đều thành Phật đạo!

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Tác Đại Chứng Minh

(Nội dung được ghi lại từ Bia ký)

Kiến trúc và không gian chùa

Thoáng nhìn, chùa nhiều nét tươi mới, từ nước sơn, đến cảnh quan kiến trúc. Màu sơn chủ đạo là màu vàng chanh sẫm. Cái rét miền cao thấm vào không gian, khiến màu vàng sẫm của chùa càng thêm ấm áp, gần gũi.

Nhà thờ Mẫu, phía bên trái từ cổng chính vào.

Nhà thờ Mẫu, phía bên trái từ cổng chính vào.

Nhà khách đường, phía bên phải từ cổng chính vào.

Nhà khách đường, phía bên phải từ cổng chính vào.

Vào trong chùa, nhìn từ cổng chính là khoảng về sân nhỏ vừa, đối diện là gian chính điện Tam Bảo. Chính điện được thiết kế đơn giản, mà tinh tế. Kiến trúc gian một tầng với các trụ đá ốp gắn tường trang trí thêm nổi bật. Phần "tum" ở giữa được xây hai tầng gác mái, tạo ra nét riêng của chùa Phố Cũ.

Chính điện Tam Bảo.

Chính điện Tam Bảo.

Bên trong Chính điện, hệ thống thờ tự được bài trí "tiền Thần hậu Phật", giữ nguyên tích chùa cổ khi chùa từng là Miếu thờ Quan Đế.

Từng pho tượng rõ nét sơn son thếp vàng tươi mới, tượng nhỏ vừa mà đẹp, phù hợp không gian chính điện. Phía trước là "Ban Hiển Thánh Cung", đi tiếp vào trong là Ban Tam Bảo, bên phải thờ Đức Ông, bên trái thờ Đức Thánh Hiền.

Trên gác mái giữa Ban Tam Bảo, bức hoành phi bằng gỗ ghi dòng chữ "Phúc Tuệ Trang Nghiêm", hoành phi nơi gác mái bên phải ghi dòng chữ "Càn Khôn Chính Khí" và hoành phi bên trái ghi "Phật Pháp Đại Hải" - tất cả đều được chạm khắc tỉ mỉ, toát lên vẻ đẹp truyền thống.

Gia thờ phía trước trong Chính điện, bố trí thờ tự theo sắp xếp "tiền Thần hậu Phật"

Gia thờ phía trước trong Chính điện, bố trí thờ tự theo sắp xếp "tiền Thần hậu Phật"

Ban thờ Tam Bảo

Ban thờ Tam Bảo

Ban thờ Đức Ông

Ban thờ Đức Ông

Ban thờ Đức Thánh Hiền

Ban thờ Đức Thánh Hiền

Bốn trụ đá trước gian chính điện còn được khắc thêm câu đối, tạo điểm nhấn độc đáo:

Thả bè báu dong thuyền từ vớt khách lợi danh trên biển ái
Sạch phiền não hết tham sân cửa Phật đây rồi thôi tìm kiếm.
Diễn kinh vàng tuyên kệ diệu gọi người mơ mộng giữa sông mê
Phá si mê trừ nghiệp chướng đường trần đó mặc hết rong cầu.

Cảm nhận lần đầu về thăm chùa

Khi vấn an Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng chia sẻ: Ngôi chùa ngày nay là thành quả của sự nỗ lực không ngừng, vừa bảo tồn nét cổ kính, vừa phát huy giá trị văn hóa và lịch sử. Đặc biệt, nhà chùa đã bổ sung câu đối và giữ nguyên kiến trúc truyền thống, để mỗi du khách đến đây đều cảm nhận được nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Thích Gia Quang cùng sự chung tay của chính quyền, phật tử và nhân dân địa phương, chùa Phố Cũ đã trở thành nơi giao thoa giữa giá trị truyền thống và hơi thở hiện đại. Chùa Phố Cũ ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, mà còn là chốn an yên, giúp lan tỏa hương từ bi giữa lòng phố thị.

Tác giả: Thường Nguyên

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tham-chua-pho-cu-o-pho-moi-cao-bang.html
Zalo