Thăm biểu tượng đạo học xứ Đoài
Hà Nội không chỉ có Văn Miếu- Quốc Tử Giám, mà còn có văn miếu nằm ở trung tâm của xứ Đoài, thị xã Sơn Tây. Du xuân đầu năm mới tại Văn Miếu Sơn Tây để hiểu thêm về truyền thống văn hiến, đạo học xứ Đoài.
![Các em học sinh đến dâng hương, tìm hiểu về truyền thống khoa bảng xứ Đoài tại Văn Miếu Sơn Tây.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51432100/b44a45ac7ee297bccef3.jpg)
Các em học sinh đến dâng hương, tìm hiểu về truyền thống khoa bảng xứ Đoài tại Văn Miếu Sơn Tây.
Văn Miếu không chỉ là nơi thờ các bậc tiên Nho, tiên Thánh của Nho học, mà còn là nơi tôn vinh đạo học, tôn vinh những bậc hiền tài, khoa cử của nước ta. Thời phong kiến, ngoài Văn Miếu ở kinh đô, triều đình còn cho xây dựng Văn Miếu ở các trấn, các tỉnh lớn. Xứ Đoài là vùng đất có bề dày văn hiến.
Trong hơn 850 năm của nền giáo dục và khoa cử nho học, tỉnh Sơn Tây (cũ) có 68 người đỗ đại khoa. Vị tiến sĩ đầu tiên của tỉnh Sơn Tây là Hoàng giáp Trần Văn Huy, người làng Thái Bạt, huyện Ba Vì, đỗ năm 1442. Trong 68 vị đại khoa, chỉ có 1 người thuộc hàng “Tam khôi” là Thám hoa Giang Văn Minh (làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).
Bởi có nhiều vị đỗ đại khoa cho nên Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng với quy mô khá bề thế. Văn Miếu Sơn Tây từng trải qua những lần di dời, tái dựng, tu bổ. Trong đó, vào cuối thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, công trình trải qua một đợt tu bổ lớn.
Văn Miếu Sơn Tây hiện nằm trên địa bàn xã Đường Lâm, trên một khu đất hình chữ nhật rộng lớn ngay gần Quốc lộ 32. Tổng thể kiến trúc có nhiều nét tương đồng với Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Lớp ngoài cùng là bốn cột trụ lớn. Sau lớp cổng này là đến Văn Miếu Môn, tức cổng Văn Miếu.
Công trình được xây dựng hai tầng, theo lối kiến trúc thượng gia, hạ môn. Nếu Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long có lầu chuông, lầu trống đặt ở phía sau các hạng mục chính, thì ở Văn Miếu Sơn Tây, lầu chuông, lầu khánh được đặt ngay sau lớp Văn Miếu Môn. Đi tiếp ta sẽ tiến đến không gian trung tâm, gồm Thượng điện, nhà bái đường đền Khải thánh (thờ cha mẹ Khổng Tử)…
Văn Miếu Sơn Tây từng bị phá hủy nhiều hạng mục trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chỉ còn một số di vật. Trong đó, quan trọng nhất là chín tấm bia đá đề danh những nhà khoa bảng Sơn Tây xưa. Năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và sau đó được thành phố Hà Nội từng bước phục dựng. Do còn lưu giữ nhiều tư liệu hình ảnh quý cho nên di tích được phục dựng gần sát với kiến trúc trước đây.
Xứ Đoài là vùng đất cổ nghìn năm với nhiều danh nhân nổi tiếng. Văn Miếu Sơn Tây là nơi nêu gương truyền thống hiếu học - khoa bảng của vùng đất này. Sau khi được tu bổ, Văn Miếu Sơn Tây trở thành nơi tổ chức các hoạt động khuyến học, nơi sinh hoạt văn hóa của các nghệ sĩ xứ Đoài.
Đặc biệt, dịp đầu xuân và trước các kỳ thi, nhiều sĩ tử thường đến thắp hương để tưởng nhớ các vị khoa bảng, danh nhân xứ Đoài, cầu mong việc học hành, thi cử thuận lợi. Từng có thời gian di tích này gần như bị chìm vào quên lãng, nhưng nay, ngày càng nhiều người đến với Văn Miếu Sơn Tây. Nằm trong không gian có nhiều di tích quan trọng của xứ Đoài, nhất là làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, đền Và… cho nên Văn Miếu Sơn Tây trở thành một điểm đến thú vị trong hành trình du xuân về vùng văn hóa xứ Đoài.