Thái Nguyên phát triển phương tiện giao thông xanh

Giao thông là một trong những lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất trên toàn cầu. Để đối phó với vấn đề này, giải pháp tối ưu chính là tăng cường phát triển phương tiện giao thông xanh. Tại tỉnh Thái Nguyên, kế hoạch phát triển phương tiện giao thông xanh đã được triển khai với mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và khí mê-tan.

Nhiều gia đình lựa chọn xe điện tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Nhiều gia đình lựa chọn xe điện tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển phương tiện giao thông xanh (PTGTX) nhằm giảm thiểu khí thải cac-bon và mê-tan, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh. Mục tiêu chung là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới đạt mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Việc phát triển PTGTX không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là yếu tố quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hoạt động giao thông vận tải của tỉnh.

Về nhiệm vụ này, tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng xanh đối với các phương tiện giao thông cơ giới (tăng cường sử dụng xăng E5 và mở rộng các trạm sạc điện).

Phấn đấu đến năm 2026, ít nhất 50% xe buýt và taxi mới sẽ sử dụng năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, toàn tỉnh đạt 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (bao gồm cả xe máy), sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng điện và năng lượng xanh. Tỉnh cũng sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng sạc điện đặt tại các vị trí thiết yếu như bến xe, trạm dừng nghỉ...

Do mục tiêu đề ra rất cao, không dễ để thực hiện thành công, nên cần phải có hàng loạt các giải pháp mang tính khẩn trương trước mắt và bền vững lâu dài. Tỉnh chủ trương xây dựng chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới sang dùng điện và năng lượng xanh. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sẽ được xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư PTGTX.

Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch, với ưu tiên dành cho giao thông công cộng sử dụng điện. Các công trình giao thông như bến xe, nhà ga, bến cảng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, đảm bảo sử dụng năng lượng tái tạo. Phát triển nguồn nhân lực hợp lý để người dân và doanh nghiệp có thể quản lý, vận hành các phương tiện và hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng xanh. Đẩy mạnh truyền thông, tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của giao thông xanh. Đồng thời, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường năng lực sản xuất PTGTX, phụ tùng và pin ô tô điện đi đôi với phát triển mạng lưới trạm sạc điện phù hợp với điều kiện địa phương.

Với mục tiêu và giải pháp đề ra, tỉnh Thái Nguyên không chỉ hy vọng làm giảm lượng phát thải khí nhà kính mà còn hướng đến thành quả về tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Các con số thực tế cho thấy, nếu tỉnh có thể thực hiện chuyển đổi 100% phương tiện giao thông sang sử dụng điện và năng lượng xanh vào năm 2050, thì lượng phát thải khí cac-bon và khí mê-tan sẽ giảm rất sâu, đóng góp tích cực vào mục tiêu và cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Như vậy, có thể thấy phát triển PTGTX không chỉ là xu hướng mà còn là sự cần thiết, trách nhiệm của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và của toàn dân. Tỉnh Thái Nguyên đã đặt mục tiêu rất cụ thể về phát triển một hệ thống giao thông xanh, bền vững đi kèm với chính sách, giải pháp và lộ trình thực hiện rõ ràng, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202504/thai-nguyen-phat-trien-phuong-tien-giao-thong-xanh-e8d14e0/
Zalo