Nhìn nhận sức mạnh thực sự của AI
Nỗi lo lắng về trí tuệ nhân tạo đang tăng cao. Trong khi người lao động lo sợ cho công việc của họ thì một số chuyên gia lo sợ cho loài người. Tuy nhiên, cuốn 'Superagency' không đồng tình với quan điểm này.

Theo Asia Times, thế giới các nhà sáng tạo AI đang chia rẽ. Những người bi quan cho rằng các công ty đang đẩy nhanh quá trình chế tạo máy móc thông minh trong khi chưa tìm ra cách bảo đảm chúng gắn kết chặt chẽ với các giá trị của con người. Một nhà nghiên cứu gần đây rời khỏi OpenAI vì "sợ hãi" trước tốc độ phát triển của AI hiện tại.
Các công ty AI đều đang chạy đua để phát triển "trí tuệ nhân tạo tổng quát", tạo ra AI suy nghĩ và học hỏi theo cách con người làm, thực hiện các nhiệm vụ mà không cần được lập trình, có tính linh hoạt và thậm chí có cả khả năng lý luận trừu tượng.
Đây là một khái niệm gây ra nhiều tranh cãi nhất hiện nay. Ngoài những người cho rằng khả năng này là bất khả thi, ngay cả những người tin vào sức mạnh của AI cũng chia rẽ về khoảng thời gian con người có thể phát triển thành công khả năng đó cho AI.
Thêm vào đó, cũng có nhiều tranh luận về việc nếu AI thành công sở hữu khả năng sáng tạo vô song đó thì có phải là điều tốt hay không.

Cuốn sách ra mắt tháng 1. Ảnh: Nextbigclub.
Các phe phái trong giới AI
Lên tiếng bảo vệ AI, tác giả Reid Hoffman đã nêu lên trong cuốn Superagency rằng chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực. Hoffman là một nhà đầu tư mạo hiểm và là người có ảnh hưởng lớn tại Thung lũng Silicon. Ông đồng sáng lập LinkedIn và từng tham gia hội đồng quản trị của hơn một công ty AI.
Trong cuốn sách vừa xuất bản, Hoffman và đồng tác giả Greg Beato lập luận rằng những lợi ích tiềm năng của AI lớn hơn nhiều so với rủi ro, và kể cả có nguy cơ thì chúng có thể được giảm thiểu thông qua quá trình điều chỉnh từng chút một.
Hai tác giả muốn nói đến việc phát hành các cải tiến AI từng chút một và thích ứng dần với nhiều người dùng. Họ cũng khuyến khích người dùng dần chấp nhận AI, cho phép phát hiện ra lỗi của chúng và sửa chữa các lỗi.
Hoffman tự mô tả mình là một "người theo chủ nghĩa công nghệ nhân văn". Ông không đứng về phía những "người theo chủ nghĩa giải pháp" ở Thung lũng Silicon, những người coi AI là câu trả lời cho mọi vấn đề và ủng hộ sự phát triển AI một cách mạnh mẽ và không có rào cản.
Ông cũng không đứng về phía những "người theo chủ nghĩa gây rắc rối", những người chỉ chấp nhận một công nghệ nếu nó chắc chắn không gây ra rủi ro nào và ủng hộ quy định chặt chẽ hoặc thậm chí là lệnh cấm nhằm vào bất kỳ loại công nghệ nào tiềm ẩn nguy cơ. Với hai trường phái trên, Hoffman lo lắng nhiều hơn về những người theo chủ nghĩa gây rắc rối khi họ quá cực đoan với quan điểm của mình.
Những người nông dân Mỹ đã trải qua cuộc chiến thực phẩm biến đổi gen (khi nước Mỹ hoàn toàn ủng hộ loại thực phẩm này thì châu Âu rất cứng rắn từ chối nó) sẽ đánh giá cao lời chỉ trích của Hoffman đối với những người bi quan, những người không tin rằng công nghệ mới sẽ mang lại kết quả tốt. Trong cuộc thảo luận về công nghệ nói chung, trong đó có AI, Hoffman đã trích dẫn các ví dụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả nông nghiệp.
Hoffman đề nghị con người nên đánh giá sự đổi mới, đồng thời cảnh báo rằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng ngừa rủi ro có thể kìm hãm những đổi mới có lợi, thậm chí cả những phát kiến có thể cải thiện tính an toàn của công nghệ.
Để minh họa cho sức mạnh của đổi mới, ông trích dẫn những thời kỳ phát triển trước đây, ví dụ ôtô khi còn chưa có nhiều tính năng. Vào thời điểm đó, khi các nhà sản xuất ôtô cạnh tranh với nhau, họ đã phải tự đưa ra nhiều tính năng an toàn. Ví dụ, thời kỳ đầu con người phải tự khởi động xe bằng tay quay. Mãi cho đến năm 1911, khi Charles Kettering phát minh ra bộ khởi động điện, mọi thứ mới dần thay đổi.
Ngay năm sau, công nghệ này có sẵn trên xe Cadillac, giúp tạo dựng danh tiếng về sự sang trọng của thương hiệu. Cuối cùng, công nghệ này đã trở thành thiết bị tiêu chuẩn.
Điều tương tự cũng sẽ đến với AI khi công nghệ này mang lại sự cải thiện trong cuộc sống của mọi người trong các lĩnh vực từ sản xuất đến nông nghiệp, từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi trẻ em trên hành tinh này đột nhiên có thể tiếp cận với một gia sư AI vừa thông minh như Leonardo da Vinci và đồng cảm như Big Bird?", ông đặt câu hỏi.
Superagency là một cuốn sách có thông tin đầy đủ và kích thích tư duy. Trong đó, tác giả cho rằng chìa khóa để mọi người dễ chấp nhận công nghệ là đưa công nghệ vào tay đông đảo công chúng.
Trong khi luận điểm này có thể còn nhiều điều gây tranh cãi, Yuval Noah Harari, tác giả của cuốn sách Sapiens, đã nói thay cho nhiều người: “Superagency là một cuốn sách hấp dẫn và sâu sắc, cung cấp cho nhân loại một tầm nhìn tươi sáng về thời đại AI. Dù tôi không đồng ý với một số lập luận chính của nó, tôi vẫn hy vọng chúng đúng”.