Thái Nguyên nỗ lực xây dựng nền tài chính vững mạnh
Năm 2024, Thái Nguyên tiếp tục nằm trong TOP 18 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, tự cân đối thu chi và có phần kết dư đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Kết quả đạt được thể hiện ý chí phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời khẳng định uy tín, vị thế của tỉnh trên bản đồ kinh tế của cả nước. Với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên là trung tâm vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tăng thêm nguồn lực ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư các dự án trọng điểm...
Dấu ấn trên bản đồ kinh tế cả nước
Thời điểm năm 2008, khi đó thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên đạt trên 1.000 tỷ đồng và bước vào “Câu lạc bộ nghìn tỷ” toàn quốc. Đến năm 2023, Thái Nguyên đã có số thu ngân sách trên địa bàn đạt 20.196 tỷ đồng và đây cũng là năm đầu tiên tỉnh lọt TOP 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có phần kết dư đóng góp cho ngân sách Trung ương. Như vậy, trong giai đoạn 2008-2023, bình quân mỗi năm thu ngân sách của tỉnh tăng gần 1.300 tỷ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.403 tỷ đồng, vượt 26,6% dự toán được Chính phủ giao và vượt 4,6% so với dự toán được HĐND tỉnh giao.
Xác định thu ngân sách bền vững là phải dựa vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng là nền tảng, thời gian qua, Thái Nguyên đã tăng cường thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Tỉnh nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, sản xuất linh kiện điện tử… Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tuyển dụng lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Nhờ vậy, nhiều tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư lớn trong nước và ngoài nước đã đến Thái Nguyên để triển khai các dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 11 tỷ USD và trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Cùng với tập trung vào hai động lực quan trọng là xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI, thì việc thúc đẩy đưa vốn ra thị trường thông qua giải ngân đầu tư công và kích thích tiêu dùng nội địa cũng là các yếu tố quan trọng, tạo ra nhiều dư địa tăng trưởng, tăng thu ngân sách nhà nước.
Khai thác dư địa tiềm năng
Theo dự toán thu ngân sách năm 2025, tỉnh Thái Nguyên được Trung ương giao 22.230 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao thu 23.100 tỷ đồng. Để đảm bảo các mục tiêu về thu ngân sách, Thái Nguyên tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Cùng với đó, Thái Nguyên tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, mời gọi được các nhà đầu tư có thương hiệu, kinh nghiệm, tiềm lực và tâm huyết đến thực hiện các dự án trên địa bàn. Từ đó tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.
T.S Phạm Văn Hạnh, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên, cho rằng: Thái Nguyên muốn xây dựng nền tài chính mạnh thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư, tăng thu ngân sách, xây dựng các quỹ cho đầu tư phát triển, các quỹ dự phòng. Tỉnh phải có chiến lược rõ ràng trong dự trữ nguồn tiền phục vụ các dự án đầu tư phục vụ phát triển.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Thái Nguyên vẫn có rất nhiều dư địa trong thu ngân sách nhà nước. Nhiều dự án lớn đang được đầu tư; hoạt động kinh tế đêm đang được mở rộng, thương mại điện tử ngày càng phát triển và chiếm được thị phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Vì thế, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh để có các giải pháp chỉ đạo thu kịp thời, ngành Thuế cần triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, khai thác tăng thu đối với một số lĩnh vực có dư địa lớn, chống thất thu ngân sách đối với một số lĩnh vực còn rủi ro về thuế.
Tuy nhiên, tính bền vững của thu ngân sách nhà nước không chỉ là vấn đề tự thân của ngành Thuế mà liên quan chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa, thu ngân sách nhà nước bền vững trong dài hạn phải đảm bảo được kinh tế địa phương tăng trưởng liên tục.
Muốn làm được điều này cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương trong ban hành, thực thi các chính sách hỗ trợ DN và người nộp thuế cũng phải chủ động thích nghi, phát triển theo hướng nhanh và bền vững...