Thái Nguyên đóng góp to lớn cho ngày toàn thắng

Hòa bình lập lại (năm 1954), cùng với các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Từ đó góp phần xây dựng và củng cố miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Lực lượng tự vệ Khu Gang thép Thái Nguyên phối hợp cùng bộ đội chiến đấu, đánh trả máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Ảnh: Tư liệu

Lực lượng tự vệ Khu Gang thép Thái Nguyên phối hợp cùng bộ đội chiến đấu, đánh trả máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Ảnh: Tư liệu

Trong lúc Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thái Nguyên cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân miền Bắc ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam trực tiếp tham chiến và liều lĩnh gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ miền Bắc nước ta.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Đảng và Chính phủ đã cho xây dựng nhiều cơ sở kinh tế và quốc phòng quan trọng, đặc biệt là Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên - cơ sở công nghiệp luyện kim đầu tiên của miền Bắc nước ta, cùng với hệ thống các nhà máy chuyên sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Thái Nguyên cũng là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng với các tỉnh Việt Bắc, lên biên giới Việt - Trung. Nhận định vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng của Thái Nguyên, từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đã nhiều lần huy động máy bay vào trinh thám vùng trời Thái Nguyên.

Trong bối cảnh đó, xây dựng, phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, kịp thời chi viện sức người, sức của cho miền Nam trở thành nhiệm vụ trong tình hình mới của cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh.

Các hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày càng trở nên khẩn trương. Công tác phòng không nhân dân được triển khai rộng khắp; kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tự vệ với các đơn vị bộ đội chủ lực được xây dựng và tổ chức diễn tập thường xuyên. Toàn tỉnh xây dựng được trên 140 trận địa phòng không, 200.000 hầm hào trú ẩn; hàng nghìn chiến sĩ dân quân, tự vệ luân phiên trực chiến…

Riêng với Khu Gang thép Thái Nguyên, do chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, tháng 8-1965, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định tạm dừng một số công trình trọng điểm của Khu Gang thép. Chỉ trong vòng 2 tháng, Công ty Gang thép đã sơ tán 19.000 tấn thiết bị và các trường học, bệnh viện, kho tàng; đào 71km giao thông hào, xây dựng 42.000 căn hầm trú ẩn.

Đội viên tổ công binh Đại đội thanh niên xung phong 912 (Đội 91 Bắc Thái) luyện tập thao tác tháo hệ thống kíp bom điện, năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Đội viên tổ công binh Đại đội thanh niên xung phong 912 (Đội 91 Bắc Thái) luyện tập thao tác tháo hệ thống kíp bom điện, năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, hàng nghìn cán bộ, công nhân Gang thép Thái Nguyên đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, trong đó có nhiều lá đơn viết bằng máu. 2.000 chiến sĩ được Quân đội lựa chọn và biên chế thành “Tiểu đoàn 6 Gang thép” và “Tiểu đoàn 9 Gang thép” lên đường ra trận.

Với 100% quân số là công nhân Gang thép, trên chiến trường, hai tiểu đoàn đều chiến đấu dũng cảm, lập công xuất xắc. “Tiểu đoàn 6 Gang thép” được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và có 2 cá nhân là Anh hùng Quân đội. Cùng với đó, thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, lực lượng tự vệ Khu Gang thép được tổ chức tại tất cả các đơn vị, bám trận địa và từng điểm cao bắn máy bay Mỹ.

Trong những năm tháng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Khu Gang thép có 112 cán bộ, công nhân hy sinh, 226 người bị thương...

Trong hơn 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Thái Nguyên là một trong những mục tiêu phá hoại trọng điểm của giặc Mỹ nhằm chặn đứng việc huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đế quốc Mỹ đã huy động gần 4.000 chiếc máy bay các loại (có 69 lần máy bay B52) đánh phá Thái Nguyên trên 2.900 trận trong 297 ngày và 70 đêm, với gần 15.000 quả bom phá (tương đương với 5.000 tấn).

Trong cuộc chiến cam go, Thái Nguyên được Trung ương giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ các tỉnh để chuyển cho chiến trường miền Nam và khu vực. Tính riêng từ tháng 6 đến tháng 12-1972, Thái Nguyên đã trung chuyển 70.000 tấn lương thực, hàng hóa.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải tỏa hàng ở ga Lưu Xá, đêm Noel năm 1972, 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 (Đội 91 Bắc Thái) và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá đã anh dũng hy sinh, trở thành khúc tráng ca bất tử trong lòng thành phố Thép…

Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Thái Nguyên đã trực tiếp chiến đấu trên 400 trận, bắn rơi 61 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ; đặc biệt là bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.000 của đế quốc Mỹ trên miền Bắc.

Trong bom đạn ác liệt, các mặt sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững và phát triển. Mỗi năm nhân dân Thái Nguyên đóng góp cho Nhà nước trên 20.000 tấn lương thực, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tiền tuyến…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Nguyên đã có trên 48.270 người nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường ba nước Đông Dương, hàng vạn thanh niên xung phong tham gia phục vụ các chiến trường, trong số đó 7.792 người đã ngã xuống vì Tổ quốc, gần 7.800 người để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Toàn tỉnh có hơn 3.000 gia đình có từ 2 đến 5 người tòng quân, hàng trăm gia đình có từ 2 đến 3 liệt sĩ hoặc có con độc nhất đã hy sinh… Thái Nguyên đã đóng góp to lớn cho ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba…; 81 tập thể, 21 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; 575 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hồng Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202504/thai-nguyen-dong-gop-to-lon-cho-ngay-toan-thang-0bb0b66/
Zalo