Thái Nguyên: Đồng bộ hạ tầng giao thông thúc đẩy du lịch phát triển

Với lợi thế là đô thị và là tỉnh vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh về thu hút khách du lịch ngắn ngày, du lịch cuối tuần. Để phát triển thế mạnh đặc thù của địa phương, đồng thời tăng cường thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên trải nghiệm, ngành Giao thông vận tải Thái Nguyên đã tích cực triển khai đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối, thúc đẩy du lịch.

 Cầu Huống Thượng, TP Thái Nguyên

Cầu Huống Thượng, TP Thái Nguyên

Thái Nguyên có hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh, xã hội với chất lượng ngày càng cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 loại hình giao thông, gồm: đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Với lợi thế địa lý chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 80km, thời gian di chuyển ngắn. Thái Nguyên cách cảng Hải Phòng, Quảng Ninh 180km với thời gian di chuyển khoảng 150 đến 180 phút…

Có thể nói, Thái Nguyên là "điểm nút giao thông" quan trọng, nối Thái Nguyên với các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ qua các tuyến Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Thái Nguyên Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến QL.3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng), QL.37, QL.17 (Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang), QL.1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn), QL.3C (Thái Nguyên - Bắc Kạn). Tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội dài 55km là một phần của mạng lưới đường sắt quốc gia đang hoạt động tốt…

Xác định đó là lợi thế để phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm du lịch cuối tuần, du lịch ngắn ngày, trải nghiệm nông nghiệp vùng đất trà trong ngày, thời gian qua Thái Nguyên đã tăng cường phối hợp giữa các ngành Giao thông, Du lịch để tối ưu hóa các thế mạnh của địa phương.

Nút giao Sông Công

Nút giao Sông Công

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, tính đến thời điểm cuối 2024, tỉnh đã xã hội hóa đầu tư hiện đại, đồng bộ, hạ tầng bến xe khách, xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ dân sinh, xã hội, trong đó bến xe Trung tâm thành phố Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn bến xe loại I, đáp ứng lưu lượng trên 2.000 lượt xe xuất bến/ngày đêm. Lực lượng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và doanh nghiệp với trên: 1.000 xe tuyến cố định và xe hợp đồng vận tải khách; gần 3.000 xe vận tải hàng hóa trên các tuyến nội tỉnh, ngoại tỉnh; trên 2.000 xe taxi; mạng lưới xe buýt với gần 150 xe đã "phủ" rộng đến toàn bộ trung tâm các huyện, thành phố trong tỉnh…

Để thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên trải nghiệm, khám phá, ngành Giao thông vận tải đã tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối du lịch như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 quốc lộ 3 đến di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; đường trục chính từ thành phố Thái Nguyên vào khu du lịch Hồ Núi Cốc; đường quanh Hồ Núi Cốc; Dự án tuyến đường kết nối, liên kết tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc: Đây là tuyến kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc và Khu du lịch Quốc gia ATK Định Hóa, tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ tại các khu vực như: Thành phố Phổ Yên, huyện Đại Từ, khu vực sườn Đông Tam Đảo….

Từ những thuận lợi về giao thông, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch phù hợp. Đến nay, Thái Nguyên đã triển khai loại hình du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa Trà.

Trải nghiệm hái chè - một trong những sản phẩm du lịch hút khách của Thái Nguyên

Trải nghiệm hái chè - một trong những sản phẩm du lịch hút khách của Thái Nguyên

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên, cho biết, Sở VHTTDL là đơn vị chủ trì thực hiện nội dung hỗ trợ về phát triển du lịch nông thôn. "Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất "tứ đại danh trà", gồm Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh. Các vùng trà này đều có cảnh quan đẹp, thuận lợi cho xây dựng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp. Nhiều mô hình homestay , nhà cộng đồng đã được người dân xây dựng phục vụ du khách đến trải nghiệm vùng trà…", ông Ngọc chia sẻ.

Ông Ngọc cũng cho biết, tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Có thể kể đến một số huyện như Đồng Hỷ từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại Bản Tèn, xã Văn Lăng; xây dựng điểm du lịch cộng đồng Làng văn hóa truyền thống dân tộc Nùng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình; huyện Đại Từ tập trung nguồn lực xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn tại xã La Bằng, xã Hoàng Nông và xã Quân Chu; huyện Định Hóa tập trung nguồn lực xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình; Thành phố Sông Công tập trung xây dựng điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, tại xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.

Tỉnh Thái Nguyên đưa vào khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa Trà: Di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên) - Khu di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái (thành phố Thái Nguyên) - Đền Đuổm (huyện Phú Lương) - Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa) - Thiền viện trúc lâm Tây Trúc - Di tích núi Văn, núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu du lịch Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ). Tại các địa phương đã tích cực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng để phát triển du lịch như huyện Phú Bình: Đình Ngọc Long, cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối và Đền - Chùa Cao Báng, di tích Chùa Úc Sơn, di tích Chùa Chẻo, di tích Chùa làng Ca; Chùa Thượng Đình, Đình Tiên La, Chùa Lũ Yên, Đình Xuân La. Huyện Đại Từ: Thiền Viện Trúc Lâm Tây Trúc; di tích 27/7; Di tích nơi thành lập cơ sở Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Huyện Phú Lương: di tích quốc gia Đền Đuổm, di tích Đền Trình. Huyện Đồng Hỷ: công trình Khu du lịch sinh thái - văn hóa Đá Thiên. Huyện Võ Nhai: Di tích khảo cổ học Thần Sa, di tích thành lập Đội Cứu quốc quân II.

Ngoài ra, một số sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo) gắn với văn hóa Trà. Hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ có sức hấp dẫn cao như sân golf, phố đêm, sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn: trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2022 bao gồm 13 sân golf; hiện nay đang xây dựng 2 sân golf là sân golf Glory, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên và sân golf Tân Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ - theo kế hoạch trong năm 2025 sẽ đi vào hoạt động.

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển, Thái Nguyên đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Thống kê của Sở VHTTDL Thái Nguyên cho thấy, hiện toàn tỉnh có trên 7.000 người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đang làm việc tại 12 khu, điểm du lịch, 541 cơ sở lưu trú du lịch, 39 công ty lữ hành du lịch (30 công ty lữ hành nội địa, 9 công ty lữ hành quốc tế); các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống.

Năm 2024, các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức 18 lớp tập huấn: tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; tập huấn truyền thông về du lịch; tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn kỹ năng nâng cao sức khỏe và làm đẹp từ trà; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới... với sự tham gia của trên 1.500 học viên là cán bộ phòng VH&TT các huyện, thành phố; cán bộ văn hóa xã, phường; cán bộ, nhân viên tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch, các Hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, dịch vụ, như tổ chức cho các học viên đến từ các hợp tác xã làm du lịch đi học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho học viên được khảo sát thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn…

Sim Sim

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thai-nguyen-dong-bo-ha-tang-giao-thong-thuc-day-du-lich-phat-trien-20241227210456363.htm
Zalo