Bài 3: Hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống pháp lý cho hoạt động xây dựng

Xây dựng là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo dụng cơ sở hạ tầng, tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời cũng giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động cả phổ thông và chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy kiện toàn hệ thống pháp lý, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý xây dựng là vấn đề cấp thiết.

Bất cập trong công tác quản lý

Quá trình đô thị hóa nhanh, kéo theo nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công trình công nghiệp ngày càng tăng, nhưng bên cạnh đó là những phát sinh làm bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD), đặc biệt là tại địa bàn các đô thị. Qua kết quả kiểm toán chuyên đề về quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị của Đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra rất nhiều “lỗ hổng” trong công tác này.

Cụ thể, Đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, tại nhiều địa phương việc cấp Giấy phép xây dựng chưa đảm bảo đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành; thời gian, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng không đảm bảo đúng theo quy định; thiếu sự thống nhất trong trong việc điều chỉnh kế hoạch chi tiết sử dụng đất, nên sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, nhưng lại không đủ điều kiện cấp phép xây dựng.

Tình trạng vi phạm TTXD đang diễn ra với chiều hướng ngày càng phức tạp (trong hình là công trình vi phạm TTXD tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành

Tình trạng vi phạm TTXD đang diễn ra với chiều hướng ngày càng phức tạp (trong hình là công trình vi phạm TTXD tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành

Tại một số địa phương, Giấy phép xây dựng được cấp không đúng với quy định; buông lỏng trong công tác thanh – kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm TTXD, dẫn đến việc hàng loạt dự án, công trình xây dựng lớn nhỏ xảy ra vi phạm như: xây dựng khi chưa được cấp phép hoặc không đúng với giấy phép; không tuân thủ về diện tích xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Đáng quan ngại là có tình trạng một số cán bộ cơ quan quản lý có biểu hiện bao che bằng cách cố tình kéo dài thời gian xử lý, để hợp thức hóa sai phạm...

Theo KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về TTXD lên tới 1 tỷ đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (cá nhân áp dụng mức xử phạt bằng 1/2 tổ chức), đã giúp hạn chế được tình trạng vi phạm TTXD tại các địa phương. Tuy nhiên, việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn, đơn cử như việc Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã không cho phép thi hành biện pháp ngừng cung cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm...

“Bên cạnh đó, căn cứ theo Quyết định 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Đội quản lý TTXD đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã chỉ mới thực hiện tại TP Hà Nội. Do đó, tại các địa phương khác chưa có lực lượng chuyên biệt về xử lý vi phạm, mà vẫn phải sử dụng nhân lực kiêm nhiệm, nên đã làm hạn chế tính chủ động trong kiểm tra, xử lý và kiện toàn lực lượng làm công tác quản lý TTXD... cũng là một trong những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về TTXD” – KTS Lê Hồng Hiếu, nhìn nhận.

Thống nhất quy định để tạo động lực phát triển

Mặc dù còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế nhưng không thể phủ nhận ngành xây dựng có vai trò vô cùng quan trọng, đó là tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân; góp phần giải quyết lượng lớn lao động nhàn rỗi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm tình trạng thất nghiệp, ổn định trật tự xã hội.

Trên thực tế, chính quyền các đô thị đã quyết liệt vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh; đồng thời hạn chế “vấn nạn” vi phạm về TTXD, tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận đó là trong khi nhiều trường hợp vi phạm kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, thì vi phạm mới vẫn tiếp tục phát sinh.

Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm TTXD tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành

Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm TTXD tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành

Để kiện toàn hệ thống pháp lý, Bộ Xây dựng – với vai trò là cơ quan chuyên trách, đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, giúp cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng được bài bản, quy củ hơn. Tuy nhiên, những quy định này vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Đơn cử như quy định cấp phép xây dựng tại Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi năm 2020, bắt buộc tất cả công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc cao trên 75m) trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật.

Bất hợp lý là sau khi đã qua được hai lượt thẩm định nhưng chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp Giấy phép xây dựng (không được miễn Giấy phép xây dựng). Quy trình thủ tục hành chính này không hợp lý, tốn rất nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp. Hay như tại Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi năm 2020, quy định công trình đủ điều kiện khởi công trong trường hợp đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, có quỹ đất sạch, được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; đã được cấp Giấy phép xây dựng (hoặc miễn Giấy phép xây dựng)... nhưng trong luật lại yêu cầu nếu chưa có quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc giao đất thì chủ đầu tư không được khởi công xây dựng...

Hoạt động quản lý Nhà nước và cấp phép đầu tư hiện nay đang có nhiều bất cập, thủ tục cấp phép xây dựng được đánh giá như một “mê hồn trận”. Vừa qua Quốc hội đã thông qua một loạt các dự án luật mới có liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhưng theo đánh giá thì vẫn còn nhiều quy định chưa sát với thực tế và để hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hoạt động xây dựng, chúng tôi đề nghị phía cơ quan soạn thảo luật cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến góp ý để sớm có giải pháp khắc phục.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Nguyễn Quốc Hiệp

“Thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác cấp phép xây dựng và biện pháp xử lý vi phạm về TTXD; Cần bổ sung, hướng dẫn chi tiết quy trình, tiêu chí thẩm định dự án tích hợp đồng bộ với tiêu chí, lộ trình với công tác quy hoạch tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp quy. Đồng thời, phải đẩy mạnh phân cấp hơn nữa đối với hoạt động cấp phép xây dựng và cho phép xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở của một số dự án, công trình... tạo cơ chế thông thoáng cho sự phát triển của ngành” – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian qua thực trạng vi phạm đất đai, TTXD trên địa bàn huyện vẫn đang tiếp diễn, một số bộ phận trong Nhân dân vẫn còn chưa có nhận thức cao về ý thức chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, TTXD. Mặc dù chính quyền đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn có báo cáo xử lý theo tuần, tháng; thời gian xử lý; nội dung xử lý...

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng chưa được xử lý, do những vướng mắc về quy định trong một số văn bản luật. Vì vậy đề nghị cơ quan chức năng cần bổ sung thêm những quy định đặc thù cho hoạt động quản lý ngành và có hướng dẫn cụ thể để các địa phương lấy căn cứ thực hiện” – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) Nguyễn Anh Dũng kiến nghị.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng viên điều tra

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-hoan-chinh-dong-bo-he-thong-phap-ly-cho-hoat-dong-xay-dung.html
Zalo