Thái Nguyên đề xuất cách đạt 'cực tăng trưởng' về kinh tế

UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất đầu tư hoàn thiện Đường vành đai V qua tỉnh Thái Nguyên để tạo động lực thực sự trở thành 'cực tăng trưởng' về kinh tế.

Hạ tầng "đi trước một bước"

Tỉnh Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đóng vai trò quyết định trong việc đưa Thái Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

Năm 2024, với sự quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên đã có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5%.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,34%, khu vực dịch vụ và thuế tăng 8,13%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,01%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 19.680 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 119,2 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 0,92%/năm

Để thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp với phương châm "Tám chữ vàng": "Ổn định, Kế thừa, Đổi mới, Phát triển".

Thái Nguyên đề xuất đầu tư hoàn thiện Đường vành đai V qua tỉnh Thái Nguyên, tạo động lực đưa tỉnh Thái Nguyên thực sự trở thành “cực tăng trưởng" của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Thái Nguyên đề xuất đầu tư hoàn thiện Đường vành đai V qua tỉnh Thái Nguyên, tạo động lực đưa tỉnh Thái Nguyên thực sự trở thành “cực tăng trưởng" của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Cùng với đó, một trong những định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên là tập trung vào đột phá hạ tầng đi trước một bước, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số. Nhằm quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo sát sao, giải pháp quyết liệt trong việc thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, Trung ương tổ chức triển khai. Phong trào thi đua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực triển khai thực hiện và đã bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định và nổi bật.

Thái Nguyên tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, triển khai 26 dự án với tổng vốn 4.128 tỷ đồng, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình. Tỉnh có hai tuyến cao tốc quy hoạch (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn và Vành đai V). Đặc biệt, tuyến Vành đai V được ưu tiên đầu tư, với một số đoạn hoàn thành sớm, trong đó đoạn nối Bắc Giang thông xe trước 13,5 tháng, các đoạn còn lại dự kiến hoàn thành trước tiến độ 9 tháng vào ngày 31/3/2025.

Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh quy hoạch 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung. Hiện nay đã có 6 khu công nghiệp có chủ đầu tư; trong đó 5 khu công nghiệp đang duy trì hoạt động ổn định, dự án Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2024 với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên thành lập mới 14 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp tại các địa phương phía Nam. Các khu, cụm công nghiệp thành lập từ giai đoạn trước cũng được tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào và hệ thống kết nối với các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Quốc lộ 3 để phục vụ tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư, mở rộng sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu điện cung ứng cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã hợp tác chặt chẽ với Tổng công ty Điện lực miền Bắc để triển khai một số dự án điện trọng điểm.

Đồng thời, Thái Nguyên cũng tiên phong trong chuyển đổi số, tập trung phát triển hạ tầng số và tận dụng lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ cách làm sáng tạo, tỉnh xếp thứ 8/63 về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) trong hai năm 2022 - 2023 và thuộc Top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.

Về chất lượng phục vụ thủ tục hành chính, Thái Nguyên đạt 83,87/100 điểm, xếp thứ 7/63. Tỉnh đã tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, kết nối dữ liệu liên thông và triển khai nền tảng địa chỉ số. Ngoài ra, Thái Nguyên đi đầu trong chuyển đổi số gắn với ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử, khẳng định vị thế trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia.

Đề xuất phương án trở thành "cực tăng trưởng"

Hướng tới Đại hội XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện phong trào thi đua nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương.

Trong đó, trọng tâm là thi đua tập trung, nghiên cứu để đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế, luật pháp, quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng để huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung đầu tư, triển khai, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh có quy mô lớn nhằm tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, và các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao. Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh Thái Nguyên có một số đề xuất, kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn Ngân sách Trung ương để hỗ trợ tỉnh triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, mang tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh như Tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang; đầu tư hoàn thiện Đường vành đai V qua tỉnh Thái Nguyên, tạo động lực đưa tỉnh Thái Nguyên thực sự trở thành “cực tăng trưởng” của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và các đường quốc lộ kết nối tỉnh Thái Nguyên với tỉnh bạn.

Thứ ba, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện nội dung báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển vùng.

Đến năm 2030, Thái Nguyên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-nguyen-de-xuat-cach-dat-cuc-tang-truong-ve-kinh-te-374805.html
Zalo