Thái Nguyên: Bảo tồn di sản cây chè cổ ở Minh Tiến
Phát biểu tại Chương trình báo cáo đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà tỉnh Thái Nguyên năm 2025 vừa được tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng khẳng định: Thái Nguyên đã phát hiện nhiều cây chè cổ có tuổi đời hàng trăm năm, là di sản quý của tỉnh. Do đó, các ngành, địa phương liên quan cần sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đăng ký để đưa tất cả các cây chè cổ tại xã Minh Tiến (Đại Từ) trở thành cây di sản quốc gia.
Cây chè cổ ở Minh Tiến được phát hiện tại Núi Bóng cách nay hàng chục năm với quần thể ít nhất khoảng 30 cây nằm ở độ cao từ 600m đến 800m so với mực nước biển. Qua khảo sát, cây chè cổ thụ có đường kính gốc khoảng 30-40cm, cao từ 25m đến 30m, có tuổi đời lên đến trên 300 năm, được cho là đã tồn tại từ sau thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ XVII).
Một số người dân địa phương vẫn thường lên lấy lá chè cổ về để uống tươi hoặc sao tẩm, làm cao dùng như một vị thuốc Nam. Theo các chuyên gia, nếu so sánh, những cây chè cổ của Thái Nguyên còn có tuổi đời nhỉnh hơn cả các loại chè cổ nổi tiếng đã được công nhận là di sản như: Chè Suối Giàng (Yên Bái), chè Vân Hồ (Sơn La), chè Tủa Chùa (Điện Biên), chè Shan tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang), chè Hoàng Thu Phố (Lào Cai)…
Mặc dù được phát hiện từ trên 10 năm nay, nhưng hiện tại những cây chè cổ trên đỉnh Núi Bóng, Minh Tiến vẫn chưa được công nhận là cây di sản quốc gia. Nguyên do cũng bởi chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về tuổi đời, nguồn gốc cũng như đặc điểm sinh học và các thủ tục pháp lý cần thiết về các cây chè cổ này. Theo một số nhà nghiên cứu, cần sự phối hợp giữa các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, khảo cổ, lịch sử, sử dụng các phương pháp khoa học tiên tiến để xác định, thống nhất đưa ra kết luận và công bố những giá trị về cây chè cổ, tiến tới công nhận cây chè cổ Minh Tiến là cây di sản quốc gia.
Năm 2024, một số nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm ̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣(Đại học Thái Nguyên) đã đề xuất và được Hội đồng Khoa học tỉnh Thái Nguyên chính thức thông qua với đề tài: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ Núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên". Đây là bước khởi đầu quan trọng để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và mở ra hướng nghiên cứu, khẳng định giá trị của cây chè cổ Minh Tiến. Khi được công nhận là di sản quốc gia, cây chè cổ của Thái Nguyên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, thể hiện nét văn hóa trà đặc trưng riêng có của Thái Nguyên, đóng góp cho sự phát triển chung của ngành chè cả nước.
Với mục tiêu đưa ngành chè và sản phẩm trà Thái Nguyên lên tầm cao mới, đạt giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trong mấy năm tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng vui mừng thông báo, ngày 3-2, đúng Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030. Theo đó, nhiều mục tiêu, giải pháp quan trọng về phát triển ngành chè bền vững, nâng cao giá trị cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên được đưa ra.
Tại nước ta từ năm 2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã khởi xướng chương trình "Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam". Cùng với các loài cây quý hiếm khác, chè cũng được xem là cây thức uống không thể thiếu trong đời sống người dân Việt bao đời nay. Loại cây này phải được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, nhất là đối với những cây chè cổ có giá trị lịch sử, văn hóa riêng có như ở xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.