Làng Trang Các - quê hương của người anh hùng Hoàng Lê Kha
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Vương Duy Trinh khi làm Tổng đốc Thanh Hóa đã viết về vùng đất Chương Các (hay còn gọi là Trang Các) này với một cảm xúc đầy vẻ tự hào: Đứng trên đỉnh núi Ốc Sơn (nơi có chùa Long Cảm) ở trang Chương Các nhìn xuống thì thấy đồng quê màu mỡ trải hàng mấy trăm dặm. Núi Chiếu Bạch ở phía trước, núi Đấu Kê ở phía sau, sông Tất Mã bao quanh, núi Hồng Mông ở phía Bắc. Với cảnh quan ấy, những người ham thích nghiên cứu lịch sử và văn hóa có thể tìm thấy ở làng Trang Các (thị trấn Hà Trung) nhiều dấu ấn lịch sử có ý nghĩa chiến lược.
Tương truyền Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục) làm Tả tướng phò Lý Nam Đế khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Lương, lập ra nước Vạn Xuân. Sau khi Lý Nam Đế qua đời, ông tự xưng là Nam Việt quốc vương, lấy căn cứ ở đầm Da Trạch, đánh bại quân Tiêu Tư, ở ngôi được 23 năm từ năm 548 đến năm 570. Trong một lần khởi binh xây dựng đại bản doanh (mạc phủ hành quân) ở làng Trinh Hà (nay là xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa), ông đã lấy vùng núi Ốc Sơn ở Trang Các làm một đồn nhánh. Thời vua Lý Thái Tổ, vào năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) khi đi đánh Chiêm Thành đức vua đã đóng quân trên núi Ốc Sơn; đêm đến nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện đến và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương Nam giành thắng lợi, về tới kinh đô, nhớ lại sự tích ở núi Ốc và để trả ơn vị thần linh giúp sức, đức vua đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa thờ Phật lấy tên là Long Cảm. Đến thời Trần, Trần Thái Tông (1226 - 1258) vị vua đầu của nhà Trần, đi đánh Chiêm Thành, khi nghỉ lại ở chùa Long Cảm trên núi Ốc Sơn cũng mộng thấy những điều mà hơn hai thế kỷ trước vua Lý Thái Tổ đã từng gặp. Cuộc chinh phục Phương Nam cũng giành được thắng lợi, bắt được Hoàng hậu Bô - Đa - La đưa về kinh đô. Dưới thời Nguyễn, trong một dịp đi kinh lý ra xứ Bắc, vua Thiệu Trị đã dừng chân ở chùa Long Cảm, thấy phong cảnh đẹp, nhưng chùa lại đổ nát, nhà vua đã cho trùng tu lại chùa, ban tặng một quả chuông đồng và khắc một tấm bia công đức. Ở thời vua Tự Đức, vào năm Mậu Dần (1878), Hòa Thượng Minh Nguyệt cùng dân trong huyện Tống Sơn xây dựng điện Long Chương trên núi Ốc để thờ công chúa Thủy Tinh. Và xa hơn nữa, tương truyền ở vùng đất này Triệu Đà (208-137 TCN) khi vào Cửu Chân đuổi theo An Dương Vương đã cho đắp thành quách ở núi Ốc Sơn. Như vậy, bên cạnh các sự kiện diễn ra ở vùng đất Trang Các, điều đáng nói là vào đời vua Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt khi được triều đình cử vào trấn trị vùng đất Châu Ái đã cho dựng ngôi chùa Linh Xứng ở ấp Đại Lý (nay là xã Hà Ngọc) nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo xứ Thanh cùng với bài văn bia do Pháp Bảo soạn còn lại đến ngày nay. Đến thời Trần, thời Lê ở khu vực Đại Lại (nay thuộc xã Hà Đông), ngoài cung thất (Ly Cung) của Nhà Hồ - một công trình kiến trúc quy mô lộng lẫy “lầu son gác tía”, vua Tương Dực còn cho xây dựng ngôi chùa Phong Công cùng với tấm bia đá ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của một vùng non nước.
Những nguồn sử liệu này đã giúp chúng ta hiểu biết về tiến trình phát triển của một vùng đất được bắt đầu từ thời Lý cho đến cuối thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX) gần 1.000 năm dưới thời quân chủ, làng Trang Các và các khu vực xung quanh như làng Chiềng, làng Na (Hà Ngọc), làng Thăng Đường, hương Đại Lại (Hà Đông)... đã là một khu vực hoạt động tôn giáo khá nhộn nhịp. Ngoài các công trình thờ Phật nổi tiếng như chùa Long Cảm, chùa Linh Xứng, chùa Phong Công, ở đây cũng hình thành những công trình của tín ngưỡng Đạo giáo như các điện thờ nữ thần (Long Chương điện) và các điện thờ Thánh Mẫu khác... Tất cả những điều đó cho thấy, dưới thời phong kiến 1.000 năm, vùng đất Trang Các đã phát triển hết sức mạnh mẽ và để lại nhiều dấu ấn văn hóa đến ngày nay. Trên một bình diện rộng hơn, cách ngày nay khoảng 7.000 năm với điều kiện tự nhiên của một “đồng bằng trước núi”, Trang Các còn nằm trong không gian của một nền văn hóa nguyên thủy nổi tiếng ở đồng bằng sông Mã: Văn hóa Đa Bút.
Theo cuốn sách Sự tích lập dân (bằng chữ Hán) hiện đang lưu giữ tại làng cho biết: Quận phu nhân công chúa Khang Ngọc là vợ của Thái úy Phú Quốc Công Nguyễn Thọ Vực (Lê Thọ Vực), người Gia Miêu, nhà ở phường Trang Các, tổng Trung Bạn. Nhà ông bà có của cải sung túc, thường chiêu dụ Hoàng Văn Lân, Phạm Văn Trụ, Trình Bá Khâm, Lê Văn Bệ, Đoàn Văn dự (thuộc làng Biểu Hiệu). Mỗi năm ba kỳ phát chẩn, lúa, tiền. Các gia đình nhờ vào đó để làm ăn, sinh sống, từ đó lập nên phường Trang Các... Như vậy, từ một trang trại nhỏ thời Lê Thánh Tông, đến giữa thời Nguyễn, Trang Các phát triển thành một xã lớn với nhiều dòng họ như: Lê, Cao, Nguyễn, Hoàng...
Họ Hoàng ở làng Trang Các là một tộc họ lớn. Gia phả họ này được ghi chép từ đời thứ nhất là Hoàng Phúc Huệ đến đời thứ 13 là Hoàng Lê Bình, Hoàng Lê Kha thuộc đời thứ 12.
Trong tộc phả cũng cho biết: Ông Hoàng Lê Kha sinh tháng 11/1917 (có tài liệu ghi tháng 2/1917) đúng vào đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Cả cha và mẹ, rồi anh trai đều có công lao đối với cách mạng và các cuộc kháng chiến của dân tộc.
Vốn là người học hành chăm chỉ, tố chất thông minh, năm 1933 ông đỗ sơ học Pháp - Việt, cũng năm này ông đỗ vào Trường Bách Nghệ ở tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Tại đây ông tích cực tham gia phong trào hoạt động yêu nước trong học sinh, sinh viên và năm 1936 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp Trường Bách Nghệ, ông về làm việc tại Sở Đạc Điền Hà Nội và tích cực tham gia các phong trào Hướng đạo sinh, truyền bá quốc ngữ và các hoạt động yêu nước trong phong trào Mặt trận Bình dân thời bấy giờ.
Năm 1938, Mặt trận Bình dân đổ vỡ, chính quyền thực dân Pháp thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với phong trào dân chủ ở Đông Dương. Năm 1939, Hoàng Lê Kha, cũng như nhiều đảng viên cộng sản khác ở thời kỳ này phải rút vào hoạt động bí mật - bí danh Nguyễn Văn Lòng của Hoàng Lê Kha có lẽ ra đời trong thời gian này! Đến năm 1940, do cơ sở bị lộ, ông được tổ chức bí mật chuyển vào Sài Gòn – Gia Định công tác, tiếp tục hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, tham gia xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc (một tổ chức của Việt Minh). Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hoàng Lê Kha tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn, rồi trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Định, phụ trách báo Thống nhất của Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Gia Định. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Năm 1947 Tỉnh đội trưởng tỉnh Gia Định; Trưởng Ty Thông tin tỉnh Gia Định năm 1948; Trưởng Ty Kinh tế - Canh nông tỉnh Gia Định năm 1949 - 1950; trong các năm 1951 - 1952, ông làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Tây Ninh), rồi làm Bí thư huyện Dương Minh Châu cho đến năm 1954.
Sau Hiệp định Giơnevơ, Hoàng Lê Kha được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại miền Nam để hoạt động chứ không tập kết ra Bắc theo chủ trương của Đảng; ông được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, trực tiếp phụ trách thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành (Tây Ninh), lúc này ông tròn 37 tuổi.
Tháng 3/1959, Hoàng Lê Kha chuẩn bị đi công tác thì ông bị địch bắt và giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn). Vào đúng 5 giờ sáng ngày 12/3/1960, Hoàng Lê Kha đã bị đưa lên máy chém tại Tam Hạp (Trảng Lớn, Châu Thành, Tây Ninh) khi ấy ông mới 43 tuổi. Ông cũng là người Việt Nam cuối cùng bị hành quyết bằng máy chém theo đạo luật 10/59 của chế độ Mỹ - Diệm.
Khí phách hiên ngang của ông trước đoạn đầu đài mãi mãi là biểu tượng bất tử của lòng yêu nước của sự trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của ý chí thống nhất non sông liền một dải. Với những phẩm chất anh hùng và cao quý đó, ông vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1997, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công, truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Tên của ông ngay từ năm 1962, đã được đặt cho một ngôi trường và một xưởng in trong vùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hiện nay đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh - Khu lưu niệm Trường Nội trú Hoàng Lê Kha, huyện Châu Thành và Công ty Cổ phần In Hoàng Lê Kha. Sau ngày giải phóng đất nước 30/4/1975, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã lấy tên Hoàng Lê Kha để đặt tên cho trường học, đường, phố... Ở Thanh Hóa quê hương ông, ngoài Trường THPT Hoàng Lê Kha còn có nhà thờ họ Hoàng Lê - nơi thờ cúng những con người ưu tú của họ Hoàng Lê, trong đó có Hoàng Lê Kha.
Đây chính là sự tri ân sâu sắc nhất của thế hệ chúng ta “để năm tháng qua đi, không ai lãng quên và không gì có thể lãng quên” về sự hy sinh to lớn của những con người không hề tiếc máu xương mình để làm nên sự trường tồn, bền vững của những giá trị hòa bình của đất nước hôm nay.