Thái Lan sẽ tiếp nhận 500 'nạn nhân bị lừa đảo' từ Myanmar mỗi ngày
Khoảng 2.000 người nước ngoài là nạn nhân của các đường dây lừa đảo qua tổng đài ở Myawaddy, Myanmar dự kiến đến huyện Mae Sot thuộc tỉnh từ Tak của Thái Lan kể từ ngày mai (17/2) nhưng phía Thái Lan sẽ chỉ có thể tiếp nhận tối đa 500 người/ngày.
Theo quy trình được thống nhất tại cuộc họp của Ủy ban Biên giới Thái Lan-Myanmar vào hôm 15/2, phía Myanmar sẽ trao đổi với phía Thái Lan danh sách những người muốn rời khỏi Myanmar, kèm theo thông tin chi tiết về mỗi cá nhân từ 3-5 ngày trước khi họ được đưa về Thái Lan qua Cầu hữu nghị Thái Lan-Myanmar thứ 2 ở huyện Mae Sot, thuộc tỉnh Tak của Thái Lan.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lưu Trung Nghĩa có chuyến thăm tới huyện Mae Sot và thị trấn Myawaddy hôm 16/2/2025. Ảnh: The Nation
Hai bên cũng đã nhất trí rằng Thái Lan hiện chỉ có khả năng tiếp nhận 500 người hồi hương mỗi ngày, nhưng con số này có thể được điều chỉnh nếu cần thiết. Những người được đưa đến Thái Lan sẽ được tiến hành kiểm tra sức khỏe để đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm trước khi nhập cảnh vào xứ sở chùa Vàng. Họ cũng sẽ phải trải qua quá trình quét sinh trắc học và kiểm tra giấy tờ đi lại để xác nhận quốc tịch. Toàn bộ quá trình ước tính mất khoảng năm phút cho mỗi người.
Trước đó, Myanmar đã nhất trí phối hợp với Thái Lan trong cuộc trấn áp và giải cứu những người nước ngoài là nạn nhân của các đường dây buôn người và bị ép làm việc cho các băng nhóm lừa đảo qua tổng đài tại Myanmar do các ông trùm người Trung Quốc cầm đầu, đồng thời cho biết con số này có thể lên tới 7.000 người. Các tổng đài lừa đảo do các ông trùm người Trung Quốc điều hành tập trung ở hai khu vực là Shwe Kokko và KK Park ở thị trấn Myawaddy, đối diện với huyện Mae Sot của Thái Lan.

Ủy ban Biên giới Thái Lan-Myanmar họp triển khai công tác phối hợp hôm 15/2/2025. Ảnh: The Nation
Quá trình tiếp nhận các nạn nhân bị ép làm việc cho các băng nhóm lừa đảo bắt đầu được triển khai sau khi Thái Lan hôm 5/2 áp dụng các biện pháp cắt điện, nhiên liệu và internet tại 5 địa điểm ở 3 thị trấn biên giới Myanmar, trong đó có Myawaddy – đối diện huyện Mae Sot thuộc tỉnh Tak, Tachileik - đối diện huyện Mae Sai ở tỉnh Chiang Rai, và Payathonzu - đối diện tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan.
Cũng trong ngày 16/2, trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lưu Trung Nghĩa đã có chuyến thăm tới huyện Mae Sot và thị trấn Myawaddy để thị sát các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo qua tổng đài, dự kiến sẽ nhập cảnh vào Thái Lan trước khi hồi hương.
Trước đó, cảnh sát Thái Lan hôm 14/2 đã trục xuất 10 công dân Trung Quốc liên quan đến vụ bắt cóc nam diễn viên Vương Tinh, người được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar hồi tháng trước.