Thái Lan sẽ phát 4,2 tỷ đô la tiền mặt cho người dân để thúc đẩy nền kinh tế
Thái Lan sẽ bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt một lần cho công dân trong tháng này, khi các nhà chức trách tìm cách phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á
Chính phủ sẽ chuyển 10.000 baht (296,4 đô la) cho khoảng 14,2 triệu người Thái thuộc nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế vào ngày 25/9, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira đã tuyên bố với Quốc hội nước này vào thứ Năm (12/9). Tuy nhiên, ông không cam kết thời hạn thanh toán cho những người khác đã đăng ký tham gia chương trình.
"Ngân sách của chúng tôi rất hạn chế vì vậy chúng tôi sẽ ưu tiên để tái cấu trúc các điểm yếu của quốc gia trong nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn”, quan chức chia sẻ.
Khoảng 30 triệu người đã đăng ký hỗ trợ tiền mặt một lần, một lời hứa quan trọng trong cuộc bầu cử của Đảng Pheu Thai cầm quyền nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng và kinh doanh. Chính phủ hy vọng rằng điều đó sẽ giúp nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng thấp kéo dài.
Hỗ trợ tiền mặt dự kiến sẽ mang lại sự cứu trợ rất cần thiết cho các hộ gia đình đang phải gánh chịu mức nợ cao.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thái Lan đã chỉ trích cấu trúc và chi phí của chương trình, cũng như tác động lạm phát tiềm ẩn.
Kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 2,3% trong quý II/2024. Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự báo nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 1,9% của năm trước.
Cũng theo ngân hàng này, dữ liệu kinh tế trong tháng 7 cho thấy sự cải thiện so với tháng trước đó, chủ yếu là nhờ xuất khẩu và du lịch. Cụ thể, lượng khách du lịch nước ngoài là 3,1 triệu, cao hơn mức 2,7 triệu của tháng trước, chi tiêu trung bình của du khách cũng tăng lên.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa (không bao gồm vàng và được điều chỉnh theo mùa) tăng 2,8% so với tháng trước, chủ yếu nhờ các sản phẩm điện tử, nông nghiệp, hóa chất và hóa dầu. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng gia tăng ở một số hạng mục.
Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục giảm do nỗi lo về chi phí sinh hoạt tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm và bất ổn chính trị. Ngoài ra, tâm lý kinh doanh liên quan đến đầu tư tiếp tục suy giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, bất động sản và bán lẻ.