Thái Lan ký FTA đầu tiên với các quốc gia châu Âu
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hôm 23/1 đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận đầu tiên về tự do thương mại giữa Thái Lan với các nước châu Âu tại Davos (Thụy Sĩ), kỳ vọng giúp giảm thiểu những bất ổn trong thương mại.
Đây là Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Thái Lan và nhóm các quốc gia châu Âu bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, còn được biết đến với tên gọi Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA). Bốn quốc gia này đã nhập khẩu 1,8 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Thái Lan và xuất khẩu 1,4 tỷ USD trong năm 2023, và Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Thái Lan. Thỏa thuận này đã mất gần 20 năm để xây dựng, với các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 10/2005 và kết thúc vào tháng 11/2024 do những thay đổi về chính trị tại Thái Lan.
Theo thỏa thuận, Thái Lan và EFTA sẽ xóa bỏ hoặc giảm thuế hải quan đối với các sản phẩm công nghiệp và hải sản. Hai bên cũng đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động trao đổi thương mại thông qua các thủ tục nhanh chóng và các quy tắc minh bạch.
Bên cạnh việc thúc đẩy các điều kiện xuất khẩu thuận lợi sang các quốc gia phương Tây giàu có trong nhóm EFTA, Bộ Thương mại Thái Lan còn đặt mục tiêu khuyến khích đầu tư vào xứ sở chùa Vàng thông qua các Hiệp định thương mại tự do. EFTA nhập khẩu máy móc sản xuất đồ điện tử, thiết bị cơ khí, xe cộ, sản phẩm sắt và linh kiện đồng hồ từ Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan hy vọng, các thỏa thuận mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa trước những bất ổn trong thương mại, cụ thể là rủi ro thuế quan từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu để cân bằng thặng dư thương mại với các nước như Trung Quốc, Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan xếp thứ 10 về có thặng dư thương mại với Mỹ.
Thái Lan đang đàm phán các thỏa thuận thương mại với EU, Hàn Quốc, Bhutan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và với Canada với tư cách là một phần của ASEAN. Thái Lan cũng kỳ vọng sẽ sớm có thể ký kết hiệp định thương mại tự do với 27 nền kinh tế của EU.
Xứ sở chùa Vàng hiện có 15 hiệp định thương mại tự do với 19 quốc gia, bao gồm 6 hiệp định song phương, 7 hiệp định trong vai trò là thành viên ASEAN, một hiệp định trong ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào năm 2022.