Thái Lan: Đề cao những tác động tích cực, mạnh mẽ của hoạt động kiểm toán

Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan với vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024 đã công bố một báo cáo có chủ đề: 'Hiểu về tác động của hoạt động kiểm toán thông qua mô hình kinh tế và toán học'.

Cơ quan kiểm toán tối cao giữ nhiều vai trò quan trọng

Mở đầu báo cáo, KTNN Thái Lan nhấn mạnh, cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) là thành phần quan trọng trong cơ chế giám sát của các chính phủ trên toàn cầu. Được giao nhiệm vụ kiểm toán thu và chi của các chính phủ, mục tiêu của SAI là duy trì và nâng cao các nguyên tắc về trách nhiệm giải trình và quản trị khu vực công. Thông qua các cuộc kiểm toán nghiêm ngặt, SAI đảm bảo rằng các đơn vị công sử dụng ngân sách hiệu quả và tuân thủ các khuôn khổ quy định pháp lý, thúc đẩy văn hóa về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tổng Kiểm toán nhà nước Thái Lan, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 phát biểu khai mạc Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán toán tối cao châu Á lần thứ 16. Ảnh: ST

Tổng Kiểm toán nhà nước Thái Lan, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 phát biểu khai mạc Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán toán tối cao châu Á lần thứ 16. Ảnh: ST

Tính minh bạch là cơ sở nền tảng cho quản trị dân chủ. SAI đóng vai trò then chốt ở khía cạnh tăng cường tính minh bạch bằng cách làm cho hoạt động của các chính phủ minh bạch hơn và công chúng dễ tiếp cận hơn. Thông qua việc tuyên truyền hiệu quả phương pháp sử dụng công quỹ, SAI hỗ trợ xây dựng niềm tin vào các tổ chức của chính phủ, đảm bảo rằng người dân được cung cấp thông tin đầy đủ và tham gia vào công tác quản lý nguồn lực công.

Trách nhiệm giải trình là một nền tảng khác của quản trị hiệu quả. SAI yêu cầu các công chức và chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc quản lý công quỹ. Các cuộc kiểm toán của SAI thường xuyên phát hiện ra tình trạng quản lý yếu kém hoặc lạm dụng nguồn lực, thúc đẩy việc thực hiện các hành động khắc phục và cải cách. Cơ chế trách nhiệm giải trình này rất quan trọng để duy trì tính liêm chính của các cơ quan hành chính công.

KTNN Thái Lan khẳng định, những phát hiện kiểm toán của các SAI thường nêu bật những lĩnh vực cần cải thiện, cải cách, về chính sách hay thông lệ hoạt động. Những kiến nghị này nhằm nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả trong các hoạt động của các chính phủ, từ đó có thể dẫn đến những cải thiện đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ và thủ tục hành chính.

Một trong những vai trò quan trọng của SAI là phát hiện, ngăn chặn gian lận và tham nhũng. Các cuộc kiểm toán thường xuyên và chi tiết khiến hành vi tham nhũng dễ dàng bị phát hiện hơn, từ đó đóng vai trò ngăn chặn những đối tượng lừa đảo. Khía cạnh phòng ngừa của các cuộc kiểm toán này giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực công và duy trì tính liêm chính trong các hoạt động của mỗi chính phủ.

Bên cạnh đó, SAI xác định các cơ hội để giảm thiểu chi phí và quản lý nguồn lực hiệu quả hơn, từ đó có thể giúp tiết kiệm tài chính đáng kể. Bằng cách chỉ ra sự thiếu hiệu quả và các khoản chi tiêu lãng phí, SAI đảm bảo ngân sách công được sử dụng mang lại nhiều lợi ích nhất có thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nền kinh tế mỗi quốc gia.

Bằng cách đảm bảo các nguồn lực công được sử dụng theo pháp luật, đúng mục đích, SAI hỗ trợ và tăng cường quá trình dân chủ. Người dân có thể có niềm tin và gắn kết với chính phủ hơn khi họ thấy nguồn lực công được sử dụng minh bạch và có trách nhiệm. Các cuộc kiểm toán hiệu quả do SAI thực hiện sẽ làm tăng niềm tin của công chúng vào hoạt động của chính phủ.

SAI cũng đóng góp vào việc hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững bằng cách thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả và năng suất các nguồn lực trong các chương trình môi trường, xã hội và kinh tế. Việc giám sát của SAI đảm bảo rằng các sáng kiến phát triển bền vững được thực hiện hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu quốc gia và toàn cầu.

Tác động kiểm toán từ những góc nhìn

Từ quan điểm kinh tế, KTNN Thái Lan cho rằng, tác động của một cuộc kiểm toán được nhìn nhận thông qua lăng kính phân bổ nguồn lực, tính hiệu quả cũng như ngăn chặn sự quản lý yếu kém và tham nhũng. Các cuộc kiểm toán không chỉ là tuân thủ mà còn liên quan đến việc tối ưu hóa các nguồn lực công.

Các cuộc kiểm toán hiệu quả có thể giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, cung cấp dịch vụ tốt hơn và sử dụng hợp lý ngân sách. Về mặt kinh tế, tác dụng răn đe của các cuộc kiểm toán sẽ làm giảm khả năng chi tiêu lãng phí và tham nhũng, từ đó có thể có tác động tích cực đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

SAI đảm bảo rằng, tất cả các cơ quan công đều tuân thủ khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập, từ đó duy trì việc cai trị bằng pháp luật. Đây là điều cần thiết để duy trì tính trật tự, công bằng và công tâm trong công tác quản lý hành chính công tại mọi quốc gia.

Để đánh giá tác động của các SAI có định lượng, KTNN Thái Lan đưa ra một mô hình toán học xem xét một số yếu tố quyết định chính, bao gồm chất lượng kiểm toán, phạm vi kiểm toán, sự tham gia của các bên liên quan, tính kịp thời của báo cáo, tuân thủ quy định và chất lượng các đề xuất. Để triển khai mô hình này, KTNN Thái Lan khuyến nghị các SAI cần thu thập dữ liệu về từng yếu tố quyết định này trong quá trình kiểm toán của cơ quan.

KTNN Thái Lan dẫn chứng, chất lượng của một cuộc kiểm toán có thể được đo lường thông qua các cuộc đánh giá chéo và đánh giá độc lập, trong khi sự tham gia của các bên liên quan có thể được đánh giá thông qua các cuộc khảo sát và phỏng vấn.

Các SAI cần thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động trong mỗi năm tài chính. Bằng cách áp dụng mô hình toán học, SAI có thể xác định điểm mạnh và điểm yếu trong các quá trình kiểm toán. Nếu nhận thấy chất lượng các kiến nghị chưa đạt hiệu quả, SAI có thể tập trung cải thiện mức độ khả thi và thực tế của các kiến nghị, từ đó nâng cao tác động tổng thể của kiến nghị kiểm toán./.

(Theo KTNN Thái Lan)

Yến Nhi

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thai-lan-de-cao-nhung-tac-dong-tich-cuc-manh-me-cua-hoat-dong-kiem-toan-35364.html
Zalo