Thái Bình: Tận dụng tiềm năng, điểm tựa để tăng tốc, bứt phá

Sáng 12/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và 4 tháng của năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP

Theo Tỉnh ủy Thái Bình, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, thách thức song với sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, Chính phủ, tỉnh Thái Bình tổ chức thực hiện quyết liệt, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế có sự bứt phá. GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025 và cao hơn mức tăng GDP cả nước (6,93%). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm, đưa quy mô GRDP năm 2025 lên hơn 151,2 nghìn tỷ, gấp 1,7 lần năm 2020 và đứng thứ 23/63 cả nước. Đồng thời, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; lạm phát được kiểm soát; CPI bình quân 4 tháng năm 2025 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước.

Công nghiệp phát triển nhanh với động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo. Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2025 tăng 17,1% so với cùng kỳ; bình quân giai đoạn 2020 - 2025 ước tăng 14,3%/năm, cao hơn giai đoạn trước (13,1%/năm). Đồng thời, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện có bước phát triển; công nghiệp năng lượng giải quyết được điểm nghẽn, đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện (với tổng công suất 1.800 MW) và đang tích cực triển khai Dự án điện khí LNG (công suất 1.500 MW). Trong nhiệm kỳ, đã thành lập mới 4 khu công nghiệp (Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP, Hưng Phú).

Thủ tướng cho rằng Thái Bình cần phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội để phát triển đột phá. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng Thái Bình cần phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội để phát triển đột phá. Ảnh: VGP

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá. Trong 4 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,1% với thị trường xuất khẩu lên đến 100 nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ tăng 16,1%, cao hơn mức bình quân cả nước (10%). Kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn khả quan cùng việc triển khai thu thuế điện tử giúp thu ngân sách đạt kết quả rất tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 đạt 67,2% dự toán, tăng 60,8% so với cùng kỳ.

Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có gần 12,5 nghìn doanh nghiệp, gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Trong 4 tháng năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt trên 585 triệu USD, gấp gần 4 lần cùng kỳ, nâng tổng vốn FDI đăng ký giai đoạn 2020 - 2025 lên trên 5,4 tỷ USD, gấp 14,5 lần giai đoạn trước. Tỷ lệ giải ngân 4 tháng ước đạt 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân cả nước (15,6%). Các dự án hạ tầng giao thông chiến lược tháo được điểm nghẽn, tiến hành khởi công như Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc CT.08, Dự án tuyến đường bộ ven biển…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Về một số khó khăn, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, quy mô nền kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có bứt phá, đột phá, do đó phải nỗ lực khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh có giải pháp phù hợp mang tính đột phá để 5 năm tới tăng trưởng bứt phá, trước mắt trong năm nay đạt mức tăng trưởng 8%... Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Thái Bình huy động mọi nguồn lực gồm vốn Nhà nước, đầu tư công, tư nhân, vốn nước ngoài; cơ cấu lại sản phẩm, xây dựng lại thương hiệu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm truyền thống có thế mạnh; góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thực hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; hỗ trợ, nuôi dưỡng để các doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương và đề nghị triển khai nhanh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa 1.500 giường và đề án phát triển Đại học Y Dược Thái Bình thành trường Đại học Y Dược hàng đầu của Việt Nam và tiến tới trình độ tiên tiến khu vực, đạt chuẩn quốc tế. Với yêu cầu triển khai nhanh trong khoảng 2 năm, định hướng là bệnh viện thông minh, đại học thông minh, Thủ tướng cho biết, Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án này trong tổng thể triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Vũ Thu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thai-binh-tan-dung-tiem-nang-diem-tua-de-tang-toc-but-pha.html
Zalo