THACO được đề nghị nghiên cứu, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao
Tại Quảng Nam ngày 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị THACO tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, khảo sát cảng biển Chu Lai. Nguồn: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_595_51428206/ae77fa36c07829267069.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, khảo sát cảng biển Chu Lai. Nguồn: VGP.
Sáng 8/2, trong chương trình công tác tại Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm một số cơ sở kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp lớn của tỉnh gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển Chu Lai, sân bay Chu Lai, các nhà máy của tập đoàn THACO, tập đoàn HS Hyosung.
Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2003, là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với mô hình khu kinh tế tổng hợp, áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, phù hợp theo thông lệ quốc tế.
Đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hút hơn 4,5 tỷ USD vốn đầu tư, góp phần quan trọng đưa Quảng Nam từ một tỉnh nghèo đến một địa phương có thể tự cân đối ngân sách, điều tiết về Trung ương.
Trong đó, THACO Chu Lai - Quảng Nam được xem là trung tâm công nghiệp cơ khí - ô tô và logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu khu vực ASEAN; với tổng số nhân sự gần 15.000 lao động.
Mới đây, THACO đã khánh thành bến cảng 5 vạn tấn chuyên dụng container tại cảng quốc tế Chu Lai với tổng mức đầu tư 1.590 tỷ đồng cùng hàng loạt nhà máy tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Trước đó, vào tháng 3/2022, trong chuyến công tác tại Quảng Nam, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương xây dựng cảng này và đến nay, công trình đã hoàn thành, trở thành đầu mối giao thương và trung tâm logistics quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kết nối Nam Lào và Bắc Campuchia.
THACO là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động đa ngành, bao gồm các ngành ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư - xây dựng, thương mại - dịch vụ và logistics, phát triển trên nền tảng quản trị công nghiệp, có tính tích hợp và bổ trợ.
Riêng lĩnh vực ô tô, trong năm 2024, THACO đã bán hơn 91.000 xe, chiếm hơn 32% thị phần ô tô trong nước; xuất khẩu đạt hơn 1.100 xe với doanh thu hơn 12,6 triệu USD.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương cam kết sẽ nỗ lực thực hiện các dự án chiến lược hình thành hệ sinh thái công nghiệp đa ngành thế hệ mới của THACO tại Chu Lai - Quảng Nam trên nền tảng quản trị công nghiệp, phát triển xanh, thông minh, hiện đại, bền vững.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực ô tô, trong năm 2025, tập đoàn đặt kế hoạch hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm R&D ô tô mới, tập trung chuyên sâu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm; mục tiêu doanh số ô tô đạt trên 100.000 xe, trong đó tập trung vào sản phẩm có giá trị cao để đạt doanh thu 80.847 tỷ đồng và xuất khẩu trên 4.000 xe đạt doanh thu hơn 35 triệu USD.
Sau khi nghe các ý kiến và báo cáo, phát biểu kết luận, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao hoạt động và kết quả đã đạt được của THACO, với các sản phẩm có chất lượng cao hơn, tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn, giá thành phù hợp hơn, số hóa, tự động hóa nhiều hơn, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp ngân sách lớn, phát huy trách nhiệm xã hội, đặc biệt là đã chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa.
![Thủ tướng tham quan dây chuyền sản xuất tại Tập đoàn THACO. Nguồn: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_595_51428206/9a73cf32f57c1c22456d.jpg)
Thủ tướng tham quan dây chuyền sản xuất tại Tập đoàn THACO. Nguồn: VGP.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị THACO tiên phong trong đổi mới sáng tạo; bứt phá trong tăng trưởng; phát triển toàn diện, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp; làm tốt hơn nữa công tác tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 10% của Quảng Nam và ít nhất 8% của cả nước trong năm 2025.
Về các kiến nghị của THACO, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải giải quyết ngay các thủ tục liên quan đến việc đầu tư Dự án tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn vào cảng Chu Lai trên tinh thần bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì lợi ích chung, bảo đảm minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị THACO tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy, Thủ tướng tin tưởng THACO sẽ đạt kết quả năm 2025 cao hơn 2024 trên tất cả các mặt.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Cảng hàng không Chu Lai. Nguồn: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_595_51428206/8844e005da4b33156a5a.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Cảng hàng không Chu Lai. Nguồn: VGP.
Cũng trong sáng 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Cảng hàng không Chu Lai; kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cách đây gần 3 năm về Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.
Báo cáo với Thủ tướng, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh đã hoàn thành lập và đang chờ chủ trương của Trung ương về xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay để tiếp tục hoàn thiện Đề án đầu tư, khai thác và quản lý kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức PPP. Mặt khác, Tập đoàn Sovico và CTCP hàng không Vietjet đã có đề xuất đầu tư Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Nhất trí phát triển sân bay Chu Lai theo hướng lưỡng dụng, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ, ngành phối hợp với tỉnh Quảng Nam rà soát, phân định diện tích đất sử dụng vào các mục đích quốc phòng, dân sự, phát triển kinh tế; định giá các tài sản; hoàn thiện trình hồ sơ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không, để làm căn cứ hoàn chỉnh Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai.
![Thủ tướng tới thăm nhà máy của tập đoàn HS Hyosung tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguồn: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_595_51428206/059b6cda5694bfcae685.jpg)
Thủ tướng tới thăm nhà máy của tập đoàn HS Hyosung tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguồn: VGP.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Tập đoàn HS Hyosung. Đây là tập đoàn đa ngành, nằm trong nhóm 30 tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc; dẫn đầu về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu tiên tiến (sợi lốp ô tô, sợi kỹ thuật cao, sợi carbon…), dịch vụ khách hàng đối với các phân khúc ô tô hạng sang, dịch vụ logistics và cung ứng toàn cầu, nghiên cứu AI và trung tâm dữ liệu lớn…
Tại Quảng Nam, tập đoàn bắt đầu đầu tư từ năm 2018 với cam kết đầu tư tổ hợp công nghiệp với tổng vốn 1,34 tỷ USD; đến nay đã vận hành ổn định 2 dự án vải mành, vải túi khí với số vốn 452 triệu USD, doanh thu hàng năm khoảng hơn 200 triệu USD.
Trong năm 2025, tập đoàn có kế hoạch sẽ đầu tư dự án nhà máy sản xuất nội thất tại Quảng Nam, cung cấp các sản phẩm nội thất ô tô và các loại thảm thương mại với quy mô 110 triệu USD và quý 2/2026 đưa nhà máy vào vận hành chính thức.
Đánh giá quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đang phát triển rất tốt, giao lưu nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày càng có nhiều gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đề nghị HS Hyosung tiếp tục thiết thực đóng góp thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước bằng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có lãi, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân.
"Năm nay, Việt Nam xác định tăng trưởng GDP ít nhất 8%, những năm tới tăng trưởng 2 con số, do đó tập đoàn cần bám sát mục tiêu này để xây dựng chương trình, dự án, đóng góp vào sự tăng trưởng của Việt Nam. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng của Chính phủ giao, động viên toàn tỉnh nỗ lực hoàn thành," Thủ tướng nói.
Về các đề xuất của HS Hyosung, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất sửa đổi quy định để tháo gỡ những vướng mắc liên quan lĩnh vực môi trường. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện quy định về cấp giấy phép cho các lao động, chuyên gia nước ngoài…