Thách thức với lãnh đạo kế nhiệm của Nhật Bản

Việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bất ngờ tuyên bố không tái tranh cử đã trở thành 'phát pháo hiệu' khởi động cuộc đua tìm kiếm nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước Mặt trời mọc.

Nhật Bản đang ở giai đoạn bước ngoặt về chính trị, có thể quyết định con đường nhiều năm tới. Ảnh: Lookphotos

Nhật Bản đang ở giai đoạn bước ngoặt về chính trị, có thể quyết định con đường nhiều năm tới. Ảnh: Lookphotos

Chính giới Nhật Bản rung chuyển sau khi Thủ tướng Fumio Kishida thông báo không tái tranh cử để chịu trách nhiệm về vụ bê bối quỹ chính trị đã làm chấn động đảng cầm quyền kể từ cuối năm 2023.

Theo luật định, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ từ chức khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) có chủ tịch mới sau cuộc bầu cử tháng 9-2024, vì đảng này hiện đang nắm đa số tại Quốc hội.

Giới quan sát cho rằng, việc Thủ tướng Nhật Bản có ý định từ bỏ quyền lực là lựa chọn dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh áp lực từ bê bối quỹ chính trị, những bất cập trong kinh tế - xã hội như tình trạng giá tiêu dùng tăng mạnh, càng “đổ dầu vào lửa”, khiến sự chỉ trích của công chúng tiếp tục tăng và tỷ lệ ủng hộ nội các đương nhiệm càng suy giảm.

Reuters dẫn lời một số nhà quan sát nhận định, đây là quyết định hợp lý. "Một thủ tướng đương nhiệm của LDP không thể ra tranh cử trừ khi bảo đảm được chiến thắng", Giáo sư ngành Khoa học chính trị Koichi Nakano tại Đại học Sophia (Nhật Bản) cho biết.

Trong bối cảnh đó, Chánh Văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi dẫn lời của Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định, tất cả bộ trưởng đều được tự quyết việc tham gia ứng cử vị trí dẫn dắt LDP.

Theo truyền thông Nhật Bản, tới nay đã có một số thành viên đương nhiệm và cựu thành viên của Nội các nước này thể hiện ý định tham gia cuộc bầu cử Chủ tịch LDP.

Cụ thể, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono và Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi xác nhận có ý định tranh cử để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản. Bộ trưởng Taro Kono có thế mạnh am hiểu mạng xã hội và có tư tưởng cải cách. Vị quan chức này cũng đã bày tỏ mong muốn vận dụng bề dày kinh nghiệm đã tích lũy được sau khi kinh qua nhiều vị trí Bộ trưởng như Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về các vấn đề an ninh. Nữ chính trị gia này cũng đề cập tầm nhìn về một nước Nhật Bản mạnh mẽ và giàu có hơn cho thế hệ tiếp theo.

Ngoài hai gương mặt trên, cựu Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takayuki Kobayashi và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Ken Saito cũng không loại trừ khả năng ra tranh cử.

Chánh Văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi - người được coi là thân cận với Thủ tướng đương nhiệm chưa xác nhận khả năng tham gia.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, Tổng Thư ký LDP Toshimitsu Motegi và cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi cũng được đánh giá là những ứng cử viên nhiều tiềm năng.

Một số nhận định cho rằng, rất có thể LDP sẽ giới thiệu một gương mặt hoàn toàn mới, không có quan hệ với chính quyền hiện tại để tránh "dớp" từ các vấn đề hiện nay.

Người kế nhiệm vai trò lãnh đạo LDP và Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách. Thứ nhất, khôi phục niềm tin của công chúng vào Đảng cầm quyền. Thứ hai, giải quyết chi phí sinh hoạt tăng cao, những vấn đề cố hữu của xã hội Nhật Bản như dân số già. Thứ ba, hóa giải căng thẳng địa chính trị có xu hướng leo thang với Trung Quốc, cũng như tiếp nối nỗ lực hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản với Hàn Quốc - điều mà Thủ tướng Kishida Fumio đang triển khai rất hiệu quả.

Những nhiệm vụ đối ngoại này không dễ, nhất là khi tính tới những biến động nếu ông Donald Trump trở lại vị trí lãnh đạo nước Mỹ vào năm tới.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thach-thuc-voi-lanh-dao-ke-nhiem-cua-nhat-ban-674932.html
Zalo