Xung đột Gaza có nguy cơ lan sang Bờ Tây

Hiện nay xung đột giữa Israel và Hamas tại dải Gaza có nguy cơ cao lan sang Bờ Tây. Trong lúc đó, hàng ngàn người dân Australia biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với Palestine.

Liên đoàn Arab cảnh báo về nguy cơ xung đột Gaza

Bế mạc phiên họp 162 của Liên đoàn Arab: cảnh báo nguy cơ xung đột Gaza lan sang Bờ Tây, Liên đoàn Arab cảnh báo nguy cơ xung đột Gaza lan sang Bờ Tây.

Sau 2 ngày họp, phiên họp lần thứ 162 của Hội đồng Liên đoàn Arab cấp bộ trưởng được tổ chức tại thủ đô Cairo, Ai Cập hôm qua đã bế mạc. Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên của Liên đoàn Arab cùng các đối tác, bao gồm cả Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc đã kêu gọi Israel rút quân hoàn toàn khỏi dải Gaza, bao gồm cả hành lang Philadelphi) và cửa khẩu Rafah bên phía Palestine.

Khói lửa Gaza. Ảnh: Middle East Eye.

Khói lửa Gaza. Ảnh: Middle East Eye.

Theo nghị quyết được ban hành sau phiên họp, các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab đã bày tỏ lập trường kiên quyết bác bỏ kế hoạch hậu xung đột của Israel và quyền kiểm soát của nước này đối với bất kỳ khu vực nào ở Gaza. Nghị quyết nhấn mạnh rằng đường biên giới Palestine-Ai Cập là khu vực có chủ quyền không được phép xâm phạm, đồng thời khẳng định việc cần phải vận hành cửa khẩu Rafah theo các quy tắc hiện hành và xóa bỏ mọi trở ngại đối với hoạt động tiếp cận nhân đạo một cách an toàn, đầy đủ và nhanh chóng thông qua cửa khẩu này.

Nghị quyết cũng cho rằng những cáo buộc của Thủ tướng Israel là nhằm biện minh cho việc từ chối rút lui khỏi hành lang Philadelphi, cản trở các nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Qatar và Mỹ, cũng như đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi các chính sách làm gia tăng căng thẳng của Chính phủ Israel đối với người dân Palestine.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit nhấn mạnh: “Xung đột Gaza đang tiến gần mốc 1 năm. Một năm qua đã có hơn 17.000 trẻ em Palestine và 11.000 phụ nữ đã bị giết. Đây cũng là năm mà cộng đồng quốc tế chưa có khả năng ngăn chặn cuộc xung đột đẫm máu và tang thương này. Cuộc xung đột này cần phải chấm dứt. Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza, bao gồm cả hành lang Philadelphi và cửa khẩu Rafah bên phía Palestine”.

Quân đội Israel đã kiểm soát hành lang Philadelphi, một vùng đệm rộng 100m và dài 14km dọc biên giới Ai Cập-Gaza, và cửa khẩu Rafah bên phía Palestine từ tháng 5 vừa qua, đồng thời ngăn chặn xe tải cứu trợ nhân đạo vào Gaza. Cho đến nay bất chấp sự phản đối của dư luận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tuyên bố quân đội nước này phải ở lại hành lang Philadelphi.

Trong tuyên bố hôm 2/9 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh rằng lực lượng Israel sẽ không rút lui, đồng thời nhắc lại rằng việc kiểm soát hành lang này rất quan trọng để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí trong tương lai từ Ai Cập vào Gaza. Tuyên bố của Israel được cho là đang đi ngược lại với quan điểm dư luận khu vực, trong đó có nước trung gian hòa giải là Ai Cập. Bởi Ai Cập đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi và yêu cầu trở lại nguyên trạng trước khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra vào tháng 10/2023.

Ngoài sự tham dự của các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab, phiên họp lần thứ 162 của Hội đồng Liên đoàn Arab cấp bộ trưởng còn có sự góp mặt của các quan chức từ Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. Tại cuộc họp, các đối tác cũng kêu gọi chấm dứt xung đột do lo ngại nếu xung đột ở Gaza không chấm dứt có thể lan tới cả khu vực Bờ Tây.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Joseph Borren nêu rõ: “Chính phủ Israel đang cố gắng làm cho việc xây dựng một nhà nước Palestine trong tương lai trở nên bất khả thi. Một mặt trận mới đang được mở ra, với mục tiêu rõ ràng là biến Bờ Tây thành một Gaza mới. Trong tình trạng bạo lực gia tăng làm mất tính hợp pháp của chính quyền Palestine. Nếu không có hành động của cộng đồng quốc tế, Bờ Tây sẽ trở thành một Gaza mới.”

Cho đến nay, xung đột Gaza đã bước sang tháng 12. Kể từ khi xung đột nổ ra, hoạt động di chuyển vào và ra khỏi dải Gaza, vùng lãnh thổ của Palestine, vốn bị phong tỏa từ hồi năm 2007, càng bị hạn chế nghiêm ngặt, buộc người dân phải tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục hoặc việc làm ở Bờ Tây. Với việc xung đột tiếp tục lan rộng sang Bờ Tây, cuộc sống của người dân Palestine càng thêm khó khăn.

Hàng ngàn người biểu tình tại Australia để ủng hộ Palestine

Sáng nay (11/9), tại thành phố Melbourne, Australia, hàng chục ngàn người biểu tình đã tập trung trước nơi diễn ra Triển lãm quốc phòng lục quân quốc tế 2024 để phản đối cuộc xung đột tại dải Gaza và ủng hộ người dân Palestine, khiến nhiều tuyến đường bị phong tỏa, giao thông đình trệ.

Cuộc biểu tình đã buộc bang Victoria phải huy động tối đa lực lượng cảnh sát khu vực để ngăn chặn bạo động. Ảnh: The Age.

Cuộc biểu tình đã buộc bang Victoria phải huy động tối đa lực lượng cảnh sát khu vực để ngăn chặn bạo động. Ảnh: The Age.

Theo ước đoán của cảnh sát bang Victoria, Australia, có khoảng 25.000 người biểu tình đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm vào Triển lãm Quốc phòng lục quân quốc tế năm nay tại Melbourne. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại đây kể từ cuộc biểu tình trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2000, buộc chính quyền bang Victoria phải huy động hàng trăm cảnh sát chống bạo động từ khắp tiểu bang và trao quyền hành động theo Đạo luật Chống khủng bố để bảo đảm an ninh.

Các cuộc biểu tình đã bắt đầu từ Thứ 6 ngày 6/9 và diễn ra rải rác tại nhiều khu vực tại thành phố Melbourne nhằm phản đối cuộc xung đột tại dải Gaza và một số quốc gia đang tiếp tục bán vũ khí cho Israel. Người biểu tình từ nhiều nhóm hoạt động đến từ nhiều bang khác nhau của Australia, trong đó chủ yếu là nhóm nổi dậy Extinction Rebellion và nhóm Sinh viên vì Palestine (Students for Palestine) đã đứng ra tập hợp lực lượng, thành lập nhóm phản chiến tạm thời có tên Giải tán Lục quân (Disrupt Land Forces) và tổ chức các cuộc biểu tình.

Người phát ngôn của cuộc biểu tình Jamine Duff khẳng định, những người biểu tình hi vọng sẽ có một cuộc phong tỏa hàng loạt, nhằm cản trở và phá hoại hội nghị Triển lãm quốc phòng lục quân quốc tế lần này, tạo tiếng vang cho phong trào phản đối chiến tranh.

Từ 6h sáng nay (11/9), các nhóm người biểu tình đã tụ tập đông đảo trước Trung tâm triển lãm Melbourne, nơi bắt đầu diễn ra hội nghị Triển lãm quốc phòng Lục quân quốc tế 2024, có sự tham gia của hơn 800 công ty công nghiệp quốc phòng Australia và quốc tế. Người biểu tình đã vây quanh lối vào trung tâm triển lãm, mang theo cờ Palestine, các băng rôn, biểu ngữ phản đối chiến tranh, ủng hộ người dân Palestine và hô to các khẩu hiệu "Tự do cho Palestine".

Căng thẳng bắt đầu leo thang khi Trung tâm triển lãm bắt đầu mở cửa lúc 9h, khi người biểu tình cố gắng ngăn cản người ra vào trung tâm và có các hành động quá khích, la hét, khạc nhổ, ném đá, trứng và các vật thể lạ vào cảnh sát, đốt lửa tạo hỗn loạn trên đường phố. Các cuộc đụng độ bắt đầu xảy ra giữa những người biểu tình quá khích và cảnh sát chống bạo động, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vũ lực để giải tán và bắt giữ những người quá khích. Nhiều nhóm biểu tình cũng đã tổ chức diễu hành từ Trung tâm triển lãm tới các khu vực thương mại thuộc trung tâm thành phố Melbourne. Các tuyến đường trong thành phố đã bị phong tỏa và cảnh sát buộc phải hộ tống các đại biểu vào Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Melbourne. Tại nhiều khu vực, người biểu tình đã ném thùng rác ra đường, đốt lửa và nhiều nơi phát sinh các tiếng nổ lớn.

Thủ hiến vang Victoria Jacinta Allan lên án hành động bạo lực của những người quá khích diễn ra sáng nay, trong khi đó, nghị sĩ đảng Xanh Gabrielle de Vietri đã rời khỏi quốc hội để tham dự cuộc biểu tình.

Giám đốc Cảnh sát bang Victoria Anthony Carbines cho biết Cảnh sát Victoria, cùng với sự hỗ trợ của các cảnh sát liên bang trên khắp cả nước, đã được trang bị và lên kế hoạch ứng phó tốt để đối phó với những người biểu tình hỗn loạn và đảm bảo an toàn cho người dân. Hàng trăm cảnh sát khu vực và liên bang đã được huy động để tăng cường an ninh trước cuộc biểu tình được cho là cuộc biểu tình lớn nhất ở bang Victoria kể từ năm 2000.

Hồng Nhung. Thiên Thành/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-gaza-co-nguy-co-lan-sang-bo-tay-post1120601.vov
Zalo