Thách thức và định hướng phát triển của Hải quan, Cục Thuế khu vực XVI
Sự sáp nhập các đơn vị hải quan và thuế khu vực XVI là một bước đi quan trọng trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hải quan tại ba tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Cán bộ thuế hỗ trợ trực tuyến cho người nộp thuế. Ảnh: Phạm Hậu -TTXVN
Sau khi các Cục thuế và Hải quan của tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh được sáp nhập thành Chi cục Hải quan khu vực XVI và Chi cục Thuế khu vực XVI, quy trình làm việc và mô hình tổ chức của các đơn vị này đã có những thay đổi rõ rệt. Trong bối cảnh này, việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại đã trở thành yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuế và hải quan. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, các cơ quan này cũng đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là trong việc duy trì và phát triển thu ngân sách nhà nước trong năm 2025.
Vận hành ngay sau sáp nhập
Trước khi thực hiện sáp nhập, ba Cục Hải quan của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh hoạt động độc lập, mỗi đơn vị có bộ máy và cách thức vận hành riêng biệt. Điều này dẫn đến sự phân tán trong quản lý và giám sát, gây không ít khó khăn trong việc điều phối công việc giữa các đơn vị. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, Chi cục Hải quan khu vực XVI đã được tổ chức lại theo mô hình tinh gọn, với tổng cộng chỉ 23 đầu mối, giảm 14 đầu mối so với trước. Sự thay đổi này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn nhân lực mà còn nâng cao hiệu quả trong quản lý, giảm thiểu sự chồng chéo trong các hoạt động giám sát và kiểm soát hải quan.
Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên Đặng Khánh Duy (địa chỉ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, chuyên sản xuất – xuất khẩu bánh tráng và muối các loại) cho rằng, sau khi các Cục Thuế và Hải quan sáp nhập được thuận lợi là thủ tục hải quan điện tử được đơn giản hóa, thời gian thông quan hàng hóa nhanh hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lưu kho, lưu bãi. Việc hợp nhất cơ quan quản lý giúp chính sách và hướng dẫn thuế – hải quan trở nên nhất quán, hạn chế tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu”. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, hệ thống công nghệ thông tin cần thời gian tích hợp và chuẩn hóa, nhiều lúc hệ thống còn bị quá tải do lượng hồ sơ tăng đột biến. Các doanh nghiệp cũng cần có thời gian thích nghi với cơ quan hải quan mới cũng như giải quyết các thủ tục phát sinh, vướng mắc có thể dẫn đến việc làm thủ tục thông quan có thể bị chậm trễ.
Còn với Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đa truyền thông Vạn Hoa Nguyễn Thị Thu Ngân (địa chỉ phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, kinh doanh sàn thương mại điện tử cholonghoa.com) cho biết, sau khi các Cục Thuế và Hải quan sáp nhập, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và hải quan được cải thiện rõ rệt, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tra cứu, đối chiếu các nghĩa vụ về thuế và phí xuất nhập khẩu. Các kênh hỗ trợ doanh nghiệp trực tuyến như Zalo, Email, SMS phát huy hiệu quả, giảm thiểu đáng kể thời gian đi lại, phù hợp với đặc thù hoạt động nhanh và linh hoạt của doanh nghiệp dịch vụ, thương mại điện tử như Vạn Hoa.
Ông Nguyễn Hồ Bảo Linh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn CFOOD (địa chỉ xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nông sản xuất khẩu) cũng cho biết, sau sáp nhập các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu được triển khai đồng bộ hơn, đặc biệt trong việc ưu tiên thông quan nhanh đối với thực phẩm dễ hư hỏng và thời gian xử lý hoàn thuế VAT cho hàng xuất khẩu được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, việc phân công cán bộ ở địa bàn rộng khiến doanh nghiệp khó gặp trực tiếp khi có vấn đề khẩn cấp cần được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồ Bảo Linh kiến nghị, ngành chức năng cần thành lập các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đặc thù, như thực phẩm đông lạnh, nhóm hóa chất, nhóm máy móc, thiết bị. Đồng thời, tăng cường phân quyền xử lý cho cán bộ trực tiếp tại các điểm thông quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.
Việc hợp nhất các đơn vị hải quan mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Trước hết, việc thống nhất quy trình làm việc giúp cải thiện khả năng phối hợp giữa các bộ phận, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai chính sách. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức mới còn giúp tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực hiện có, từ đó nâng cao năng suất công việc và giảm thiểu chi phí quản lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI, những thuận lợi do việc sáp nhập đem lại bao gồm sự hiện diện của nhiều khu công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như VSIP, KCN Sóng Thần, Khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc, nơi tập trung nhiều hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thu ngân sách và ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng đang được đầu tư mạnh mẽ, giúp kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Điều này làm cho việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và giám sát hải quan. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Chi cục Hải quan khu vực XVI phải đối mặt chính là việc duy trì hiệu quả kiểm tra và giám sát hải quan trong bối cảnh sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức phải thích ứng nhanh chóng và phối hợp linh hoạt hơn.
Với mục tiêu thu ngân sách trong năm 2025, Chi cục Hải quan khu vực XVI phải đối mặt với một loạt thách thức. Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao dự toán thu ngân sách nhà nước cho các đơn vị thuộc Chi cục hải quan khu vực XVI là 21.450 tỷ đồng, với các mục tiêu cụ thể cho từng tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, làm cho thu ngân sách trong năm nay trở nên đầy thử thách.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, các nhóm giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai đồng bộ, bao gồm việc tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ được thực hiện quyết liệt, nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước.
Nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững trong giai đoạn mới, Chi cục Hải quan khu vực XVI đã đề ra một số định hướng trọng tâm để phát triển trong thời gian tới. Trọng tâm của chi cục hải quan là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hải quan, và phát triển hệ thống hải quan điện tử để giảm thiểu thời gian thông quan và nâng cao tính minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ.
Mục tiêu cụ thể trong năm đầu tiên là giảm ít nhất 20% thời gian xử lý thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, chi cục hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát biên giới, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và đảm bảo an ninh kinh tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, chi cục hải quan sẽ tổ chức các buổi đối thoại, tư vấn chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Đồng thời, chi cục cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để cải thiện kỹ năng quản lý và kiểm tra hải quan.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Bên cạnh hải quan, Cục Thuế khu vực XVI cũng đang thực hiện một loạt cải cách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thu thuế và quản lý thuế. Theo ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XVI, ngay từ khi sáp nhập, chi cục đã tiến hành xây dựng ban chỉ đạo triển khai vận hành bộ máy mới. Bộ máy mới được thành lập với 13 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 13 đội thuế liên huyện trực thuộc, quản lý toàn bộ ba địa bàn Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Ngay từ khi thành lập, Chi cục Thuế khu vực XVI đã chú trọng vào việc xây dựng bộ máy nhân sự mới và tổ chức lại phân bổ nhân lực. Tuy nhiên, với việc giảm hơn 200 cán bộ sau sáp nhập, các trụ sở tại các địa phương gặp khó khăn lớn trong việc đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với số lượng doanh nghiệp tăng lên gấp nhiều lần. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng AI và big data để quản lý và giám sát thuế một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XVI, cho biết việc chuyển từ chức năng quản lý thuế sang quản lý theo đối tượng đòi hỏi cán bộ thuế phải nắm vững các kỹ năng chuyên môn và cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách và pháp luật. Việc này đặt ra yêu cầu cao về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức thuế, nhằm đảm bảo thu thuế được thực hiện hiệu quả và chính xác.
Ngoài việc tái cấu trúc nhân sự, Chi cục Thuế khu vực XVI cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, đặc biệt là thông qua nền tảng eTax Mobile. Việc này không chỉ giúp cải thiện quy trình thu thuế mà còn nâng cao tính minh bạch và công bằng trong việc thu thuế. Để hỗ trợ người nộp thuế, Chi cục Thuế khu vực XVI cũng đã triển khai các hình thức hỗ trợ qua các kênh trực tuyến như Zalo, Email, và hệ thống tin nhắn điện tử SMS.
Cùng với đó, Chi cục Thuế khu vực XVI sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế, ứng dụng công nghệ thông tin, và tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Chi cục cũng sẽ tập trung vào đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ công chức thuế, đảm bảo mỗi cán bộ đều có đủ năng lực, kiến thức và kỹ năng để thực hiện thu thuế trong giai đoạn mới.
Sự sáp nhập và tái cấu trúc các đơn vị hải quan và thuế khu vực XVI là một bước đi quan trọng trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hải quan tại ba tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Tuy nhiên, với những thách thức không nhỏ về nguồn lực, quy trình làm việc và yêu cầu công nghệ, Chi cục Hải quan và Cục Thuế khu vực XVI cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2025 và những năm tiếp theo.