Thách thức sống còn đối với châu Âu

Theo cựu Thủ tướng Italy, việc cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh của EU là một 'thách thức sống còn' đối với 27 quốc gia thành viên.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã trình bày một báo cáo chi tiết cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursua Von der Layen, trong đó nhấn mạnh châu Âu cần nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc tăng cường đầu tư. Báo cáo đề cập đến nhiều lĩnh vực như khử carbon, quốc phòng, vật liệu chiến lược và đổi mới công nghệ, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giúp Liên minh châu Âu (EU) đạt được mục tiêu này.

Theo cựu Thủ tướng Italy, việc cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh của EU là một "thách thức sống còn" đối với 27 quốc gia thành viên, cũng như tăng cường an ninh của khối. Theo ông Draghi, châu Âu đã bị tụt hậu kinh tế so với Mỹ.

Báo cáo mở đầu với nhận định: "EU đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, như đạt được mức độ bao phủ xã hội rộng rãi, trung hòa carbon và gia tăng vị thế địa chính trị. Tất cả đều phụ thuộc vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao". Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU vẫn thấp hơn so với Mỹ, trong khi

Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và thu hẹp khoảng cách này.

* Tăng cường khả năng cạnh tranh

Cựu Chủ tịch ECB nhấn mạnh trong báo cáo rằng cải thiện khả năng cạnh tranh của EU là ưu tiên hàng đầu, với "mục tiêu chính là tăng năng suất, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng dài hạn". Ông Draghi cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp châu Âu đang gặp bất lợi do "điều kiện cạnh tranh không công bằng trên quy mô toàn cầu". Những nhận xét này liên quan đến cuộc điều tra của EC về những khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho ngành ô tô điện quốc gia.

Báo cáo viết: "Trong những tình huống như vậy, việc tạo ra một sân chơi công bằng là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng năng suất bền vững". Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh khả năng cạnh tranh phải song hành với việc tăng cường an ninh. Các biến động địa chính trị hiện nay trên thế giới, đang lan rộng sang châu Âu, làm gia tăng sự bất ổn và cản trở đầu tư.

* Thúc đẩy đổi mới

Ông Draghi cũng chỉ ra một thách thức khác mà EU cần phải cải thiện, Đó là không để tụt hậu thêm so với Mỹ trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Ông nhận định: "Nguyên nhân chính khiến năng suất của EU bắt đầu tụt lại phía sau Mỹ vào giữa những năm 1990 là do châu Âu không tận dụng được cuộc cách mạng số đầu tiên".

* Ưu tiên khử carbon

Ông Draghi nhấn mạnh rằng một trong những ưu tiên hàng đầu là tăng cường đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khả năng đầu tư đã giảm mạnh do giá năng lượng leo thang. Ông nhận định: "Điều này tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư của các doanh nghiệp, thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế lớn khác".

Ông Draghi kêu gọi cần "tăng cường đáng kể năng lực sản xuất và phát triển mạng lưới", đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp số, bao gồm cả AI tạo sinh. Ông cũng đề xuất "giảm chi phí năng lượng cho người dùng cuối" thông qua các lợi ích từ quá trình khử carbon. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, 27 quốc gia thành viên EU phải thống nhất và triển khai "cơ chế quản trị cần thiết cho một liên minh năng lượng thực sự", ông nhấn mạnh.

Báo cáo cũng đặt trọng tâm vào các mục tiêu khử carbon, nhất là khi các mục tiêu này ở châu Âu "tham vọng hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác, dẫn đến chi phí bổ sung ngắn hạn cho ngành công nghiệp châu Âu". Một lần nữa, việc đạt được những mục tiêu này phụ thuộc vào các khoản đầu tư, được đánh giá là "lớn" và "ngắn hạn".

Báo cáo nhấn mạnh: "Khử carbon mang lại cho châu Âu cơ hội giảm giá năng lượng và dẫn đầu trong công nghệ sạch, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng", nhắm tới năng lượng tái tạo mà một số khu vực ở châu Âu có "tiềm năng cao". Và châu Âu cũng là "nhà lãnh đạo trong đổi mới công nghệ sạch". Do đó, báo cáo khuyến nghị cần tập trung hỗ trợ vào "các công nghệ mà châu Âu đang dẫn đầu".

Đồng euro tại ngân hàng ở Heidelberg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng euro tại ngân hàng ở Heidelberg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

* Sự phụ thuộc vào các vật liệu chiến lược

Chủ đề thứ tư trong báo cáo là sự phụ thuộc của châu Âu. Các nước trong EU hiện đang "phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài", đặc biệt là với các nguyên liệu thô quan trọng hoặc công nghệ tiên tiến. Ông Draghi cảnh báo: "Nhiều sự phụ thuộc này có thể trở thành điểm yếu nếu thương mại bị phân chia theo các ranh giới địa chính trị".

Một mối quan tâm khác là vấn đề quốc phòng. Báo cáo chỉ ra: "Tình trạng xấu đi của quan hệ địa chính trị cũng tạo ra những nhu cầu mới về chi tiêu quốc phòng và năng lực công nghiệp quốc phòng". Vì vậy, một lần nữa, cần có các khoản đầu tư để đáp ứng nhu cầu này, nhất là khi "hiện tại chỉ có 10 quốc gia thành viên chi tiêu gần đúng 2% GDP (cho quốc phòng) theo cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", dù báo cáo cũng ghi nhận "chi tiêu quốc phòng đang tăng lên".

Về lĩnh vực không gian, châu Âu cũng cần được đầu tư thêm và có một hệ thống quản trị mới, trong khuôn khổ "một thị trường không gian duy nhất thực sự".

Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung các khoáng sản và vật liệu quan trọng như lithium. Đây là lĩnh vực mà "EU đang tụt hậu", theo báo cáo. Vì vậy, EU cần thực thi quy định về các nguyên liệu thô quan trọng đã được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng Ba vừa qua, và thiết lập "một nền tảng châu Âu chuyên dụng cho những vật liệu này".

* Thúc đẩy liên minh thị trường vốn

Tóm lại, châu Âu cần tăng cường đầu tư. Theo các ước tính mới nhất của EC, cần thêm ít nhất từ 750 tỷ - 800 tỷ euro (827,79 tỷ - 882,98 tỷ USD) mỗi năm, tương đương khoảng 4,4%-4,7% GDP của EU vào năm 2023. Một phần của số tiền này có thể đến từ khoản tiết kiệm của các hộ gia đình châu Âu, vì họ "đang sở hữu một lượng tiền tiết kiệm lớn". Tuy nhiên, hiện tại, khoản tiết kiệm này chưa được chuyển hướng hiệu quả vào các khoản đầu tư có tính chất sản xuất.

Một giải pháp khác là liên minh thị trường vốn, dù vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện. Trong khi chờ đợi, "các khoản vay ngân hàng vẫn là nguồn tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp". Tuy nhiên, các ngân hàng này "thường không được trang bị tốt để tài trợ cho các doanh nghiệp đổi mới", báo cáo nhấn mạnh. Một giải pháp có thể là "cho phép các ngân hàng gom các khoản vay từ nhiều quốc gia thành viên thành các tài sản tiêu chuẩn hóa và có thể giao dịch, cũng có thể được mua bởi các nhà đầu tư ngoài ngân hàng".

Do đó, ông Draghi khuyến nghị các quốc gia thành viên cần phát hành thêm các khoản nợ chung mới. Sau thành công của kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19, EU nên "tiếp tục sử dụng các công cụ nợ chung để tài trợ cho các dự án đầu tư chung nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và an ninh của EU”.

* Cải cách quản trị EU

Cuối cùng, báo cáo kêu gọi châu Âu xem xét lại cơ chế hoạt động của mình. Liệu EU có cần thay đổi hệ thống quản trị? Đây dường như là điều mà báo cáo đề xuất. Ông Draghi nhận định: "Các quy tắc ra quyết định của EU dựa trên một logic nội bộ hợp lý - đạt được sự đồng thuận hoặc ít nhất là đa số lớn - nhưng có vẻ chậm chạp và cồng kềnh so với các phát triển diễn ra bên ngoài".

Điều này làm chậm lại hoạt động của các thể chế, vì "mất trung bình 19 tháng để thông qua luật mới". Báo cáo đề xuất ba biện pháp: tập trung lại công việc của EU; đẩy nhanh hành động và hội nhập EU; và đơn giản hóa các quy tắc.

Tóm lại, để châu Âu không chỉ duy trì mà còn nâng cao vị thế trên trường quốc tế, các nhà lãnh đạo châu lục cần phải thực hiện các cải cách sâu rộng và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực chiến lược. Chỉ khi đó, EU mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra và đối mặt với những thách thức toàn cầu một cách hiệu quả./.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-song-con-doi-voi-chau-au/346677.html
Zalo