Thách thức khi đưa giới siêu giàu lên màn ảnh
Nhiều phim Việt khai thác đề tài về giới nhà giàu, siêu giàu nhưng nhà sản xuất phải vượt nhiều thách thức để có được bối cảnh xa xỉ, thuyết phục được khán giả
Nếu là phim nhân vật gia cảnh bình dân, nhà sản xuất sẽ không lo ngại nhiều về chi phí đầu tư phần bối cảnh. Thế nhưng, khi đã làm phim về giới thượng lưu thì buộc mọi thứ phải xứng với hai chữ xa hoa.
Áp lực chi phí
Đưa giới giàu có cho đến siêu giàu lên màn ảnh rộng dù thời hiện đại hay cổ trang đều tốn kém chi phí bối cảnh, phục trang. Ở thời hiện đại, nhân vật giàu sang phải sống trong biệt phủ, việc thuê hoặc phục dựng mất thời gian, tiền bạc. Nếu chọn bối cảnh xưa, nhà làm phim ngoài tốn chi phí phục dựng, đầu tư phục trang còn phải mất chi phí đạo cụ, thuê xe cổ…, tất cả đều tốn kém.
Đa phần, chọn làm phim về giới giàu sang, chi phí là một trong những áp lực lớn. Nỗ lực hết mức trong nguồn ngân sách có hạn để lột tả được sự hào nhoáng là cả nỗ lực của nhà làm phim. Năm 2020, điện ảnh Việt có phim "Gái già lắm chiêu 3" của đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, khai thác cuộc sống giới thượng lưu xứ Huế. Đoàn phim chọn bối cảnh là những biệt phủ, resort nổi tiếng được bố trí lại cho phù hợp. Sự sang trọng được mô tả tỉ mỉ từ bữa ăn cho đến cảnh trí và trang phục diễn viên.
Tiếp theo, khán giả được thấy một "Gái già lắm chiêu 5: Những cuộc đời vương giả" kể chuyện giới siêu giàu. Phim đầu tư chi phí bấy giờ lên đến 2 triệu USD (46 tỉ đồng), bối cảnh chính là các khách sạn 6 sao và cung điện nổi tiếng: Quần thể Đại Nội - Huế, Cung An Định. Đoàn phim cũng chi 2 tỉ đồng để dựng bối cảnh Bạch trà viên rộng 500 m2.
Tháng 10 vừa qua, phim "Cô dâu hào môn" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng ra rạp cũng cho khán giả thấy cuộc sống giàu sang của bà Phượng (Thu Trang đóng) và con trai Bảo Hoàng (Samuel An đóng) - sở hữu tập đoàn chuyên về y tế.
Phim "Công tử Bạc Liêu", sắp ra rạp ngày 6-12, cũng về giới siêu giàu nhưng mốc thời gian cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. "Phim về giới nhà giàu hoặc siêu giàu tốn kém chi phí đầu tư hơn bình thường. Nhà của bà Phượng, Bảo Hoàng cần thiết kế nhiều, đạo cụ cũng không ít, chúng tôi tận dụng góc quay, quay nhiều bối cảnh nhỏ, nhiều nơi rồi dựng lại" - ông Will Vũ, nhà sản xuất phim "Cô dâu hào môn", chia sẻ.
Nỗ lực trong hạn chế
Với điện ảnh thế giới, phim khai thác về giới siêu giàu không hiếm nhưng điện ảnh Việt thì vẫn là đề tài không nhiều nhà làm phim chọn lựa bởi thử thách hơn so với các đề tài khác. Bên cạnh áp lực kinh phí hạn chế thì cách kể câu chuyện thuyết phục, sự linh hoạt, nỗ lực xoay chuyển trong kinh phí hạn hẹp rất quan trọng. Nếu không có sự nỗ lực này, khán giả sau khi tò mò thưởng thức phim sẽ phản ứng tiêu cực, cho rằng nhà làm phim "có tiếng nhưng không có miếng". Khi đó, những truyền miệng tiêu cực này sẽ gây phản ứng trong khán giả, ảnh hưởng doanh thu chung.
Phim "Cô dâu hào môn" cũng từng gặp phải một số chỉ trích từ khán giả rằng nhân vật được mô tả giàu có nhưng trên màn ảnh rộng thì chưa đủ độ xa hoa, hào nhoáng từ ngôi nhà cho đến khí chất diễn viên.
Nhà sản xuất Giang Hồ của phim "Công tử Bạc Liêu" cho biết phim đô thị hiện đại hay bối cảnh xưa mô tả cuộc sống người giàu hoặc giới siêu giàu đòi hỏi ê-kíp nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin, tư liệu. "Với những người bình thường hoặc nghèo khó, chúng ta có thể quan sát dễ hơn từ nhiều nơi trong cuộc sống nhưng với những người siêu giàu thì đâu thể tiếp cận họ nếu không có mối quan hệ thân tình. Vì thế, ê-kíp phải nghiên cứu kỹ và đầu tư chi phí, áp lực nhiều hơn còn là ở phần thực hiện sau khi đã có sự nghiên cứu trước" - nhà sản xuất Giang Hồ cho biết.
Trong tình thế ngân sách hạn hẹp, nhà làm phim Việt khó có thể làm các đại cảnh lớn, chỉ có thể tận dụng góc quay, nhấn vào những điểm cần nhấn. Những nội thất cần thiết quay, những cảnh cần thiết nổi bật, toát lên sự xa hoa, sang giàu thì sẽ đầu tư hơn là những cảnh khác, góc quay khác.
Bên cạnh đó, việc đầu tư nhiều vào kịch bản, cách kể chuyện mạch lạc, hợp lý, tăng độ chân thật sẽ khắc phục được hạn chế về kinh phí.