Môn phái vượt Thiếu Lâm, từng có 3 cao thủ đệ nhất thiên hạ

Khi nhắc đến những môn phái võ thuật hùng mạnh trong tiểu thuyết kiếm hiệp, người ta thường nghĩ ngay đến Thiếu Lâm. Nhưng có một môn phái khác từng sở hữu đến 3 cao thủ đệ nhất thiên hạ trong một thời gian ngắn.

Môn phái hùng mạnh nhất thế giới võ hiệp của Kim Dung

Thiếu Lâm vẫn được xem là môn phái mạnh nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Bởi khi đánh giá sức mạnh của một môn phái, có vài tiêu chuẩn không thể bỏ qua, ví dụ như thời kỳ hưng thịnh và lịch sử truyền thừa. Một môn phái tồn tại lâu dài chính là minh chứng cho sức mạnh của họ.

Tuy nhiên, trong thế giới võ hiệp do Kim Dung xây dựng, Thiếu Lâm phái lại không có nhiều cao thủ đạt đến cảnh giới "Thiên hạ đệ nhất". Chỉ có duy nhất Vô Danh Thần Tăng trong Thiên Long Bát Bộ được xem là cao thủ mạnh nhất của thời đó. Thậm chí, ngay cả Đạt Ma Tổ Sư trong thế giới võ hiệp Kim Dung cũng chưa chắc đã là cao thủ số một đương thời. Bởi Tiếu Ngạo Giang Hồ có đề cập rằng, những gì vị tổ sư này truyền lại đa phần là phương pháp rèn luyện thân thể. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Đạt Ma Tổ Sư đến hậu thế chủ yếu ở phương diện tinh thần.

Trong thế giới võ hiệp do Kim Dung xây dựng, Thiếu Lâm phái không có nhiều cao thủ đạt đến cảnh giới "Thiên hạ đệ nhất". (Ảnh: Sohu)

Trong các tác phẩm tiếp theo như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký và Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thiếu Lâm phái gần như luôn ở đỉnh cao võ lâm. Nhưng, Thiếu Lâm cũng có những giai đoạn tương đối im ắng. Chẳng hạn như trong thời kỳ "Song Điêu" (Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ), Thiếu Lâm phái từng suy yếu một thời gian ngắn do sự kiện Hỏa Công Đầu Đà. Hỏa công đầu đà là danh xưng chỉ một người chuyên coi việc nấu ăn ở chùa Thiếu Lâm thuộc môn phái Thiếu Lâm. Năm xưa do bị ức hiếp nên hắn nảy lòng oán hận nhưng cố nín nhịn, trong suốt thời gian dài học lén võ trong chùa.

Điều đáng nói là sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn, Thiếu Lâm lại trở thành một trong những môn phái mạnh nhất vào thời đại Ỷ Thiên. Từ đó có thể thấy sức mạnh của Thiếu Lâm phái vô cùng bền bỉ.

Theo trang tin Sohu, một môn phái khác sở hữu đến ba cao thủ đệ nhất thiên hạ chỉ trong vài thập kỷ ngắn ngủi đã vượt mặt Thiếu Lâm. Trong những giai đoạn Thiếu Lâm suy yếu, môn phái đã nhanh chóng soán ngôi. Đó chính là Toàn Chân giáo trong thời kỳ Song Điêu.

Toàn Chân giáo là môn phái đã vượt mặt Thiếu Lâm trong thời kỳ Song Điêu. (Ảnh: Sohu)

Võ lâm thời Song Điêu lấy Ngũ Tuyệt để định vị vị trí võ lâm, nhưng thực tế, thực lực của Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái đều không bằng Vương Trùng Dương. Trong lần Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên, cả bốn người đều bái phục Vương Trùng Dương.

Thế nhưng, bàn về Vương Trùng Dương và môn phái do ông sáng lập không phải là thực lực của ông mạnh đến mức nào, mà là việc Toàn Chân giáo chỉ trong vài thập kỷ ngắn ngủi đã xuất hiện ba cao thủ đệ nhất thiên hạ

Ba cao thủ thiên hạ đệ nhất của Toàn Chân giáo

Cao thủ đầu tiên của Toàn Chân giáo dĩ nhiên là Vương Trùng Dương. Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái đều là những nhân vật có thể tung hoành ngang dọc trong võ lâm nhưng khi nhắc đến Vương Trùng Dương, họ đều không giấu được sự kính trọng. Lấy Đông Tà Hoàng Dược Sư, người nổi tiếng kiêu ngạo làm ví dụ, ông từng nhận xét về Vương Trùng Dương rằng: "Từ khi Vương Trùng Dương chân nhân qua đời, trên đời không còn ai xứng đáng với danh hiệu Thiên hạ đệ nhất nữa."

Cao thủ đầu tiên của Toàn Chân giáo dĩ nhiên là Vương Trùng Dương. (Ảnh: Sohu)

Còn Chu Bá Thông khi nhắc lại Hoa Sơn luận kiếm năm xưa, cũng đã chứng minh khoảng cách thực lực giữa Vương Trùng Dương và bốn người còn lại là không hề nhỏ. Nguyên tác viết: "Đó là vào cuối mùa đông năm ấy, trên đỉnh Hoa Sơn tuyết phủ kín núi. Năm người bọn họ vừa nói chuyện vừa so tài võ công, giữa trời tuyết lớn, cứ như vậy suốt bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái bốn người đều phải thừa nhận võ công của sư huynh ta, Vương Trùng Dương, là thiên hạ đệ nhất."

Nếu không hoàn toàn mất hy vọng chiến thắng, bốn vị kỳ tài võ học này làm sao lại từ bỏ cơ hội tranh giành danh hiệu Thiên hạ đệ nhất? Hơn nữa, người chiến thắng còn được sở hữu Cửu Âm Chân Kinh. Họ chịu thua hiển nhiên là do không còn chút hy vọng nào.

Cao thủ đứng đầu võ lâm thứ hai xuất thân từ Toàn Chân giáo chính là Chu Bá Thông. (Ảnh: Sohu)

Cao thủ đứng đầu võ lâm thứ hai xuất thân từ Toàn Chân giáo chính là Chu Bá Thông, người được gọi là "Lão Ngoan Đồng" trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba. Tranh cãi xung quanh việc liệu ông có phải là thiên hạ đệ nhất lúc bấy giờ hay không, vẫn nên dựa vào lời nhận xét của Hoàng Dược Sư. Hoàng Dược Sư nói rằng: "Lão ngoan đồng ơi là lão ngoan đồng, ngươi quả thật lợi hại. Ta, Hoàng Dược Sư coi nhẹ danh tiếng, còn Nhất Đăng đại sư coi danh tiếng là hư ảo. Duy chỉ có ngươi, lòng dạ trống rỗng, vốn không màng đến danh tiếng, vậy mà lại hơn chúng ta một bậc. Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng, trong ngũ tuyệt, ngươi đứng đầu!"

Tuy nhiên, rõ ràng là khi được chọn làm người đứng đầu Ngũ Tuyệt, Chu Bá Thông đã là một ông già, thời gian sống không còn được bao lâu nữa. Vậy ai sẽ là người kế thừa danh hiệu Thiên hạ đệ nhất? Đáp án chắc chắn là hai người được coi là trẻ tuổi trong Ngũ Tuyệt: Quách Tĩnh và Dương Quá.

Quách Tĩnh và Dương Quá đều có thể coi là truyền nhân của Toàn Chân giáo. (Ảnh: Sohu)

Dù là Quách Tĩnh hay Dương Quá (ở đây chỉ chọn một trong hai), thì họ đều có thể coi là truyền nhân của Toàn Chân giáo. Quách Tĩnh từng được Mã Ngọc chỉ điểm, còn Dương Quá lại bái sư tổ. Họ dĩ nhiên đều là người của Toàn Chân giáo. Vậy nên, thời đại Song Điêu cũng có thể gọi là thời đại của Toàn Chân giáo.

Trong khoảng thời gian vài thập kỷ này, danh hiệu Thiên hạ đệ nhất luôn nằm trong tay các cao thủ của Toàn Chân giáo. Thế nhưng thật kỳ lạ, môn phái này lại biến mất không dấu vết sau khi Thần Điêu Hiệp Lữ kết thúc. Tại sao lại như vậy?

Toàn Chân giáo "sớm nở tối tàn"

Thực ra, sự suy tàn của Toàn Chân giáo cần được nhìn nhận từ hai góc độ.

Thứ nhất, trong trận chiến bảo vệ Tương Dương sau này, Toàn Chân giáo gần như trở thành lực lượng chủ lực. Bao gồm cả chưởng giáo Lý Chí Thường cùng rất nhiều đạo sĩ khác đều xung phong làm đội tiên phong, xông vào trận địa địch. Trong giao tranh giữa hai quân, cho dù sau này quân thủ thành Tương Dương giành được chiến thắng nhờ Dương Quá dùng đá bắn chết Mông Kha, nhưng có thể tưởng tượng, kỵ binh Mông Cổ thiện chiến chắc chắn cũng sẽ giết chết rất nhiều cao thủ Trung Nguyên. Có thể nói, trong trận chiến này, Toàn Chân giáo chắc chắn bị tổn thất nặng nề.

Toàn Chân thất tử, về sau hầu như đều rời khỏi Toàn Chân giáo và tự lập môn phái khác. (Ảnh: Sohu)

Thứ hai, các đệ tử của Vương Trùng Dương, hay còn gọi là Toàn Chân thất tử, về sau hầu như đều rời khỏi Toàn Chân giáo. Họ tự lập môn phái, trở thành tổ sư của các môn phái khác. Ví dụ như phái Hoa Sơn, môn phái xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm của Kim Dung, chính là do Hách Đại Thông, một trong Toàn Chân thất tử sáng lập.

Ở đây ta không xét tới tại sao Hách Đại Thông trong truyện võ công có vẻ bình thường mà lại có thể khai tông lập phái. Bởi vì trong lịch sử, phái Hoa Sơn thực sự do Hách Đại Thông sáng lập. Như vậy, dù theo vị thế lịch sử, Toàn Chân giáo không thể sánh bằng những "tượng đài" như Thiếu Lâm, Cái Bang, Võ Đang. Nhưng xét về tỷ lệ xuất hiện nhân tài kiệt xuất, Toàn Chân giáo có thể nói là vô cùng mạnh.

Theo Nguyệt Phạm/Phụ nữ số

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/mon-phai-vuot-thieu-lam-tung-co-3-cao-thu-de-nhat-thien-ha-2055434.html
Zalo