Thách thức 'hạ nhiệt' an ninh trên biển Đỏ
Theo giới chuyên gia, liên minh quân sự quốc tế đã có nhiều nỗ lực duy trì an ninh trên biển Đỏ. Tuy nhiên, khả năng phiến quân Houthi tiến hành các vụ tấn công vẫn chưa được đẩy lùi. Điều này khiến Houthi vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng tại 'điểm nóng' biển Đỏ.
An ninh diễn biến phức tạp
Đầu tuần này, truyền thông quốc tế dẫn thông tin từ Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, cuối tuần qua, lực lượng an ninh Mỹ đã phá hủy 3 thiết bị bay không người lái (UAV) và 2 hệ thống tên lửa tại một khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Houthi ở Yemen. Những thiết bị này đặt ra mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với nhiều lợi ích hàng hải trong khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, Houthi mới đây tuyên bố đã bắn hạ 1 chiếc UAV MQ-9 của Mỹ trên bầu trời tỉnh Marib. Đây là UAV MQ-9 Reaper thứ 8 của Mỹ bị Houthi bắn rơi kể từ khi leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Truyền thông quốc tế dẫn lời chính quyền Mỹ cho biết, siêu cường quốc chưa nhận được báo cáo nào về việc này. Phía Houthi cũng không đưa ra hình ảnh hoặc video nào chứng minh cho tuyên bố của mình.
Theo giới quan sát an ninh khu vực, kể từ năm 2014 khi nổi dậy và chiếm được Thủ đô Sanaa của Yemen, Houthi đã nhiều lần bắn hạ UAV MQ-9 Reaper do Tập đoàn General Atomics của Mỹ sản xuất. Được biết, UAV MQ-9 của Mỹ có giá trị lên tới 30 triệu USD, có khả năng bay ở độ cao lên tới 15.240m, hoạt động liên tục trong 24 giờ trước khi hạ cánh.
Bình luận của giới quan sát an ninh khu vực cho biết, bất ổn an ninh ở Trung Đông đã kéo theo nhiều hệ lụy khó lường cho tình hình an ninh quốc tế. Trong đó, khu vực biển Đỏ đã trở thành một “điểm nóng” về bất ổn an ninh, uy hiếp nghiêm trọng tới tuyến vận tải quan trọng hàng đầu của thế giới - nơi trung chuyển khoảng 1.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Cụ thể, từ tháng 11/2023 đến nay, Houthi đã tăng cường các hoạt động tấn công trên biển Đỏ nhắm vào tàu vận tải. Houthi tuyên bố rằng, hành động này nhằm mục đích thể hiện sự ủng hộ dành cho các lực lượng tham gia xung đột ở Trung Đông. Trước mối đe dọa này, Mỹ, Anh cùng một số đồng minh đã hợp lực phát động chiến dịch không kích vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen, nhằm kiềm tỏa và tiêu diệt tổ chức này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia an ninh quốc tế nhìn nhận, để ngăn chặn hoàn toàn khả năng phát động các cuộc tấn công của Houthi, chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh có thể phải kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, đồng thời phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp khác.
Trên thực tế, kể từ khi phát động các hoạt động tấn công tuyến vận tải biển Đỏ, Houthi đã nhắm mục tiêu vào hơn 80 tàu bằng tên lửa và UAV, chiếm giữ 1 tàu, đánh chìm 2 tàu, sát hại 4 thủy thủ..., gây nhiều thiệt hại rất lớn cho tàu vận tải nói riêng và tuyến vận tải nói chung.
Nỗ lực chưa đủ để ngăn chặn Houthi
Tại khu vực biển Đỏ hiện có hai liên minh quân sự đang nỗ lực duy trì an ninh, gồm: Liên minh do Mỹ và Anh chỉ huy tập trung tấn công các vị trí của Houthi ở Yemen; liên minh do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm ngăn chặn tên lửa và UAV của Houthi tấn công tàu thuyền.
Theo giới chuyên gia, trong thời gian qua, hai liên minh quân sự này đã ngăn chặn nhiều hoạt động tấn công của Houthi. Song thực tế, các vụ tấn công của Houthi vẫn diễn ra, tiếp tục gây nên nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Từ đó đặt ra nhiều “dấu hỏi” về hiệu lực, hiệu quả của hai liên minh này.
Bình luận từ giới chuyên gia cho rằng, trong 10 tháng qua, các cuộc tấn công của Houthi chưa được ngăn chặn hoàn toàn, thậm chí, mối đe dọa từ Houthi vẫn rất nghiêm trọng trên tuyến vận tải biển Đỏ. Chuyên gia vận tải quân sự và thương mại Salvatore Mercogliano, Đại học Campbell, Bắc Carolina, Mỹ nhìn nhận, những nỗ lực của liên minh hải quân hầu như chưa đủ mạnh để đạt được kết quả mong muốn.
Truyền thông quốc tế dẫn thống kê mới đây cho thấy, chiến dịch phong tỏa biển Đỏ của Houthi đã cắt giảm hơn 60% lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường này, gây tổn thất tài chính lớn cho các quốc gia trong khu vực. Báo cáo của hãng vận tải Maersk cho biết, chi phí thương mại hàng hải tăng cao và doanh thu từ kênh đào Suez giảm mạnh, gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Giới phân tích an ninh cho rằng, Mỹ và đồng minh đã có rất nhiều nỗ lực trong việc triển khai các cuộc không kích nhắm vào nơi ẩn náu và kho vũ khí của Houthi. Đây cũng là một trong những biện pháp có tính căn cơ nhằm làm suy kiệt nguồn lực của Houthi. Theo CENTCOM, các hoạt động của Mỹ và đồng minh nhắm vào “sào huyệt” của Houthi được mô tả như một hành động tự vệ thay vì được triển khai như một chiến dịch kéo dài.
Thực tế hiệu quả từ chiến dịch này đến nay cho thấy, Houthi vẫn chưa suy yếu khả năng tiến hành các cuộc tấn công. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, đặc thù địa lý tại khu vực thuận lợi cho việc tiếp tế khí tài và thiết bị phục vụ các cuộc tấn công của Houthi từ Yemen. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với các lực lượng an ninh quốc tế để ngăn chặn nguồn lực của Houthi.
Mỹ nói riêng và các đồng minh nói chung đang phải đối diện với áp lực ngày càng gia tăng, với nhiều chỉ trích rằng, lực lượng quốc tế chưa phát huy sức mạnh khi đối phó với mối đe dọa từ Houthi. Thực tế cho thấy, các cuộc tấn công của Houthi liên tục xảy ra, ngày càng trở thành vấn đề phức tạp đối với an ninh khu vực.
Trong dư luận quốc tế, nhiều luồng ý kiến cho rằng, Mỹ và các đồng minh đang gặp thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi ở biển Đỏ. Từ đó, việc duy trì an ninh cho tuyến vận tải biển Đỏ đòi hỏi các lực lượng quốc tế phải có những cam kết, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Craig Picken, chuyên gia hàng không, cựu phi công hải quân Mỹ cho rằng, liên quân quốc tế đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan trên biển Đỏ. Việc bảo vệ tuyến đường vận tải quốc tế không thể chỉ dựa vào Mỹ và các đồng minh, mà còn là trách nhiệm chung của các quốc gia khác, nhằm đẩy lùi mối đe dọa có thể lan rộng, gây nên ảnh hưởng trên bình diện toàn cầu.