Thất bại của Tổng thống Joe Biden trong việc trừng phạt dầu mỏ Iran
Doanh thu từ dầu mỏ của Iran đã tăng gần bốn lần, từ 16 tỷ USD năm 2020 lên 53 tỷ USD năm 2023, củng cố khả năng tài chính cho các chiến dịch chống Israel và mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Ngành dầu mỏ của Iran vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính cho các chiến dịch đối đầu với Israel và các quốc gia phương Tây, đồng thời là nền tảng cho quan hệ của Tehran với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Iran chi hàng tỷ USD tài trợ cho Hezbollah tại Lebanon, lực lượng Houthi tại Yemen, Hamas và Islamic Jihad ở Gaza, cùng Katai\'b Hezbollah tại Iraq, báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) về xuất khẩu dầu mỏ Iran nhấn mạnh rằng, các biện pháp trừng phạt không nhất quán của chính quyền Obama-Biden không thể ngăn chặn Iran.
Thực tế cho thấy, như trong trường hợp trừng phạt Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine, chỉ các lệnh trừng phạt đơn lẻ không thể kiểm soát hoàn toàn các quốc gia có hành vi đối đầu.
Theo EIA, doanh thu từ dầu mỏ của Iran đã tăng gần bốn lần từ 16 tỷ USD vào năm 2020 lên 53 tỷ USD năm 2023. Ba yếu tố chính giải thích cho sự thay đổi này: chính sách thực thi trừng phạt lỏng lẻo của chính quyền Biden, giá dầu tăng toàn cầu, và nhu cầu lớn của Trung Quốc về dầu mỏ đã dẫn tới mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran.
Nhờ nguồn tài chính dồi dào này, Iran đã có đủ nguồn lực tài trợ cho các nhóm vũ trang để đối đầu Israel và duy trì chiến dịch của lực lượng Houthi nhằm làm gián đoạn tuyến thương mại toàn cầu qua Biển Đỏ, gây thất thu lớn cho Ai Cập.
Dù Tổng thống Biden chưa chính thức dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào với Iran, Tehran vẫn duy trì xuất khẩu dầu sang Trung Quốc bằng cách sử dụng các công ty bình phong và tàu chở dầu ngụy trang để che giấu nguồn gốc hàng hóa. Thậm chí, một số công ty bảo hiểm và hậu cần của Mỹ đã hỗ trợ trong việc vận chuyển dầu Iran đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền Biden chưa xử lý triệt để các vi phạm trừng phạt. Chính sách lỏng lẻo này được xem như việc quay lại với cách tiếp cận hòa giải của chính quyền cựu Tổng thống Obama, trong khi Iran càng gần hơn với năng lực phát triển vũ khí hạt nhân.
Các bên ủng hộ Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 (JCPOA) đã đưa ra một điều kiện đôi bên cùng có lợi: Iran sẽ được giám sát năng lực hạt nhân đổi lại việc giảm nhẹ trừng phạt. Năm 2018, chính quyền Cựu Tổng Thống Donald Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt, khiến xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh từ 2,033 thùng/ngày vào năm 2018 xuống còn 675 thùng/ngày năm 2019.
Việc chính quyền Biden lơ là giám sát các vi phạm trừng phạt từ khi nhậm chức chẳng khác nào "tặng cà rốt" cho Iran mà không hề có biện pháp trừng phạt nào.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã trở nên gay gắt do căng thẳng gia tăng với Israel, khiến cho bất kỳ sự hợp tác nào còn sót lại cũng trở nên khó khăn. Dù vậy, một số nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn giữ nguyên cách nhìn từ năm 2015. Do đó, các biện pháp trừng phạt hiện nay sẽ tiếp tục yếu ớt nếu Washington không ưu tiên thực thi và đầu tư đủ nguồn lực cho việc này.
Tuy nhiên, không thể chỉ quy trách nhiệm cho chính sách của Mỹ về việc Iran tăng doanh thu dầu mỏ. Các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng góp phần giúp Iran trong những năm gần đây. Báo cáo của EIA cho thấy giá dầu thô trung bình của Iran tăng từ 29 USD/thùng vào năm 2020 lên 84 USD vào năm 2022, chủ yếu do nhu cầu năng lượng tăng sau đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine gây thiếu hụt nguồn cung.
Lịch sử cho thấy, Iran từng xuất khẩu phần lớn dầu mỏ sang Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã trở thành khách hàng không thể thiếu của ngành dầu mỏ Iran. Xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc đã tăng từ 308,000 thùng/ngày năm 2019 lên 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác giảm mạnh.
Điều này phản ánh sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc phối hợp với Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và EU. Đến 89% dầu xuất khẩu của Iran được bán sang Trung Quốc, chiếm 10-12% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2023.
Doanh thu dầu mỏ tăng giúp Iran tài trợ và tổ chức chiến lược “Trục kháng cự” chống phương Tây, thể hiện qua các cuộc tấn công liên tục của các lực lượng đồng minh vào Israel.
Trung Quốc cũng ngày càng tăng cường mua dầu từ cả Iran và Nga, cho thấy sự phân cực địa chính trị sâu sắc có thể dẫn đến xung đột toàn cầu. Trong thế kỷ 20, ba quốc gia này từng coi nhau là đối thủ, nay lại hợp tác với nhau để đối đầu với Mỹ và các đồng minh.
Ngành dầu mỏ của Iran tiếp tục là nguồn lực tài chính cho các chiến dịch của nước này chống lại Israel và các cường quốc phương Tây, đồng thời củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh. Để đối phó với chiến lược này, cần có các biện pháp hạn chế khả năng tài trợ khủng bố và phát triển hạt nhân của Iran, thực thi nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời chuẩn bị cho các phản ứng từ Trung Quốc.