Thách thức của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng không phát thải châu Á

Mới đây, tại Vientiane (Lào), Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) nhất trí sẽ thông qua các quy tắc chung để kiểm kê và báo cáo lượng khí phát thải nhà kính trong khoảng thời gian từ năm 2029-2034. Đây cũng là thời điểm thị trường tín chỉ carbon Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Shutterstock

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Shutterstock

Trong năm nay, hơn 2.000 doanh nghiệp nhiều ngành, chiếm 30% tổng lượng khí thải của Việt Nam, phải tiến hành kiểm kê và báo cáo lượng khí phát thải với Chính phủ. Vậy AZEC có là thách thức lớn với Việt Nam trong bối cảnh các luật liên quan và cơ chế báo cáo khí nhà kính đã ban hành tại Nhật Bản và Úc trước Việt Nam hàng chục năm?

AZEC là gì?

AZEC (Cộng đồng không phát thải châu Á) thành lập cuối năm 2023 tại Tokyo, theo đề xuất của Nhật Bản, gồm các nước ASEAN, Nhật Bản và Úc.

Cuộc họp AZEC tiến hành bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 8 đến 11-10 tại Vientiane. Khối AZEC đã ra thông cáo chung nhấn mạnh tầm quan trọng của “ba bước đột phá” khi cùng lúc đạt được các giải pháp về biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và an ninh năng lượng.

Các nhà lãnh đạo AZEC thừa nhận “có nhiều con đường thực tế và khác nhau hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, tùy thuộc hoàn cảnh riêng của mỗi quốc gia”. Tuy vậy, AZEC cũng nhất trí đề ra kế hoạch hành động 10 năm để hạn chế lượng khí thải nhà kính, bao gồm các nỗ lực “tạo ra và mở rộng thị trường nơi các nỗ lực giảm phát thải được coi trọng”.

Việc tính toán và báo cáo rõ ràng về lượng khí phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng là chìa khóa cho kế hoạch này. Các thành viên AZEC sẽ báo cáo về công tác chuẩn bị của họ tại hội nghị thượng đỉnh vào năm tài chính 2026. AZEC sẽ phối hợp và đề ra khuôn khổ chung từ các phương pháp tính toán và báo cáo của các nước trong khoảng thời gian từ năm 2029-2034.

Kế hoạch 10 năm cũng bao gồm đầu tư vào các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ sạch tại Nhật Bản và ASEAN, các hỗ trợ tài chính cũng như các biện pháp thúc đẩy chuyển đổi khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Trước cuộc họp thượng đỉnh, Nhật Bản đặt mục tiêu dẫn đầu trong việc thiết lập tiêu chuẩn chung cho khu vực. Nhờ quen thuộc với cơ chế này, doanh nghiệp nước này có thể nhanh chóng mở rộng cơ hội kinh doanh trong khối AZEC.

ASEAN có theo kịp với các tiêu chuẩn của Nhật Bản?

Nhưng chạy đua theo các tiêu chí giảm phát thải của người Nhật sẽ là nan đề của ASEAN. Nhật Bản áp dụng các quy định báo cáo phát thải từ rất sớm. Cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, các cơ sở công nghiệp phải báo cáo về các loại khí hợp chất lưu huỳnh SO2 và SO3, các loại khí hợp chất nitrogen NO và NO3, và các loại bụi mịn như PM10 và PM2.5... Các loại này gây sương mù, mưa axit, tác động độc hại đến cơ thể và sức khỏe con người.

Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) dự kiến sẽ đạt tiếng nói chung về cơ chế kiểm kê và báo cáo khí phát thải trong giai đoạn 2029-2034. Ảnh: Iberola

Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) dự kiến sẽ đạt tiếng nói chung về cơ chế kiểm kê và báo cáo khí phát thải trong giai đoạn 2029-2034. Ảnh: Iberola

Đến cuối những năm 1990 đầu 2000, nước này yêu cầu báo cáo khí nhà kính. Luật liên quan đến việc thúc đẩy các biện pháp ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu có hiệu lực tại Nhật Bản từ tháng 10-1998 và được sửa đổi năm 2006. Các đơn vị tiêu thụ khoảng 1.260 tấn dầu diesel mỗi năm hoặc phát thải hơn 3.000 tấn CO2 mỗi năm phải báo cáo mức phát thải. Các doanh nghiệp khác có hơn 20 nhân viên toàn thời gian được yêu cầu báo cáo tổng lượng khí thải theo từng loại tại mỗi địa điểm kinh doanh vượt quá 3.000 tấn CO2 tương đương.

Lượng khí thải của Nhật Bản bất ngờ tăng vọt sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, dẫn đến việc đóng cửa lò phản ứng và nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch. Reuters dẫn các số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy lượng khí thải đạt đỉnh ở mức 1,4 tỉ tấn vào năm 2013-2014 nhưng đã giảm kể từ đó, nhờ việc sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn và việc dần dần khôi phục các lò phản ứng.

Lượng khí thải trong năm tài chính 2022-2023 giảm 19,3% so với đỉnh điểm 2013-2014, với tỷ lệ giảm đáng kể ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đây là mức phát thải thấp nhất của Nhật Bản kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận các thống kê khí thải từ năm 1990.

Bộ Môi trường Nhật Bản cũng công bố thực trạng các cánh rừng bắt đầu già cỗi, giảm mức độ hấp thụ khí CO2. Tuy nhiên, các thảm cỏ biển và rong biển, một trong những hệ sinh thái carbon xanh, đã hấp thụ tới 350.000 tấn CO2, chiếm 30,8% tổng lượng phát thải. Đây là lần đầu tiên trên thế giới có nỗ lực thống kê này, Bộ Môi trường nói. Năng lượng tái tạo chiếm 21,7% sản lượng điện trong năm tài chính 2022-2023.

So với các quốc gia công nghiệp nặng khác như Mỹ và Đức, Nhật Bản sử dụng ít năng lượng hơn để sản xuất ra mỗi 1.000 đô la Mỹ GDP do hiệu quả năng lượng tổng thể cao hơn. Mạng lưới đường sắt rộng khắp là giải pháp thay thế hữu hiệu cho xe hơi và các phương tiện giao thông khác. Tuổi đời của các tòa nhà Nhật Bản thấp hơn EU và Mỹ nhiều, giúp Nhật Bản áp dụng dễ dàng các quy định công trình xanh hơn.

Lộ trình của Việt Nam

Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm kiểm kê khí nhà kính nhiều ngành công nghiệp và một số địa phương từ thập niên 2000. Quy mô được mở rộng vào những năm 2010. Luật Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 nhưng Thông tư 96/2020/TT-BTC buộc các công ty niêm yết báo cáo khí phát thải trong báo cáo thường niên từ năm 2021.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP buộc các cơ sở thải 3.000 tấn CO2 mỗi năm hoặc tiêu thụ 1.000 tấn dầu mỗi năm trở lên phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính. Đó là các cơ sở thuộc sáu lĩnh vực chính, gồm các cơ sở sản xuất năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp và trồng trọt; các cơ sở xử lý chất thải rắn từ 65.000 tấn/năm trở lên. Luật quy định thực hiện hai năm một lần với những đơn vị nằm trong danh mục phải kiểm kê, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải. Các đơn vị xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ khí phát thải thực hiện báo cáo mỗi năm một lần.

Hôm 13-8-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cập nhật các lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, có 2.166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong năm 2024, tăng 254 cơ sở so với danh mục ban hành năm 2022, chiếm 30% tổng khí phát thải của Việt Nam. Trong số này, có 1.805 đơn vị thuộc ngành công thương, 75 đơn vị thuộc ngành vận tải, 229 đơn vị thuộc ngành xây dựng và 57 đơn vị thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Theo Worldometers, lượng khí thải tại Việt Nam trong năm 2022 đạt khoảng 328 triệu tấn, giảm 2,9% so với năm trước đó. Con số này thấp hơn mức 344 triệu tấn của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

Dữ liệu của Worldometers cho thấy, Việt Nam chiếm 0,82% tổng lượng khí thải toàn cầu, nhưng WB dự báo tỷ lệ này sẽ tăng nhanh do tốc độ phát triển kinh tế. Việt Nam hiện xếp hạng 18 trên thế giới, xếp sau Indonesia (hạng 6) nhưng xếp trên Thái Lan (hạng 22), Malaysia (23), Philippines (33), và Singapore (57)... về mức độ phát thải.

Thách thức từ câu chuyện của ngành chăn nuôi

Công tác kiểm kê và báo cáo khí nhà kính là bước đầu tiên để Việt Nam thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế. Từ năm 2016, cứ mỗi hai năm, Việt Nam đã nộp báo cáo kiểm kê khí thải cho Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trực thuộc Liên hiệp quốc. Theo báo cáo mới nhất, nguồn phát thải hàng đầu ở Việt Nam là năng lượng (chiếm 65%), tiếp theo là công nghiệp sản xuất (14,6%), nông, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%), rác và chất thải (6,5%).

Là một phần của ngành nông, lâm nghiệp và trồng trọt, chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng khi liên quan đến sinh kế của 6 triệu nông dân, cung cấp thực phẩm cho 100 triệu dân. Tiến sĩ Cao Thế Hà, Trung tâm Green Cycle JC thuộc trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng khí nhà kính của ngành chăn nuôi có xu hướng tăng mạnh trong các năm qua, từ 18,5 triệu tấn năm 2016 tăng gần 67% lên mức 30,84 triệu tấn năm 2020. Chăn nuôi chiếm hơn 42% lượng CO2 của ngành nông nghiệp.

Nếu quy định kiểm kê và báo cáo khí phát thải áp dụng với ngành này, sẽ có 4.000 trang trại nuôi heo quy mô thường xuyên 3.000 con và trang trại bò từ 1.000 con phải thực hiện báo cáo. Và mỗi trang trại phải tốn thêm 100-150 triệu đồng mỗi năm. Đó là chưa kể đến các trang trại gà và vật nuôi khác.

Câu chuyện của ngành chăn nuôi cho thấy con đường gian truân của việc thực hiện kiểm kê và báo cáo khí phát thải đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tiêu chí thải ra 3.000 tấn CO2 phải báo cáo tương đương với tiêu chí của Nhật Bản.

Nguồn: Nikkei Asia, NHK, Reuters, McKinsey, Worldometers, Green Finance Platform,
Janfs.org.VGP, IPCC

Song Hảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thach-thuc-cua-viet-nam-khi-tham-gia-cong-dong-khong-phat-thai-chau-a/
Zalo