Thách thức của nhà tái chế

Phân loại rác thải tại nguồn và thiết kế sinh thái là giải pháp giúp nhà tái chế hoạt động hiệu quả, nâng cao tỷ lệ và chất lượng sản phẩm tái chế.

Ông Lê Anh giới thiệu về công nghệ tái chế tại GEFE 2024. Ảnh: Eurocham

Ông Lê Anh giới thiệu về công nghệ tái chế tại GEFE 2024. Ảnh: Eurocham

Sở hữu công nghệ tiên tiến đến từ châu Âu nhưng dây chuyền tái chế chai nhựa của Công ty CP Nhựa tái chế DUYTAN (DTR) có tỷ lệ hao hụt lên đến 35 – 40%, cao gấp đôi so với các quốc gia châu Âu.

Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của DTR lý giải, điều này xuất phát từ việc rác thải hiện nay chưa được phân loại tại nguồn. Do đó, chai nhựa bị trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ, làm giảm chất lượng đầu vào.

Đối với lượng phế liệu không đạt chuẩn, DTR bắt buộc phải chuyển giao cho các đơn vị khác để “giáng chế” (downcycle), tức là sản xuất ra những sản phẩm nhựa có chất lượng kém hơn chai nhựa ban đầu.

DTR là nhà tái chế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, đạt được chứng nhận "doanh nghiệp công nghệ cao" của Bộ Khoa học và công nghệ, đánh dấu một bước chuyển lớn đối với ngành công nghiệp tái chế đã tồn tại suốt nửa thế kỷ nhưng vẫn trong hình hài manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.

Năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu bắt buộc phải dành nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ thu gom, tái chế bắt buộc theo công cụ mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), tiếp tục mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp tái chế.

Tuy nhiên, cơ hội dành cho nhà tái chế khó có thể thực sự trở thành hiện thực nếu nút thắt của ngành tái chế là chất lượng phế liệu đầu vào vẫn chưa được giải quyết.

Chìa khóa phát triển ngành tái chế

Có mặt tại thị trường Việt Nam tròn 30 năm, Tetra Pak Việt Nam, đơn vị chuyên cung ứng bao bì hộp giấy cho các công ty thực phẩm, đồ uống, đã đầu tư vào chuỗi giá trị thu gom, tái chế hơn 20 năm, bà Giang Nguyễn, Giám đốc điều hành công ty cho biết.

Với kinh nghiệm đồng hành với chuỗi giá trị thu gom, tái chế của công ty, bà Giang khẳng định, điều quan trọng để nâng cao tỷ lệ tái chế là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác thải tại nguồn.

Tiếp đó, cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom rác thải cũng cần được kiện toàn để giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong công tác phân loại.

Đồng quan điểm, theo ông Greg Laski, nhà sáng lập kiêm CEO TGM Research, bổ sung, cần tăng cường nâng cao nhận thức về tái chế và phân loại rác thải cho nhóm tuổi trẻ từ 15 – 24.

Nghiên cứu của TGM Research tại thị trường Việt Nam chỉ ra, đây là nhóm ít có sự quan tâm đến các vấn đề môi trường, xuất phát từ sự “vô lo vô nghĩ”, tuy nhiên lại là nhóm tiêu dùng chính trong tương lai.

Từ góc nhìn của nhà tái chế, theo ông Lê Anh, thúc đẩy tái chế không chỉ xuất phát từ ý thức của người tiêu dùng mà cần phải được thúc đẩy ngay từ khâu đầu tiên của chuỗi giá trị là thiết kế sản phẩm.

Ông Lê Anh cho biết, thông qua trao đổi với các đơn vị tái chế, nhà sản xuất có thể thiết kế ra những loại bao bì, sản phẩm thuận tiện cho thu gom, phân loại và tái chế. Trên thực tế, nhiều giải pháp thay đổi thiết kế theo hướng kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng tại Việt Nam, chẳng hạn như loại bỏ màng co nắp chai, sử dụng chai nhựa trong suốt thay cho chai nhựa màu.

Những thay đổi đơn giản đó tạo ra sự thuận tiện cho nhà tái chế, góp phần nâng cao tỷ lệ cũng như chất lượng tái chế. Đây cũng là chìa khóa để sản phẩm làm từ vật liệu tái sinh được người tiêu dùng đón nhận trên thị trường.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thach-thuc-cua-nha-tai-che-d37590.html
Zalo