'Điện hạt nhân phải tăng gấp ba lần để đạt được mục tiêu về khí hậu'

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association) nhấn mạnh rằng năng lực hạt nhân toàn cầu cần phải tăng gấp ba lần để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu theo Hiệp định về khí hậu ở Paris.

Với nhu cầu điện năng và năng lượng sạch ngày càng tăng, nguồn năng lượng hạt nhân được xem là lựa chọn hiệu quả về chi phí và bền vững để đạt mục tiêu trung hòa carbon.

 Nhà máy điện hạt nhân Dukovany ở Dukovany, Cộng hòa Czech. Ảnh: AP

Nhà máy điện hạt nhân Dukovany ở Dukovany, Cộng hòa Czech. Ảnh: AP

Hiện tại, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 10% sản lượng điện toàn cầu, với khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại hơn 30 quốc gia. Năng lượng hạt nhân là nguồn sản xuất điện sạch lớn thứ hai sau thủy điện, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải carbon.

Tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore (SIEW) vào tháng 10/2024, các chuyên gia đã thảo luận về vai trò của năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á.

Bà Sama Bilbao y Leon, Tổng giám đốc Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Thế giới, cho rằng năng lượng hạt nhân là lựa chọn lý tưởng để khử carbon toàn bộ nền kinh tế, đồng thời khuyến nghị cần xem xét lại những giả định về chi phí và mức độ an toàn của công nghệ này.

Dù chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân ban đầu cao, chi phí vận hành sau đó lại thấp và các nhà máy có thể hoạt động từ 60 đến 80 năm. Điều này mang lại lợi ích lâu dài trong việc cung cấp nguồn điện ổn định và không phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ hay tình hình chính trị.

Tuy nhiên, lo ngại về an toàn vẫn tồn tại sau các sự cố lớn như Chernobyl và Fukushima, cùng với thách thức trong quản lý chất thải phóng xạ. Dù vậy, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định rằng các nhà máy điện hạt nhân hiện nay là một trong những cơ sở an toàn nhất trên thế giới.

Bên cạnh các lò phản ứng truyền thống, các quốc gia nhỏ như Singapore đang nghiên cứu các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) để giải quyết vấn đề hạn chế về diện tích đất. SMR có công suất nhỏ hơn, phù hợp cho các thành phố nhỏ và đông dân cư. Các lò phản ứng này cũng có thể được thiết kế để nổi trên biển, giúp tiết kiệm diện tích đất.

Việc mở rộng năng lực hạt nhân, bao gồm cả các lò phản ứng lớn và nhỏ, được các chuyên gia đánh giá là cần thiết nếu thế giới nghiêm túc trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris.

Hồng Hạnh (theo CNA, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-hat-nhan-phai-tang-gap-ba-lan-de-dat-duoc-muc-tieu-ve-khi-hau-post318031.html
Zalo