Thả cá chép đúng cách Tết ông Công, ông Táo: Nhiều chuyển biến tích cực

Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) hằng năm là phong tục, nét đẹp văn hóa ở Việt Nam. Vào ngày này, người dân thường mua cá chép về cúng sau đó phóng sinh... Việc thả cá đúng cách không chỉ nâng cao giá trị truyền thống của ngày Tết ông Công, ông Táo, mà còn góp phần chung tay bảo vệ môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp...

Với nhiều nỗ lực tuyên truyền, đông đảo người dân hưởng ứng thả cá đúng cách trong ngày Tết ông Công, ông Táo.

Với nhiều nỗ lực tuyên truyền, đông đảo người dân hưởng ứng thả cá đúng cách trong ngày Tết ông Công, ông Táo.

Cần lan tỏa thả cá đúng cách

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân Việt có phong tục làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Đây là nét văn hóa lâu đời nhằm mục đích "tiễn Táo quân về Trời, báo cáo công việc của gia chủ một năm qua với thiên đình"... Theo quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị thần Táo (hay Vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát - hung - phúc - đức cho gia đình. Với mong muốn gia đình nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân làm lễ tiễn ông Công, ông Táo. Vì thế, trong lễ cúng, các gia đình thường mua cá chép đỏ hoặc mua cá chép giấy về cúng rồi hóa với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” làm phương tiện cho Táo quân lên chầu trời.

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, khi xã hội phát triển, việc cúng ông Công, ông Táo ngày càng đa dạng với nhiều lễ nghi phức tạp và những hành động phản cảm, làm mất ý nghĩa văn hóa vốn có của ngày Tết ông Công, ông Táo.

Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cho biết, hiện nay, nhiều người mua cả trăm con cá chép từ vài lạng đến vài ki lô gam về cúng ông Công, ông Táo. Khi phóng sinh, một bộ phận dân cư ý thức kém đổ cả xô, chậu cá từ trên cầu xuống sông hoặc ngồi trên xe máy vứt cá và túi ni lông xuống ao, hồ... Những hành động này không chỉ làm mất giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn của ngày Tết ông Công, ông Táo, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và mất mĩ quan cho sông, hồ...

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã chuyển biến tích cực.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã chuyển biến tích cực.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Minh Phương cho biết, trên địa bàn quận, khu vực cầu Chương Dương (sông Hồng) và hồ Hoàn Kiếm thường có nhiều người đến thả cá. Do vậy, quận đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến toàn bộ 18 phường; đồng thời, đề nghị Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Hoàn Kiếm bố trí công nhân trực, hướng dẫn người dân bỏ rác đúng nơi quy định và thu gom kịp thời để bảo vệ môi trường.

Tại các quận: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình đều ban hành văn bản chỉ đạo các phường đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn không thả túi ni lông, đồ thờ cúng và các vật dụng khác xuống sông, hồ, ao, mương, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị... Mỗi người dân hãy ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, vừa gìn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, để bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Tết ông Công, ông Táo, Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt hương, vàng mã; không thả sinh vật ngoại lai, không vứt túi ni lông, rác thải xuống ao, hồ, sông...

“Thực tế, qua kiểm tra trong ngày 13 và 14-1 (ngày 22 và 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần), ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã chuyển biến tích cực, đa phần người dân thả cá xong để túi ni lông gọn gàng vào thùng rác”, ông Mai Trọng Thái cho biết.

Cùng thay đổi vì môi trường sống sạch đẹp

Sau nhiều năm tổ chức tuyên truyền, vận động, người dân đã có sự thay đổi tích cực trong cách thả cá hằng năm. Bà Nguyễn Thị Giới, 83 tuổi, người dân phường La Khê, quận Hà Đông chia sẻ, sau khi làm lễ, thay vì cho cá vào túi ni lông, nhà gần, tôi xách xô ra hồ thả, cá vừa khỏe, lại không để lại rác. Việc phóng sinh cá chép thể hiện sự nhân đạo, nhân văn của nhân dân ta. Về khía cạnh môi trường, hành động này góp phần tạo sự đa dạng sinh học, nên muốn lưu giữ được những ý nghĩa tốt đẹp đó thì việc thả cũng phải văn hóa, đúng cách mới mong tài lộc đến với mình và cộng đồng xã hội…

Người dân nếu dùng túi thả cá đều để rác đúng nơi quy định.

Người dân nếu dùng túi thả cá đều để rác đúng nơi quy định.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Hànôịmới từ chiều 13-1 đến sáng nay, nhiều hồ trên địa bàn quận Hà Đông mặc dù có lực lượng chức năng túc trực nhưng không còn cảnh phải vớt rác, túi ni lông trên mặt hồ như trước đây. Người dân thả cá xong đều có ý thức để túi ni lông vào thùng chứa rác ven hồ, thuận lợi cho việc thu gom rác thải đúng nơi quy định.

Tương tự, tại khu vực hồ Tây, cơ quan chức năng cũng treo biển báo khu vực xung quanh hồ để tuyên truyền, nhắc nhở người dân giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, góp phần chung tay làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp. Rất nhiều người dân đã thực hiện thả cá đúng cách.

Túi ni lông sau thả cá được thu gom gọn vào một chỗ.

Túi ni lông sau thả cá được thu gom gọn vào một chỗ.

Ghi nhận tại khu vực ngoại thành, do có nhiều ao, hồ, đồng, đầm nên có nhiều nơi để người dân thả cá phóng sinh ngày ông Công, ông Táo hơn. Chị Nguyễn Thị Ly, người dân thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên chia sẻ, những năm qua, phụ nữ trong thôn đã thuộc lòng các khẩu hiệu tuyên truyền như: Thả cá đi ni lông ở lại; cá bơi đi mang ni lông về nhà… Năm nay, tại các ao, hồ trong khu vực, người dân đến thả cá đúng cách, ai thả cả túi ni lông xuống ao, hồ sẽ có người nhắc nhở ngay...

Hoàng Sơn - Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1053131/tha-ca-chep-dung-cach-tet-ong-cong-ong-tao-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc
Zalo