Chánh niệm trong ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, không gian như chùng xuống trong cái se lạnh của gió mùa, tôi nhận được món quà là một tờ lịch mới với hai chữ 'chánh niệm' in trên giấy thơm. Xuất phát từ một khái niệm trong Phật giáo, chánh niệm là một trong Bát Chánh Đạo, là phương pháp giúp cho con người giải thoát khỏi sự khổ đau và tìm kiếm sự giác ngộ. Có lẽ, đó là một sự trùng hợp, nhưng lại cũng như một sự sắp đặt kỳ diệu, để tôi bừng tỉnh sau một năm dài với những bộn bề.
Thời gian cuối năm tựa như một nhịp ngắt của đời người, nơi người ta bất giác quay lại nhìn năm tháng đã qua. Nhưng chính trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy, lòng người lại chất chồng lo toan. Người bận rộn tính toán lãi lỗ, người chật vật hoàn tất công việc còn dang dở và không ít kẻ mải miết chạy đua với những việc “phải hoàn thành”, sợ rằng bản thân sẽ bỏ sót điều gì trước khi thời khắc giao thừa đến. Thế mà giữa dòng chảy ấy, tờ lịch với hai chữ “chánh niệm” lại xuất hiện như một cánh hoa dại nép mình nơi vệ đường, lặng lẽ nhưng đẹp đến nao lòng.
Chánh niệm là dừng lại một chút, để thấy mình đang ở đâu giữa bề bộn tháng ngày; là lắng nghe nhịp thở của chính mình, trầm tĩnh ngắm nhìn ánh nắng nhạt chiếu qua ô cửa sổ, hay để ý từng chuyển động rất khẽ của những mầm xanh. Chánh niệm còn là cách ta nâng niu từng khoảnh khắc hiện tại, bởi hiện tại là món quà quý giá nhất mà thời gian trao tặng, dẫu nó bé nhỏ và bình thường đến nhường nào. Bởi quá khứ là những thời khắc đã qua, tương lai là thời khắc chưa đến, chỉ có hiện tại đang ở bên ta.
Nhớ những ngày thơ bé, Tết về chỉ là một điều gì đó đơn giản mà ấm áp. Tôi theo mẹ ra chợ phiên cuối năm, tay xách giỏ mây còn ngát hương của lá dong, của mớ rau xanh non vừa cắt. Những bước chân nhỏ chạy nhảy trên con đường làng, dưới nắng hanh hao, chẳng bận tâm thời gian là gì, cũng chẳng lo ngày mai sẽ ra sao. Đó có lẽ là khoảnh khắc chánh niệm đầu tiên trong đời tôi, khi mọi thứ xung quanh đều trở nên rõ nét và đẹp đẽ vô ngần, vì tôi sống trọn vẹn trong từng giây phút ấy.
Giờ đây, khi đã qua bao mùa lá rụng, tôi mới hiểu được vì sao người ta gọi chánh niệm là một trạng thái quý giá của tâm hồn. Đôi khi, nó đến trong khoảnh khắc bất ngờ nhất: khi bạn ngồi bên tách trà nóng, nghe hương trà lan tỏa giữa làn hơi ấm; khi bạn bước chậm lại trên phố và ngắm nhìn một nhành hoa sữa cuối mùa còn sót lại trên cành khẳng khiu; hay khi bạn lặng lẽ bên mâm cơm chiều 30, nhận ra sự hiện diện ấm áp của những người thân yêu.
Cuộc đời này, ai cũng có những ngày nhọc nhằn và bão giông, những khoảng trống tưởng như chẳng thể lấp đầy. Nhưng hai chữ chánh niệm lại nhắc ta rằng, dù thế nào, hiện tại vẫn là nơi đáng để ta dừng chân và bình tâm cảm nhận. Bởi khi đã biết sống chánh niệm, ta sẽ thôi chao đảo trước những gì đã qua hay chưa tới và thấy cuộc đời bỗng nhiên nhẹ bẫng như giọt sương đọng trên lá, như tiếng chuông chiều ngân xa ở một mái chùa làng.
Chiều cuối năm, tôi treo tờ lịch mới lên tường, đôi mắt dừng lại thật lâu trên hai chữ giản dị ấy. Ngoài khung cửa, nắng đang rải một màu vàng nhạt lên mái nhà rêu cũ, gió mang theo mùi hương của đất trời đang vào Xuân. Một năm sắp qua, năm mới đang đến, tôi chọn sống chậm lại, lắng lòng lại, để nhận ra rằng hạnh phúc không phải là những gì quá lớn lao, mà chính là được thở trong lành, được thấy mình còn sống và còn yêu thương.
Chánh niệm không phải là sự bỏ cuộc, mà là sự quay về. Đó là lúc tôi nhận ra rằng, trong những ngày cuối năm, không cần phải làm gì quá lớn lao. Chỉ cần sống trọn vẹn với những giây phút đang trôi qua, và đón nhận những điều giản đơn mà cuộc sống ban tặng. Bởi cuối cùng, cuộc sống này điều quý giá không hẳn phải là những mục tiêu to lớn, mà là về từng khoảnh khắc nhỏ bé, như những sợi dây nối kết ta với nhau và với chính mình.
Những điều chưa hoàn thành sẽ vẫn còn đó, nhưng tôi biết rằng không gì quan trọng hơn là hiện tại này, là được sống trọn vẹn trong từng phút giây này. Và, tôi nhận ra rằng, trong những ngày cuối năm, chánh niệm không chỉ là một từ ngữ hay một khái niệm trừu tượng, mà là một trạng thái sống, là sự quay về với chính mình, là cách để ta nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều đơn giản nhất, trong những khoảnh khắc rất nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Và như thế, tôi quyết định sống chậm lại một chút, để tâm hồn được vững vàng, để nhìn nhận và trân trọng những gì đang có, không phải vì ngày mai sẽ ra sao, mà vì hôm nay, tôi vẫn có thể ngắm nhìn những cánh hoa mai e ấp trong vườn, vẫn có thể ngồi bên mâm cơm gia đình, nghe tiếng cười vang vọng khắp căn nhà và cảm nhận rằng cuộc sống, dù có bao nhiêu vội vã, vẫn có những khoảnh khắc đáng quý mà ta không nên bỏ lỡ. Chánh niệm là khi ta biết dừng lại, ngừng tìm kiếm nơi ngoài kia, mà quay về với chính mình, để nhận ra rằng hạnh phúc không phải là đích đến, mà chính là từng bước đi chậm rãi và trọn vẹn.
Chánh niệm, là lời chúc đẹp nhất của năm mới. Là cách để trái tim trở về đúng nhịp đập ban sơ: nhẹ nhàng, khoan thai và tươi mới như một nhành mai vừa hé nụ. Và khi ấy, dù xuân có đến hay đi, lòng ta vẫn sẽ đầy ắp những mùa Xuân an nhiên, trọn vẹn.