Tết xa xứ của người Việt trẻ ở Nhật Bản

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, gắn liền với tinh thần đoàn viên và những giá trị truyền thống bền vững. Thế nhưng, với cộng đồng hơn 350.000 lao động và hơn 36.000 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Tết còn là nỗ lực gìn giữ và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc nơi đất khách quê người.

Đỗ Đặng Tùng, 25 tuổi, sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở Osaka, đã có 6 năm liên tiếp đón Tết xa quê. Với Tùng, Tết ở Nhật Bản đặc biệt ở chỗ anh có cơ hội ăn Tết hai lần. Trong khi Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất với người Việt, thì ở Nhật, Tết Dương lịch (Shogatsu) mới là dịp đoàn tụ lớn. Những ngày này, anh và bạn bè lại cùng nhau chuẩn bị cho những bữa tiệc Tết, tái hiện phong vị quê hương để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Tái hiện Tết Việt giữa lòng Nhật Bản

“Dù xa quê hương, nhưng mỗi năm, mình và các bạn đều cố gắng tái hiện Tết Việt, từ món ăn, không khí đến các phong tục, để thấy mình vẫn gần gũi với quê nhà”, Tùng chia sẻ.

Tùng và các bạn quây quần bên bữa tiệc tất niên.

Tùng và các bạn quây quần bên bữa tiệc tất niên.

Mỗi năm, vào những ngày cuối tháng 12, Tùng và nhóm bạn lại cùng nhau tổ chức tiệc tất niên. Năm nay, Tùng và nhóm bạn chọn dùng bữa tại một nhà hàng Việt Nam tên Tri Âm Quán. Các món ăn quen thuộc như nộm tai heo, dồi nướng, ốc móng tay xào me hay lẩu hải sản mang đến hương vị quê nhà ấm áp.

Cũng có năm, Tùng và các bạn tổ chức nấu nướng tại nhà. Các món ăn như bánh chưng, nem rán, gà luộc là điều không thể thiếu.

“Mình thường mua nguyên liệu ở siêu thị Việt Nam tại Nhật. Giờ đây các siêu thị hầu như có đủ mọi thứ, từ bánh chưng, giò lụa, đến các loại rau gia vị như lá chanh, lá lốt”, Tùng hào hứng chia sẻ rằng giá cả năm nay rẻ hơn so với trước, nhờ số lượng hàng hóa tăng lên đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người Việt.

Giờ đây các thực phẩm ngày Tết từ bánh chưng, giò lụa, đến các loại rau gia vị như lá chanh, lá lốt có thể mua ở các siêu thị ở Nhật Bản.

Giờ đây các thực phẩm ngày Tết từ bánh chưng, giò lụa, đến các loại rau gia vị như lá chanh, lá lốt có thể mua ở các siêu thị ở Nhật Bản.

Sống tại Nhật, người Việt trẻ không chỉ giữ gìn văn hóa Tết Việt mà còn hòa nhập với cách đón năm mới của người Nhật. Vào đêm 31/12, Tùng cùng bạn bè thường tới đền Kumata, một điểm đến quen thuộc tại Osaka, để cầu may mắn cho năm mới, cũng như trải nghiệm văn hóa của người Nhật.

“Không khí ở đây rất khác biệt. Mọi người đông đúc nhưng vẫn giữ được sự trật tự. Đền chùa có rất nhiều gian hàng bán đồ ăn và lưu niệm. Tụi mình thường xếp hàng để chờ rung chuông, cầu may mắn cho năm mới", du học sinh chia sẻ. Đêm giao thừa tại Nhật không ồn ào như ở Việt Nam, thay vào đó là khoảnh khắc mọi người cùng đếm ngược và hô vang "Happy New Year” trong sự hào hứng.

Không chỉ riêng Tùng, mỗi người Việt trẻ tại Nhật lại có cách đón Tết riêng, vừa mang dấu ấn quê hương, vừa hòa quyện văn hóa bản địa. Nguyễn Trang, 28 tuổi, sinh sống tại Hyogo, chia sẻ rằng Tết là dịp để cô giới thiệu văn hóa Việt Nam với gia đình chồng.

“Chồng mình rất thích bánh chưng, nem rán, và còn chủ động giúp mình chuẩn bị đồ Tết. Điều này khiến mình cảm thấy được an ủi rất nhiều”, Trang tâm sự.

Tết năm nay với Trang còn ý nghĩa hơn mọi năm, khi cô đăng ký làm tình nguyện viên của chương trình Xuân Quê Hương - Tết Việt Amagasaki 2025, một sự kiện quy tụ đông đảo cộng đồng người Việt.

“Thật biết ơn vì năm nào cũng được nhận thư mời. Cảm ơn ban tổ chức đã mang đến một chương trình thật ấm áp cho những người con xa xứ như mình”, Trang cho rằng đây không chỉ là dịp để cộng đồng người Việt ôn lại những giá trị truyền thống mà còn là cơ hội giới thiệu văn hóa với bạn bè quốc tế .

Sự kiện tái hiện nhiều hoạt động văn hóa Việt đặc sắc như trình diễn nghệ thuật dân gian (hát chèo, quan họ), các trò chơi dân gian (đánh đu, nhảy sạp), và triển lãm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Gian hàng ẩm thực với các món ăn quen thuộc như bánh chưng, phở, nem rán, bún bò Huế không chỉ làm nức lòng cộng đồng người Việt mà còn thu hút sự tò mò của bạn bè Nhật Bản.

Nhiều hoạt động của người Việt tại sự kiện Xuân Quê Hương năm 2024.

Nhiều hoạt động của người Việt tại sự kiện Xuân Quê Hương năm 2024.

Nỗ lực giữ gìn truyền thống

Tuy nhiên, việc đón Tết Việt tại Nhật không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người trẻ phải đối mặt với lịch làm việc, học tập bận rộn, và đôi khi là sự thiếu thốn về không gian, thời gian để chuẩn bị, nhất là khi Tết Nguyên đán ở Việt Nam lại chỉ là một ngày bình thường ở Nhật Bản.

Ngoài ra, sự khác biệt văn hóa và khí hậu cũng là một thách thức. Trong khi Tết ở Việt Nam thường đi kèm với nắng xuân và hoa đào nở rộ, thì tại Nhật, đó lại là những ngày đông lạnh giá.

Nhưng chính trong cái lạnh ấy, tinh thần ấm áp từ cộng đồng người Việt đã giúp vượt qua tất cả. Dù cách xa hàng ngàn cây số, Tết của người Việt trẻ ở Nhật vẫn giữ được giá trị cốt lõi của sự đoàn viên, yêu thương và bản sắc văn hóa. Những nỗ lực tổ chức các bữa cơm tất niên, gói bánh chưng, hay tham gia các sự kiện Tết đã trở thành sợi dây kết nối những người con xa xứ.

Với những người trẻ như Tùng, Trang, Tết ở Nhật Bản không đơn thuần là dịp để nghỉ ngơi mà là dịp kết nối văn hóa, giữ gìn giá trị dân tộc. Dẫu có những khó khăn, nhưng bằng sự đoàn kết và sáng tạo, người Việt trẻ tại Nhật đã và đang viết tiếp câu chuyện về những cái Tết ấm áp, giàu bản sắc, vượt qua mọi rào cản về khoảng cách địa lý và văn hóa.

Âm thầm, nhưng họ chính là những đại sứ văn hóa, giữ lửa truyền thống nơi đất khách.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/tet-xa-xu-cua-nguoi-viet-tre-o-nhat-ban-1104470.html
Zalo