Tết Thanh minh nét đẹp văn hóa hiếu đạo đặc sắc ở Bạc Liêu
Từ một lễ hội dân gian của cộng đồng người Hoa, tết Thanh minh dần trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào đời sống tinh thần các dân tộc anh em trên quê hương Bạc Liêu.
Trong cái nắng như thiêu như đốt của tháng 3 nhưng tại Nghĩa trang ở phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu rất đông người dân về đây để tảo mộ, dọn dẹp nơi yên nghỉ của người thân cho thật sạch đẹp. Sau khi tân trang “ngôi nhà” của người quá cố, mỗi nhà chọn một ngày thích hợp nhất, không nhất thiết phải là ngày chính để cả gia đình cùng đi cúng viếng.
Với ý nghĩa là ngày bày tỏ sự nhớ thương, lòng biết ơn tổ tiên nên tết Thanh minh còn là cách để người lớn giáo dục cháu con trong gia đình. Bởi thế mà dịp này, thanh niên, trẻ em luôn được giao cho nhiệm vụ làm cỏ, đắp đất, sơn bia mộ, dán giấy ngũ sắc.
Đối với người thân và con cháu phải đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc phần mộ của ông bà nên công việc này đều do ban quản trang đảm nhận. Hiện tại, nghĩa trang này có khoảng 3.000 ngôi mộ đều do 4 tổ chăm sóc.
Cứ vào mùa Thanh Minh, ông Tăng Oal ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi phải gác lại những công việc khác để bắt đầu với công việc của mình, công việc chăm sóc những ngôi mộ ông đã làm gần 20 mươi năm qua. "Với những người ở xa, bỏ lâu hoặc mộ vô chủ không đắp mộ mình làm thay coi như làm phước cho người ta, rồi mình cúng luôn cho họ”, ông Tăng Oal nói.
Tết Thanh minh thường bắt đầu từ cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 âm lịch. Thời gian diễn ra trong vòng 1 tháng (tùy theo năm). Đây là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Do vậy, trong tháng này con cháu dù ở xa cũng tụ tập về làm mả (mộ) ông bà, hoặc cha mẹ quá cố cho thật đẹp như: sơn mả, trồng hoa, dán giấy ngũ sắc trên mả… và tổ chức cúng vào một ngày nào đó của dịp Thanh minh, nhưng phần lớn tập trung vào ngày chánh, hoặc ngày cuối tuần để con cháu có điều kiện về đông đủ.
Cái hay của Tết Thanh minh là ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, đề cao đạo hiếu, còn mang đậm tính cộng đồng. Đó chính là không gian của ngày tết diễn ra ở ngay nghĩa địa và thu hút rất đông người tham gia cúng bái. Khi tổ chức cúng, không chỉ có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, mà còn mời bạn bè và chiêu đãi xóm giềng cùng tham gia ăn uống, vui chơi tại mả. Có gia đình còn thuê cả đội nhạc, kéo điện thắp sáng ra mả để… vui tới khuya.
Lễ vật cúng viếng nhiều hay ít, thịnh soạn hay đơn sơ là tùy vào điều kiện mỗi nhà nhưng không thể thiếu bánh trái, trà hoa, miếng thịt quay. Song, điều quan trọng hơn vẫn là gia đình luôn vui vầy, yêu thương để hướng lòng về tổ tiên - đây cũng là giá trị cốt lõi của tết Thanh minh. Cho nên, dù ai có làm gì, đi đâu cũng sẽ thu xếp trở về cố hương để cùng người thân đón tết Thanh minh.
“Từ khi tôi còn bé, cha mẹ đã nhắc nhở, dạy bảo không bao giờ được quên tết Thanh minh. Giờ đây, tôi lại nhắc nhở con cháu mình phải giữ tết Thanh minh không chỉ là ngày làm tròn đạo hiếu, nhớ về nguồn cội mà còn là lúc để sum vầy, sẻ chia mọi điều trong cuộc sống và gắn kết tình thân”, bà Nguyễn Thị Thúy ở khóm 3, phường 5, TP. Bạc Liêu chia sẻ.
Mùa Thanh Minh hàng năm là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên ông bà, là một nét đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ bởi nó không chỉ nhắc nhở con cháu lòng biết ơn đối với người đã khuất mà còn là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình với nhau, mọi người phải biết yêu thương, hòa thuận với anh em, hiếu thảo với cha mẹ, phải biết nâng niu và trân trọng hạnh phúc gia đình mình đang có. Với ý nghĩa nhân văn và đậm tính giáo dục truyền thống đó, Tết Thanh minh luôn được cộng đồng giữ gìn và trở thành một trong những mỹ tục đặc sắc của người dân Bạc Liêu.