'Giữ lửa' ca trù trong bối cảnh công nghiệp văn hóa
Hà Nội đang đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù. Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp để loại hình nghệ thuật này có sức sống bền vững.
Đi đầu khôi phục, gìn giữ nghệ thuật ca trù
Hát ca trù là một loại hình âm nhạc bác học truyền thống của người Việt Nam, còn có các tên gọi khác như: hát ả đào, hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà trò, hát cô đầu, hát ca công. Ra đời cách đây nhiều thế kỷ và phát triển cực thịnh dưới thời Lê, Nguyễn, hát ca trù hiện đã có ở 16 tỉnh và thành phố của Việt Nam, tập trung ở vùng châu thổ Bắc bộ, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...
Theo các nhà nghiên cứu, hát ca trù tập trung ở những không gian biểu diễn chính, đó là ca trù hát thờ (thờ cúng tổ nghề ca trù), ca trù hát cửa quyền, ca trù hát thi và ca trù hát chơi. Hiện tượng độc đáo của nghệ thuật hát ca trù chính là ở chỗ sử dụng thơ là điểm tựa của giai điệu âm nhạc, giai điệu âm nhạc hỗ trợ để trình diễn nghệ thuật thơ. Cùng với đó, với bốn phương tiện trình diễn, gồm hát, phách, đàn và trống giúp tạo ra sự hòa quyện đa sắc, làm nên sự tinh tế, độc đáo của ca trù.
Với những giá trị độc đáo và đặc trưng nổi bật của một hình thức nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cần được lưu giữ và bảo tồn, ngày 1.10.2009, ca trù được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tại tọa đàm Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa thành phố Hà Nội, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sáng 22.12, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội dù không phải nơi khởi nguồn nhưng lại là nơi nghệ thuật này tỏa sáng rực rỡ nhất, với sự hội tụ của nhiều tài năng, văn nhân sáng tác các bài thơ, giai điệu. Sau hơn 60 năm, ca trù bị lãng quên bởi nhiều lý do, Hà Nội đã đi đầu khôi phục ca trù, và có đóng góp lớn trong xây dựng hồ sơ di sản này trình UNESCO ghi danh. Nhiều câu lạc bộ ca trù được thành lập, duy trì trong hơn 30 năm trở lại đây, như Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê - Đông Anh, Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu, An Khánh - Hoài Đức, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long…
Giữ hồn cốt trong dòng chảy hiện đại
Tại tọa đàm, đại diện các câu lạc bộ cũng chia sẻ những khó khăn từ bối cảnh văn hóa đã có nhiều thay đổi. Nhịp sống hiện đại, sự du nhập của văn hóa đại chúng và sự thay đổi trong lối sống khiến giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến các giá trị truyền thống, trong đó có ca trù.
Bên cạnh đó, việc mất đi không gian biểu diễn truyền thống như đình, chùa và khó khăn trong truyền dạy theo phương thức một thầy một trò cũng là những trở ngại lớn. Hiện nay, ca trù ít có địa điểm, cơ hội biểu diễn. Ngoài ra, các câu lạc bộ ca trù thường hoạt động dựa vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, do đó nguồn kinh phí rất hạn hẹp.
TS. Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, từ năm 2022, UBND Thành phố đã xây dựng trình HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Từ đó tới nay đã có một số đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ. Thời gian tới, Hà Nội nghiên cứu có thêm chính sách cụ thể, hướng tới có trợ cấp cố định hàng tháng dành cho nghệ nhân, từ đó kỳ vọng ca trù nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể nói chung sẽ được quan tâm, duy trì truyền dạy, tiếp nối.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, cộng đồng, ca trù vẫn được duy trì, bảo tồn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, khi công nghiệp văn hóa đang phát triển, các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, ca trù cũng đứng trước những yêu cầu mới. Việc đưa ca trù thành một sản phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu du lịch và cộng đồng là cơ hội để bảo tồn, phát huy và quảng bá loại hình nghệ thuật này. Song, điều quan trọng là làm sao để vừa giữ gìn được bản sắc truyền thống, giá trị cốt lõi, vừa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng đương đại.
Để làm được như vậy, bên cạnh tiến hành khảo sát, thống kê các làng từng có hát ca trù, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, các quy tắc... của ca trù tại từng địa phương để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc, cần tổ chức lại các buổi hát cửa đình, các lễ hội liên quan đến ca trù để khôi phục không khí văn hóa truyền thống của ca trù. Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy ca trù cho giới trẻ, giúp họ hiểu và yêu quý loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, cần xây dựng các sản phẩm gắn với ca trù để thu hút khán giả trong và ngoài nước, tạo nguồn thu cho công tác bảo tồn…