Tết Thanh minh có phải là Tết Hàn thực không?
Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực gần nhau, có những năm bị trùng ngày, khiến nhiều người cho rằng Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực giống nhau, nhưng số khác lại khẳng định là không. Vậy Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?
Theo các nhà nghiên cứu, Tết Hàn thực và Tết Thanh minh là hai dịp lễ tách biệt, nhưng đều là những ngày lễ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Tết Thanh minh
Tết Thanh Minh không phải là ngày lễ tết lớn trong năm, nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tết Thanh Minh cũng không có ngày cố định thời gian, mà là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, nó có thể rơi vào mùng 4 hoặc mùng 5/4 dương lịch (sau khi kết thúc tiết Xuân phân).
Theo quan niệm của các nước phương Đông, một năm có 24 tiết khí, trong đó Thanh minh là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày.
Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm tết Thanh minh. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.
Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày và kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu tiết Cốc Vũ).
Năm 2024, Tiết Thanh Minh năm 2024 bắt đầu vào ngày 4/4 dương lịch (tức 26/2 âm lịch). Do đó, Tết Thanh Minh năm 2024 rơi vào thứ Năm ngày 4/4 dương lịch.
Thanh minh gắn liền với tục tảo mộ, một phong tục phổ biến của người Việt khắp mọi miền đất nước. Phong tục tảo mộ xuất phát từ việc vào tiết Thanh minh thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm kín lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, bồi đắp mộ phần (nếu có sụt lún nứt...), quét dọn quang sạch rồi cắm hoa, thắp hương mộ phần.
Tết Thanh minh mang ý nghĩa quan trọng là dịp để mọi người báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên. Dù đi làm xa thì vào ngày này cũng về tụ họp để tảo mộ, quây quần, làm mâm cúng tổ tiên tươm tất để thể hiện lòng thành kính với ông bà.
Ngoài ra, Tết Thanh minh còn dạy con cháu biết kính trọng, yêu thương, thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ khi còn sống, làm trọn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp mà tổ tiên đã dạy dỗ.
Vì thế, Tết Thanh minh là một phong tục truyền thống có tính nhân văn, nhắc nhở chúng ta sống hướng về cội nguồn, niệm tâm tri ân, tỏ lòng thành kính của mình đối với những người đi trước.
Tết Hàn thực
Theo nghĩa chữ Hán, "hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.
Lúc ấy, vua Tấn Văn Công có bề tôi Giới Tử Thôi rất mực trung thành, cùng vào sinh ra tử nhiều lần. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Sau khi Giới Tử Thôi cùng mẹ trở về núi Điền Sơn ở ẩn, vua mới sực nhớ ra và gọi ra lĩnh thưởng, nhưng ông không chịu rời núi. Vua sai người đốt rừng muốn thúc ép bề tôi xuống núi nhưng Giới Tử Thôi cùng mẹ đều chết cháy. Hôm ấy là ngày 3/3 Âm lịch.
Vua quá đau lòng, nên lập miếu thờ và hạ lệnh phải kiêng đốt lửa 3 ngày (từ khoảng mùng 3 - 5/3 âm lịch hàng năm - sau này trở thành Tết Hàn thực (ăn đồ nguội đã nấu sẵn) của người Trung Quốc để tưởng nhớ công lao và ý chí kiên định của Giới Tử Thôi.
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, nhưng Tết Hàn Thực của người Việt có ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Ở Việt Nam, Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch. Người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi - bánh chay tượng trưng là những thức ăn nguội để cúng lễ và thưởng thức.
Do đó Tết Hàn thực ở Việt Nam còn gọi là Tết bánh trôi - bánh chay vì là món bánh được dùng nhiều nhất, làm bánh trước cúng, sau ăn và ngày càng có nhiều kiểu làm bánh trôi bánh chay đơn giản, đẹp mắt.
Năm 2024, lễ Hàn thực rơi vào thứ Năm, tức ngày 11/04/2024 dương lịch.
Vì lịch Âm và lịch Dương chệch nhau khoảng 1 tháng nên nhiều khi hai dịp lễ này diễn ra cùng lúc khiến nhiều người hiểu lầm Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh là một nhưng điều này là không chính xác.