Tết thanh minh 2024 cần lưu ý những gì?

Tết Thanh minh 2024 đang đến gần, chúng ta cần lưu ý những điều gì để giữ gìn nét đẹp văn hóa này.

Thanh minh về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sửa. Tiết Thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ quang đãng. Ảnh minh họa.

Thanh minh về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sửa. Tiết Thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ quang đãng. Ảnh minh họa.

Tết Thanh minh, biểu tượng của tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", là dịp để người Việt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những bậc tiền nhân. Đây là thời khắc thiêng liêng, khi truyền thống tôn kính tổ tiên được mỗi người Việt Nam gìn giữ và thể hiện qua hành động quay về cội nguồn, dù có xa xôi, để chăm sóc và tưởng nhớ mộ phần của người đã khuất.

Ngày lễ Tết Thanh minh không có ngày cố định, thời gian bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 (sau khi kết thúc tiết Xuân phân) và kết thúc vào khoảng 20 - 21/4 dương lịch (khi bắt đầu tiết Cốc vũ) tức là Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, và ngày đầu tiên được gọi là Tết Thanh minh. Tiết Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí, bắt đầu sau ngày lập Xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày.

Vào năm 2024 Tết Thanh minh sẽ nhằm ngày 4/4 Dương lịch (26/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4. Vào ngày lễ này, con cháu cùng nhau kéo về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng cho tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh, bình an.

Thanh minh về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sửa. Tiết Thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ, quang đãng.

Đối với người Việt Nam, Tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên. Dù đi xa làm ăn thì vào ngày này gia đình cùng tụ họp đi tảo mộ, sau đó về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ sạch sẽ tươm tất như thay con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên.

Tết Thanh minh 2024 đang đến gần, chúng ta cần lưu ý những điểm gì để vừa giữ gìn được nét đẹp truyền thống, vừa đảm bảo sự tôn nghiêm?

Đi tảo mộ ông bà, tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và biết ơn các thế hệ trước, tốt nhất vào từ ngày 4/4 đến ngày 20/4/2024.

Về lễ vật, các gia đình nên lựa chọn những đồ lễ phù hợp, tránh lãng phí và không sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường

Ở ngoài mộ: Khi làm lễ tảo mộ ở ngoài mộ phần, gia chủ khi sắp xếp đồ cúng, lưu ý hoa quả, tiền vàng được đặt chung, nhưng lễ mặn thì đặt riêng. Sau đó thắp nhang, đèn, chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén, và vái 3 lần để tỏ lòng thành với quan thổ công, thổ địa rồi mới mời gia tiên trở về.

Đợi hương tàn, mọi người ra khu lăng mộ của gia đình thắp hương và xin phép ông bà cho mình được dọn dẹp. Khi tuần hương được 2/3, mọi người có thể tạ lễ, hóa vàng, xin lộc.

Lễ tại gia: Dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, để tiếp đón ông bà tổ tiên sau khi đã làm lễ Thanh minh tại phần mộ để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà, tổ tiên.

Trong ngày này, chuẩn bị mâm cỗ cúng cũng là một phần được nhiều người coi trọng. Tùy theo phong tục và địa phương, mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng lễ tại gia, mâm cơm cúng đầy đủ gồm xôi, gà, canh măng, món xào; hương, hoa, đèn, trầu cau, tiền vàng, hoa quả.

Những điều không nên làm trong Tết Thanh minh

Khi đi tảo mộ vào ngày Tết Thanh minh có những điều lưu ý bạn cần phải biết để tránh gặp xui xẻo như:

Khi đi ngang mộ phần người khác, lưu ý không nên giẫm đạp lên phần mộ.

Đối với phụ nữ đang trong kỳ nguyệt san, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn, thấp khớp thì không nên đi tảo mộ vì khí lạnh, năng lượng xấu; đồng thời hạn chế chụp ảnh lưu niệm tại những khu vực này.

Tết Thanh minh, không chỉ là thăm viếng, dọn dẹp mộ phần tổ tiên, mà còn là dịp để mỗi người trong chúng ta thắp sáng tình cảm gia đình, gìn giữ và phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Hãy cùng nhau bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này.

Kim Quyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tet-thanh-minh-2024-can-luu-y-nhung-gi-168381.html
Zalo