Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tạo đột phá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố quyết định sự phát triển của quốc gia. Sở hữu trí tuệ cũng góp phần tạo sự đột phá để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Những đóng góp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ trong dịp Xuân Ất Tỵ 2025.
Xin ông cho biết sở hữu trí tuệ gắn kết thế nào với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia?
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có rất nhiều nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ. Ngoài vấn đề thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý, thời gian qua, do tác động của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ tăng bình quân 16-18%, trong đó có chỉ số kèm theo là số lượng sáng chế được thương mại hóa từ 8-10%. Đặc biệt, đối với đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn trong nước, Cục phải tiến hành tra cứu, thẩm định độc lập, khác với đơn người nộp nước ngoài, Cục có thể sử dụng kết quả tra cứu, thẩm định cho đơn tương đương được chủ sở hữu nộp tại nước ngoài như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vì vậy, Cục đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ tra cứu, qua đó tăng năng suất xử lý đơn các loại.
Để giải quyết vấn đề về số lượng đơn đăng ký sáng chế, cấp văn bằng bảo hộ tăng trong thời gian tới do tác động của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Cục Sở hữu trí tuệ đã tính tới phương án thuê chuyên gia xử lý các loại đơn do số lượng đơn các loại nộp vào Cục vượt quá năng lực xử lý. Tính đến hết năm 2024, năng lực xử lý các loại đơn của Cục đạt khoảng 140.000 đơn, dự kiến năm 2025 có thể xử lý 150.000 đơn. Nếu tính phương án nhân lực làm ngày, làm đêm, vượt hết công suất thì cũng chỉ tới 160.000 đơn. Mức này so với nhiệm vụ đặt ra phải xử lý từ 200.000 - 210.000 đơn các loại thì bắt buộc phải thuê chuyên gia mới đáp ứng được yêu cầu phát triển. Theo kinh nghiệm các nước, giải pháp thuê chuyên gia có thể tính tới phương án ký hợp đồng ngắn hạn để xử lý số lượng đơn tồn đọng. Ngoài ra, có thể thuê nguồn nhân lực có năng lực, kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ từ khối các Viện, trường, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ...
Giải pháp thương mại hóa các sáng chế trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang được thúc đẩy mạnh mẽ như thế nào, thưa ông?
Thương mại hóa các sáng chế đã được Cục triển khai mạnh mẽ thời gian qua với Chương trình phát triển tài sản trí tuệ nhưng thực tế chưa đạt được như kỳ vọng. Thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu điều chỉnh thông qua việc hình thành nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung vào thương mại hóa sáng chế. Cục rà soát, kiểm tra những vướng mắc trong việc thương mại hóa sáng chế để đưa ra giải pháp trong giai đoạn tới. Bảo hộ sáng chế là điều kiện quan trọng để thương mại hóa sáng chế, nếu việc thương mại hóa sáng chế "vướng" ở thể chế thì sẽ "gỡ" thể chế, tuy nhiên cần xem xét kỹ vấn đề liên quan đến "nội lực" của sáng chế, tránh tình trạng sáng chế được thương mại hóa nhưng không có người mua.
Thực tế, vấn đề thương mại hóa sáng chế không chỉ khó ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Tỷ lệ sáng chế được thương mại hóa thành công trên thế giới chỉ khoảng 10-15%. Ngoài ra, khi đăng ký sáng chế, ngoài mục tiêu thương mại hóa sáng chế, chủ thể đăng ký nhiều mục tiêu khác để áp dụng trong thương mại, bởi sáng chế ngoài chức năng thương mại hóa còn có chức năng ngăn cản đối thủ cạnh tranh khi tạo ra một hàng rào "bao vây", để đối thủ cạnh tranh không nhảy vào "mảnh đất" cốt lõi của "sáng chế" hay có thể gọi là công nghệ lõi với những sáng kiến, sáng chế bảo vệ chủ thể sở hữu sáng chế. Ngoài ra, hiểu biết của chủ thể đăng ký sáng chế rất quan trọng bởi sáng chế muốn thương mại hóa một cách thuận lợi, thành công, phải có phạm vi bao phủ rộng bởi nếu phạm vi không đủ rộng để thực thi sẽ lập tức bị đối thủ cạnh tranh nhảy vào. Kèm theo đó là câu chuyện thương mại hóa sáng chế không có độc quyền thì đối thủ cạnh tranh cũng "copy" áp dụng có sáng tạo, từ đó, lợi thế cạnh tranh của đối thủ sẽ tốt hơn. Đặc biệt, sáng chế để đối thủ cạnh tranh hiểu được cốt lõi và tạo ra những sản phẩm tương tự hay tốt hơn sẽ không có khả năng thương mại hóa; do đó, quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng.
Trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông đánh giá như thế nào về việc xuất khẩu các sáng chế được thương mại hóa tại Việt Nam ra nước ngoài?
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư cho khoa học công nghệ nói chung, sở hữu trí tuệ nói riêng, phải tạo ra cơ chế đủ sức hấp dẫn để chủ thể đầu tư cho sáng chế. Việc đầu tư cho sáng chế có thể từ vốn nhà nước nhưng nguồn vốn đầu tư này hoàn toàn chỉ mang tính dẫn dắt, là "vốn mồi" để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ hay sáng chế. Ngay tại Việt Nam, việc đầu tư từ vốn nhà nước chỉ thực hiện với những vấn đề có quy mô và tầm cỡ quá lớn mà tổ chức, xã hội, doanh nghiệp không đủ nguồn lực thực hiện. Việt Nam cần tạo chính sách để các doanh nghiệp, người dân, các chủ thể trong xã hội đầu tư để tạo ra sáng chế và khi đó, cần chú trọng vấn đề thực thi quyền đảm bảo lợi ích cho chủ thể sáng chế.
Vấn đề thực thi quyền liên quan mật thiết với thị trường khoa học công nghệ bởi trên thực tế, công nghệ của các hãng thành công trên thế giới không chỉ được thương mại hóa ở chính quốc gia của chủ thể sáng chế mà còn là câu chuyện đi ra nước ngoài. Các hãng thành công khi vươn ra quốc tế, mở rộng kinh doanh ở quốc gia nào thì chủ thể phải đăng ký bảo hộ ở quốc gia đó và chiến lược dài hơn là đăng ký bảo hộ trước khi tiến vào thị trường. Muốn các sáng chế của Việt Nam được bảo hộ bằng sở hữu trí tuệ đủ mạnh, ngoài việc đăng ký tại Việt Nam, để phát triển ra nước ngoài và được bảo hộ ở nước ngoài thì phải đăng ký ra nước ngoài. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước sở tại hay nước ngoài rất quan trọng để tạo ra độc quyền, tiến tới độc chiếm thị trường và vượt lên các đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, việc thực hiện bảo hộ phải là nhu cầu tự thân, cùng với đó là chất lượng sáng chế. Phạm vi bảo hộ rộng thì khả năng thương mại hóa tự khắc "cao" mà không cần "ngoại lực" tác động vào.
Có thể khẳng định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, cần chấp nhận độ trễ và rủi ro trong quá trình triển khai. Dữ liệu, tri thức, khoa học và công nghệ cùng với sở hữu trí tuệ... là nguồn tài nguyên mới, chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!