Tết ở 'làng phong'

Cái tên 'làng phong' được gọi từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi Bệnh viện Phong được xây dựng và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đưa về. Những người làm nên bóng dáng 'làng phong' hơn nửa thế kỷ qua chính là bệnh nhân phong và con cháu, gia đình họ. Đi qua nhiều mùa Xuân ở nơi đồi núi hoang vu, đến mùa Xuân này, những bệnh nhân phong điều trị nội trú sẽ không ăn Tết ở 'làng phong' nữa, họ sẽ đón xuân ở nơi điều trị mới cách xa làng cũ hơn 10 cây số.

Dãy nhà điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Phong cũ thời điểm tháng 12/2024.

Dãy nhà điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Phong cũ thời điểm tháng 12/2024.

Hoa đào vẫn nở, mùa Xuân vẫn đến với Ba Sao sớm hơn mọi nơi. Bước chân của du khách về với vùng đất Ba Sao này chỉ để mua đào Tết, du ngoạn cảnh đẹp Tam Chúc, thăm sân Golf Kim Bảng và mua đặc sản núi rừng. Trong rộn rã mùa Xuân ấy, những hộ dân còn ở lại trong khu gia đình của bệnh nhân phong (thuộc Bệnh viện Phong) đón Tết một cách đơn giản, bình dị. Vợ chồng anh Lê Văn Bách vừa chăm bón hàng nghìn gốc na, vừa dẫn khách vào vườn chọn đào Tết, vừa mổ lợn cho khách mang về… Anh Bách vốn là con của một bệnh nhân phong. Bố mẹ anh đều đã qua đời từ lâu. Trong lòng những đứa con bệnh nhân phong như anh luôn coi bệnh viện là gia đình. Khi lớn lên, anh là người có sức khỏe, vâm váp, làm gì cũng được, chỉ không được học cao nên bệnh viện đã cho mượn đất để khai hoang, trồng trọt. Có ý chí, có sức khỏe, có nghị lực, anh Bách nhanh chóng biến vùng thung lũng thành vựa na gần chục ha trĩu quả. Na từ vườn của anh được bán đi khắp mọi nơi, mang lại cho anh và gia đình nguồn sống ổn định. Đến giờ, sau rất nhiều năm gắn bó, anh Bách vẫn làm lụng say sưa trên đất của làng phong. “Thôi thì được đến đâu hay đến đó, chứ đất này đã được quy hoạch dự án du lịch rồi. Khi nào dự án triển khai thì mình di dời...” – anh Bách lạc quan nói thế chứ thật lòng cũng lo lắng lắm. Tôi nhớ, trong một lần gặp trước, anh Lê Văn Bách đã từng trải lòng: Người làng phong lành lắm nhưng đôi khi vẫn chưa thoát được mặc cảm đâu. Bảo bây giờ bỏ chỗ này đi đến nơi khác làm ăn, sinh sống chắc sẽ chẳng dễ dàng gì. Mình ở đây nửa đời rồi, con cái có đứa cũng đã ra ngoài, thế nhưng những người như mình lại chẳng muốn đi đâu.

Qua anh Lê Văn Bách, chúng tôi làm quen được với ông Lê Ngọc Mão, Chủ tịch Hội đồng người bệnh, Bệnh viện Phong Hà Nam. Ông Mão quê Ninh Bình, cũng là con của bệnh nhân phong ở đây. Năm 1977, ông chính thức về làm y tá hợp đồng ở Bệnh viện Phong, mang theo cả vợ con, quyết định "cắm chốt" ở đây. Ông kể, thời điểm bệnh viện đông bệnh nhân nhất là trên 200 người, đủ mọi lứa tuổi. Bệnh viện thành lập đúng lúc đất nước đang chiến tranh, nơi đây được coi là vùng rừng thiêng nước độc, ít người qua lại. Cho đến bây giờ, nhớ lại những khó khăn của từng giai đoạn, ông Mão vẫn còn tê tái: Không ai khổ hơn bệnh nhân mắc bệnh này. Họ đến đây với nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần chồng chất. Họ nhìn vào nhau để thấy mình, thấy sợ hãi và tự mặc cảm. Mình không bị phong, là người chăm sóc chữa trị cho họ cũng cảm thấy nhói đau tận tâm can. Bỏ họ mà đi sao? Và đi đâu khi trong lòng cứ hiển hiện từng vết đau, từng ánh nhìn sợ sệt, buồn tủi kia…? Bởi thế, từ lâu tôi đã không bao giờ có ý định đi đâu nữa...

Ông Lê Ngọc Mão (bên phải) đã trở thành người thân của những bệnh nhân phong tại bệnh viện gần nửa thế kỷ qua.

Ông Lê Ngọc Mão (bên phải) đã trở thành người thân của những bệnh nhân phong tại bệnh viện gần nửa thế kỷ qua.

Nỗi đau của bệnh nhân phong đã thành sẹo! Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, cơm không thiếu, bữa ăn có thịt, có cá, có rau xanh… tươm tất. Con cháu của bệnh nhân phong lớn lên, nhiều người trở thành nhân viên phục vụ của bệnh viện. Ông Lê Ngọc Mão nói như đinh đóng cột: Chỉ có những người đó mới gắn bó với công việc chăm sóc, phục vụ bệnh nhân phong. Hiện nay, tổ hộ lý của bệnh viện có 6 người, lương tháng chưa trừ bảo hiểm được hơn 4 triệu đồng, trừ rồi còn 3,5 triệu đồng. Với mức lương này, người bên ngoài khó chấp nhận làm việc ở đây… Chị Trần Thị Hoài là một trong số những người hộ lý làm việc lâu năm nhất ở đây. Chẳng có thời gian nghỉ ngơi, chị liên tục chân tay, làm sao hoàn thành những phần việc của mình, phục vụ hơn 20 bệnh nhân trong tổng số 46 bệnh nhân phong còn lại ở làng phong. Vì thế, vào khu điều trị nội trú bệnh nhân phong, phòng bệnh nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.

Bà Nguyễn Thị Rởi (sinh năm 1958) gắn bó với nơi đây cả một đời. Bà ở đây lâu đến nỗi không nhớ vào viện từ năm nào. Bà chỉ nhớ quê ở Nam Trực, Nam Định, nhà có anh trai cả tên là Mác, nhưng chưa một lần bà được gia đình đến thăm nom kể từ khi vào đây. Ở vùng đất Ba Sao nổi tiếng đẹp và thơ mộng đấy, thế mà bà cũng chẳng biết Ba Sao ra làm sao! Chục năm nay, cứ đến gần Tết, bà và những bệnh nhân phong ở khu điều trị nội trú này lại khấp khởi chờ đợi “khách” đến thăm. Bà Rởi khoe: Tết ở đây vui lắm! Người ở khắp nơi đến thăm, cho quà, có người còn bắt tay, không sợ hủi nữa. Vậy là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi!...

Ông Trần Nhu Nhĩ (quê Hải Hậu) ở đây từ năm 1969 đến giờ, cũng bảo: Trước đây, bệnh viện có tới hàng trăm bệnh nhân; nhiều người biết chơi thể thao, hát hò, diễn kịch cho nhau xem… vui thì vui thật nhưng đời sống quá khó khăn. Bây giờ chỉ còn vài chục người, đời sống khá lên, năm nào Tết đến cũng vui. Nhiều người còn được con cháu đón về nhà ăn Tết dăm bữa nửa tháng mới trở lại bệnh viện. Tôi biết ơn vùng đất Hà Nam này đã cho tôi được sống đến hôm nay… Ông Nhĩ nói một mạch không nghỉ. Ông kể, cứ đến mồng 10 tháng Chạp, những cành đào phai ngoài vườn bắt đầu bật nở từng bông sớm, bệnh viện lác đác có người đến thăm và tặng quà. Điều làm cho bệnh nhân phong thấy chờ đợi và vui vẻ nhất là họ đã được bình đẳng trong mắt mọi người, không ai nhắc đến từ hủi nữa!

Ở dãy nhà đối diện phòng ông Nhĩ, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Thọ, Trần Thị Ngọ cũng đang chờ đến Tết. Nhà ông Thọ ở Thụy Lôi, Kim Bảng, ông vào đây từ đầu những năm 70 thế kỷ trước. Năm 1973, ông lấy bà Ngọ để nương tựa vào nhau nhưng bệnh tật khiến họ không thể có con. Khi bố ông Thọ ở quê còn sống, thỉnh thoảng, vào ngày Tết, ông lại xin bệnh viện về vài hôm cho nhà cửa bớt quạnh quẽ. Từ ngày bố ông qua đời, ông không về nữa, vì ông không có anh em ruột thịt. Và, bệnh viện là tổ ấm của những cặp vợ chồng bệnh nhân như ông.

Ông Thọ rất lạc quan, vui vẻ kể: Bà ấy nhà tôi sức khỏe kém lắm, mắt không còn tinh nữa. Mấy lần ngã gãy chân, gãy tay đều dựa cả vào tôi. Tôi tự tay chăm bà ấy, không phải nhờ đến hộ lý đâu. Mỗi ngày cuộc sống trôi đi, chúng tôi luôn cảm ơn nhau vì đã cho nhau chỗ dựa tinh thần để vượt qua những khó khăn không ai có thể gánh hộ được. Năm nay nghe nói, chúng tôi sẽ ăn Tết ở bệnh viện mới được xây dựng tại xã Tân Sơn, cách đây chừng hơn 10 cây số. Chưa hình dung được nơi đó thế nào, nhưng dù ở đâu, những bệnh nhân phong chúng tôi cũng luôn cảm thấy mỗi khi xuân về đều đem đến những niềm vui sẻ chia từ cộng đồng, xua tan những giá lạnh của những cuộc đời bấy nhiêu năm không họ hàng, bản quán… Ông Đặng Đăng Tần (90 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định) nở một nụ cười hiền: Tết đến Xuân về, ở đây là vui nhất! Ông cũng không muốn về quê đâu...

Theo ông Tạ Duy Tân, Tổ trưởng Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Phong Hà Nam, nhiều năm qua, cứ đến Tết, bệnh viện được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng đến thăm, tặng quà động viên bệnh nhân, cán bộ, nhân viên bệnh viện. Bệnh viện cũng nhận được sự quan tâm, ghé thăm, tặng quà thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Với các cụ cao tuổi, được nhận quà thì vui vẻ và hạnh phúc lắm! Hạnh phúc vô ngần chính là cộng đồng đã mang mùa Xuân đến với những bệnh nhân phong, những người mà dường như cả cuộc đời chỉ quanh quẩn trong phòng bệnh và không dám bước qua sự kỳ thị của xã hội trước đây!

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/tet-o-lang-phong-143342.html
Zalo