Tết Khù Sự Chà nơi cực Tây Tổ quốc

Khù Sự Chà là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống tại các xã thuộc huyện Mường Nhé. Tết Khù Sự Chà diễn ra vào cuối năm khi mùa màng đã thu hái xong. Đây là dịp con cháu quây quần, báo hiếu tổ tiên, vun đắp tình đoàn kết gắn bó bản làng.

Theo nghĩa phiên âm từ tiếng Hà Nhì, "Khù Sự Chà" được hiểu là ăn Tết năm mới. Tết được tổ chức trong tháng 12, ngày tổ chức không cố định mà phụ thuộc vào ngày tốt trong tháng. Thông thường người Hà Nhì chọn ngày đón Tết cổ truyền bắt đầu từ ngày Thìn đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Theo quan niệm, ngày Thìn là ngày Rồng mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng và ấm no.

Tháng 12 bắt đầu ngày Thìn đầu tiên là thời điểm người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc tổ chức Tết Khù Sự Chà.

Tháng 12 bắt đầu ngày Thìn đầu tiên là thời điểm người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc tổ chức Tết Khù Sự Chà.

Để tổ chức Tết Khù Sự Chà, từ ngày hôm trước các thành viên trong gia đình chuẩn bị gà, gạo nếp, lợn và chỉnh trang dọn dẹp khuôn viên gia đình, bản làng.

Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị bánh trôi, một trong những vật phẩm quan trọng trong mâm cúng Tết.

Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị bánh trôi, một trong những vật phẩm quan trọng trong mâm cúng Tết.

Ngày đầu của Tết được tính từ khắc đầu tiên trong ngày Thìn. Công việc được những người phụ nữ, đàn ông trong gia đình phân chia rõ ràng. Những người đàn ông khỏe mạnh bắt, thịt lợn làm cỗ, phụ nữ nặn bánh trôi, chuẩn bị mâm cúng năm mới. Khi cúng xong gia chủ tiến hành xem gan, mật lợn để đoán cát, hung.

Mâm cúng ngoài nhà chính được bày biện với bánh trôi được rắc vừng, rải mật ong mời tổ tiên, thần linh về chung vui.

Mâm cúng ngoài nhà chính được bày biện với bánh trôi được rắc vừng, rải mật ong mời tổ tiên, thần linh về chung vui.

Bà Pờ Mì Sư, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu cho biết: Với người Hà Nhì, việc cúng tổ tiên, thần linh trong năm mới do chủ nhà thực hiện, không phân biệt phụ nữ hay đàn ông. Vật phẩm chính phục vụ cúng lễ là bánh trôi. Những chiếc bánh trôi tròn, trắng, ngọt thanh thể hiện sự tròn trịa, đủ đầy, sung túc trong năm mới.

Gia chủ làm lễ cúng Tết.

Gia chủ làm lễ cúng Tết.

Chia một phần nhỏ vật phẩm cúng lễ ra xung quanh mời các ma đói, cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa được no trong những ngày Tết.

Chia một phần nhỏ vật phẩm cúng lễ ra xung quanh mời các ma đói, cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa được no trong những ngày Tết.

Mâm cúng lễ đầu năm gồm hai mâm. Một mâm thực hiện ở đầu giường trong buồng ngủ của chủ nhà, một mâm thực hiện ngoài khu vực nhà chính.

Ban thờ người Hà Nhì được đặt ở đầu giường, trong phòng ngủ của chủ nhà.

Ban thờ người Hà Nhì được đặt ở đầu giường, trong phòng ngủ của chủ nhà.

Với mâm lễ ngoài nhà chính, sau khi xếp vật phẩm gia chủ tiến hành mời tổ tiên, thần linh về ăn Tết cùng gia đình, công đoạn cuối cùng sẽ chia một phần nhỏ vật phẩm cúng lễ ra xung quanh mời các ma đói, cô hồn không nơi nương tựa được no trong những ngày Tết. Sau lễ, mâm lễ có gan, mật lợn mới mổ sẽ được gia chủ sử dụng để xem cát, hung. Từ độ lớn nhỏ, màu sắc của gan, mật lợn thể hiện điềm tốt, điềm xấu trong năm mới.

Người Hà Nhì có phong tục xem gan lợn, mật lợn xác định cát hung trong năm mới.

Người Hà Nhì có phong tục xem gan lợn, mật lợn xác định cát hung trong năm mới.

Sau khi đã cúng lễ, xem gan, mật lợn xong, gia chủ bày thêm một mâm lễ di chuyển vào khu vực phòng ngủ của mình. Ông Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải chia sẻ: Trước kia khi còn chiến tranh, di tản thường xuyên nên một số phong tục của người Hà Nhì dần thay đổi, thích nghi và phát triển cho tới ngày nay. Khác với dân tộc khác, bàn thờ của người Hà Nhì không được đóng to, chắc chắn mà là ống tre cắm một vài cành cây, tre… buộc tại đầu giường của gia chủ. Khi chuyển nhà bất chợt chỉ cần tháo ống tre, mang theo bên mình về nhà mới. Đây là phong tục được hình thành từ lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển bản làng người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc.

Phụ nữ Hà Nhì giã bánh giầy trong ngày tết.

Phụ nữ Hà Nhì giã bánh giầy trong ngày tết.

Múa hát, vui chơi đầu năm mới.

Múa hát, vui chơi đầu năm mới.

Sau khi hoàn thành khâu tế lễ sẽ là hoạt động vui Tết. Người Hà Nhì ăn Tết khoảng 3 ngày, với người dân nơi đây ngày Tết là hoạt động chung của cả bản làng. Các thành viên trong cộng đồng đi từng nhà ăn Tết, chúc Tết. Từ khắp các nóc nhà, khói bếp sẽ bay không ngừng, trong nhà, ngoài ngõ đều là những tiếng rộn ràng chúc mừng năm mới, mùa mới bội thu.

Bài, ảnh: Trần Nhâm

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/tet-khu-su-cha-noi-cuc-tay-to-quoc
Zalo