Đại tá Nguyễn Minh Ngọc: Suýt chết vì lật tàu, U70 miệt mài viết sách

Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc có 40 năm trong quân ngũ. Nghỉ hưu, ông vẫn cầm bút, mong muốn đưa văn học đề tài chiến tranh đến độc giả trẻ.

Lời tòa soạn

Các nhà văn, nhà thơ quân đội là một binh chủng đặc biệt tham gia vào những cuộc chiến lịch sử của dân tộc. Nhiều người trực tiếp vừa cầm súng vừa cầm bút với nhiệt huyết sôi sục và trái tim nóng hổi. Cội nguồn văn hóa dân tộc và những trải nghiệm chân thực của các văn nghệ sĩ mặc áo lính đã hun đúc lên nhiều tác phẩm nghệ thuật kịp thời động viên tinh thần chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng và giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ sau.

VietNamNet xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về một số nhà văn quân đội cùng câu chuyện xúc động về cuộc đời người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Suýt chết vì vụ tai nạn tàu thảm khốc

- Là một đại tá trong quân đội, ông hẳn có nhiều cảm xúc dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam?

18 tuổi, tôi nhập ngũ khi đất nước còn chiến tranh. Tháng 10/1975, tôi được chuyển về Quân chủng Phòng không - Không quân. Đến năm 1980, tôi vào học tại Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang.

Những năm ấy, cuộc sống còn nhiều vất vả, gian nan. Sống ở cách bờ biển vài trăm mét mà suốt 3 năm học, chúng tôi không biết 1 giọt nước mắm là gì. Nhà bếp chỉ dùng gạo rang cháy pha với nước và bột canh làm nước chấm, cơm nấu từ gạo hẩm mục, ăn với cá khô. Cơ cực là vậy, các học viên sĩ quan không nản chí, vẫn học tốt.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc.

- Đi qua cả thời chiến lẫn thời bình, kỷ niệm ông nhớ nhất về năm tháng xưa là gì?

Ngày ấy, tất cả gái trai đều tự nguyện đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chưa biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước, nhưng lũ học trò chúng tôi vẫn “xếp bút nghiên” lên đường nhẹ như lông hồng, không một ai thoái thác.

Tuổi mười tám, đôi mươi hăm hở xốc tới và luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Gắn bó cả tuổi thanh xuân với màu áo lính, tôi không chút băn khoăn. Có lẽ năm tháng ấy đã rèn nên “chất thép” để chúng tôi vững vàng sau này.

- Trong vài tác phẩm, ông kể về lần mình đứng giữa lằn ranh sinh tử, ông nhớ gì về khoảnh khắc ấy?

Năm 2005, tôi được Bộ Quốc phòng điều về Chi nhánh NXB Quân đội Nhân dân, thường trực Tạp chí Văn hóa Quân sự tại TPHCM làm việc.

Tôi có mặt trên chuyến tàu E1 (11/3/2005) để vào miền Nam. Khi đến địa phận thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế, tàu bất ngờ đứt móc nối làm các toa văng ra khỏi đường sắt. Vụ tai nạn khiến 11 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, tổn thất kinh tế rất lớn.

Tôi ngồi ở toa tàu thứ 3, may mắn thoát chết. Với tôi, đây có lẽ là ký ức kinh hoàng không thể nào quên. Có giây phút ranh giới sự sống - chết mong manh hơn bao giờ hết. Thoáng chốc đã 20 năm rồi…

Tác giả Nguyễn Minh Ngọc có 40 năm trong quân ngũ, cũng là ngần ấy thời gian ông cầm bút.

Tác giả Nguyễn Minh Ngọc có 40 năm trong quân ngũ, cũng là ngần ấy thời gian ông cầm bút.

- Là nhà văn khoác áo lính, môi trường quân đội tác động đến bút lực và cảm xúc ông ra sao?

Gắn bó và trưởng thành trong quân đội, gần 40 năm cầm bút, tôi viết về người lính, về thân phận người phụ nữ trước, trong và sau cuộc chiến.

Tôi đặc biệt dành sự quan tâm cho các mẹ, các chị. Nếu người lính ngoài chiến trường khổ một thì ở hậu phương, phụ nữ cực khổ bội phần.

Đến nay, tôi có hàng chục tựa sách, với các tập truyện ngắn: Cành mận trắng, Bay đêm, Chị Ngần, Người đàn bà trước biển, Đất lành; 2 tập truyện dài Một cõi ấu thơ và Đất thiêng; các tập ký Trong nắng gió Trường Sa, Một thoáng đất và người, Danh thơm một vùng đất; hay 3 cuốn tiểu thuyết đầy đặn vừa hoàn thành.

Rasul Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng thuộc Liên Xô (cũ), từng viết: “Trong văn học không thể có những nông trang tập thể. Mỗi nhà văn cần có riêng cánh đồng, có riêng thửa ruộng của mình, dù nó có hẹp đến đâu” để cày xới và canh tác.

Trong các trang viết, tôi chú ý đi sâu vào nội tâm nhân vật. Khai thác tâm tư, tình cảm của họ, từ đó soi chiếu vẻ đẹp khác nhau. Suy cho cùng con người luôn hướng đến điều đẹp đẽ, tử tế.

Viết về chiến tranh để người đọc hiểu được giá trị của độc lập, tự do

Ngoài viết văn, ông còn phụ trách biên tập 1 tờ báo.

Ngoài viết văn, ông còn phụ trách biên tập 1 tờ báo.

- Chiến tranh - quân sự từ lâu vẫn là đề tài gai góc, thách thức cả người viết lẫn người đọc, theo ông cần làm gì để lĩnh vực này phát triển và tiếp cận được số đông?

Các cuộc chiến lùi vào dĩ vãng, hòa bình đã gần nửa thế kỷ. Do đó, viết về chiến tranh cần mới mẻ. Nếu cứ theo đường mòn lối cũ, phân lô, chia tuyến, rồi ta thắng - địch thua… sẽ rất nhàm chán. Bởi nhu cầu của độc giả bây giờ khác xưa nhiều. Nhất là thời buổi công nghệ thông tin, người ta cầm quyển sách lên đọc vài trang thấy chán là bỏ ngay.

Nhà văn viết về chiến tranh cần mổ xẻ nhiều góc độ, cả điều chưa trọn vẹn, để bạn đọc thấy rõ thực tế khốc liệt của nó, hiểu được giá trị của độc lập, tự do.

Viết về chiến tranh đâu phải để ngợi ca nó, mà mục đích sâu xa là làm sao chuyển tải cho được thông điệp quan trọng giúp bạn đọc thấu hiểu và cảm nhận đúng đắn. Làm sao phải tránh cho kỳ được mọi cuộc chiến tranh đổ ập xuống như tai họa. Tôi nghĩ đó là một cách ứng xử văn hóa.

- Là "cha đẻ" của phim "Cao hơn bầu trời" - bộ phim hoành tráng nhất về chiến tranh tính đến hiện tại, đây hẳn là đứa con tinh thần ông tự hào nhất?

Đó là kết quả của 30 năm gắn bó với không quân, nơi đã nuôi tôi lớn lên từ binh nhì. Nhờ vậy, tôi hiểu thấu mọi ngõ ngách và thuộc nhiều nhân vật nên cứ rút ruột ra mà viết thôi.

Phim tái hiện cuộc đọ sức không khoan nhượng của quân và dân Hà Nội, nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 tàn bạo của Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.

Trong hàng trăm nhân vật, tôi chủ ý khắc họa hình tượng người con miền Nam đánh giặc trên bầu trời miền Bắc. Họ là các phi công, sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ và trắc thủ radar… gan dạ, mưu trí trong chiến đấu, lãng mạn và hào hoa trong cuộc sống đời thường. Mỗi người đều có nét riêng, không ai lẫn với ai.

Phim 50 tập, lần đầu lên sóng VTV9 cuối năm 2017. Đến nay, nó được phát khoảng 30 lượt trên các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Có lẽ đó là chút hạnh phúc bé mọn dành cho tác giả.

- Cá tính mạnh mẽ, sắc sảo của ông ngoài đời cũng như trong tác phẩm phải chăng là đặc trưng của người sĩ quan quân đội cầm bút?

Tôi nghĩ văn chương giống con người, rất cần có cá tính. Nếu không, anh nhạt nhòa, dễ lẫn vào đám đông. Cá tính càng mạnh văn chương sẽ càng sâu sắc. Mỗi người có lối đi riêng, không cần theo đường mòn của bất cứ ai. “Chất lính” được thể hiện ở chỗ dù bất cứ lĩnh vực nào đều kiên cường, bất khuất và hết lòng với mọi việc.

Tôi xem nhà văn Kim Lân như người thầy đầu tiên của mình. Năm 1984, khi dự trại sáng tác ở Hà Nội, cụ là người đọc và góp ý cho bản thảo của tôi. Vốn kiệm lời, ông rủ rỉ nhắc: Cứ viết đi, viết những gì tâm đắc nhất, có thể lúc này chưa in được thì lúc khác sẽ in nhưng tuyệt đối đừng làm đồ giả, đồ nhái!

Đời văn Kim Lân chỉ có vài truyện ngắn, như: Làng, Vợ nhặt... song nếu ai đã cầm bút đều kính cẩn gọi ông là thầy. Văn chương, số lượng không quan trọng, cốt yếu nhất cái anh viết ra phải khác với thiên hạ.

- Tuổi tác càng cao sức khỏe càng đi xuống, ông giữ tâm thế ra sao để sống vui khỏe, lại có thể duy trì công việc đều đặn mỗi ngày?

Ơn trời tôi may mắn vẫn giữ được sức khỏe và có trí nhớ không đến nỗi nào. Từ khi nghỉ hưu, 10 năm qua tôi làm việc liên tục, không chút ngơi nghỉ. Tôi vẫn nói đùa hình phạt lớn nhất là bị bắt ngồi một chỗ, không làm gì cả. Lao động để tư duy không bị cùn mòn, và tôi coi đó như cách “tập thể dục” cho trí não.

Đại tá Nguyễn Minh Ngọc dành nhiều thời gian bên sách, ông khoe kệ sách có hơn 1.000 cuốn nhiều thể loại.

Đại tá Nguyễn Minh Ngọc dành nhiều thời gian bên sách, ông khoe kệ sách có hơn 1.000 cuốn nhiều thể loại.

- Điều ông trăn trở lúc này là gì?

Tôi chỉ cầu mong có đủ sức khỏe và sự minh mẫn để làm việc. Tôi viết chậm rãi, song 3 năm vừa rồi, năm nào cũng đều có tác phẩm mới. Nhiều bạn bè khích lệ cố gắng duy trì ngọn lửa sáng tác. Tôi vẫn còn bao nhiêu điều chất chứa trong lòng mà chưa viết ra được.

Càng lớn tuổi, quỹ thời gian hẹp dần nên tôi muốn sử dụng nó trọn vẹn. Một người lính nhập ngũ vào cuối thời chiến tranh, đầu thời hòa bình, theo nghiệp cầm bút, điều đọng lại vẫn là tác phẩm.

- Gia đình có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời ông?

Vợ tôi người Nha Trang, từng công tác trong Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa. Mấy mươi năm bên nhau, bà xã là hậu phương, hỗ trợ tôi chu toàn mọi việc lớn bé.

Tôi có 2 con, 1 trai 1 gái, các cháu đều đã yên bề gia thất. Tôi không đặt nhiều kỳ vọng để gây áp lực, mà luôn khuyến khích con cái nỗ lực vươn lên. Thất bại thì đứng dậy, bước tiếp, không sao cả! Tôi để các cháu được tự do, không can thiệp hay áp đặt. Chỉ cần chúng khao khát cống hiến, sống lương thiện và không làm gì trái pháp luật, vậy là đủ.

- Ông có điều gì muốn gửi gắm đến thế hệ người viết trẻ?

Tôi luôn vững tin vào các bạn trẻ. Tương lai của văn học thuộc về họ - những người được đào tạo bài bản, có vốn văn hóa, tri thức tốt và ngoại ngữ vượt trội.

Có thể hôm nay các bạn ấy chưa đủ độ chín, nhưng rồi họ sẽ trưởng thành nhanh chóng thôi. Hơn bao giờ hết, văn học rất cần nguồn sinh khí mới. Tôi tin lớp trẻ đã, đang và sẽ mang đến điều đó.

Ảnh: NVCC

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-ta-nha-van-nguyen-minh-ngoc-suyt-chet-vi-lat-tau-u70-miet-mai-viet-sach-2352196.html
Zalo