Tết Hàn thực khác gì tết Thanh minh?

Tết Thanh minh và Tết Hàn thực rất gần nhau, có những năm bị trùng ngày khiến nhiều người nghĩ đó chỉ là một; vậy Tết Hàn thực khác gì tết Thanh minh?

Có lẽ đến giờ vẫn có không ít người nhầm lẫn Tết Hàn thực là Tết Thanh minh, đồng thời thắc mắc không biết Tết Hàn thực có phải là tên gọi khác của Tết Thanh minh hay không.

Thực chất, Hàn thực và Thanh minh là hai ngày lễ tách biệt, tuy diễn ra rất gần nhau, thậm chí có những năm bị trùng ngày, nhưng lại khác nhau ngay từ nguồn gốc và ý nghĩa.

Tết Hàn thực khác gì tết Thanh minh?

Tết Hàn thực chỉ có một ngày cố định là 3/3 Âm lịch. Ngày Thanh minh - với ý nghĩa là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh - được tính theo lịch dương nên khoảng cách giữa hai ngày này có sự xê dịch qua các năm. Có những năm Thanh minh trùng với Tết Hàn thực, hai lễ này được tổ chức cùng lúc.

Nguồn gốc Tết Hàn thực (Tết ăn đồ nguội) 3/3 Âm lịch gắn với câu chuyện của vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu (Trung Quốc xưa) và bề tôi là Giới Tử Thôi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời Tấn Văn Công còn bôn ba khắp nơi, Giới Tử Thôi đã cùng vào sinh ra tử nhiều lần, rất mực trung thành. Sau khi lên ngôi, luận công ban thưởng quần thần, nhà vua lại quên mất Giới Tử Thôi. Người bề tôi này không đòi hỏi hay nhắc nhở, cùng mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn, khi vua nhớ đến và cho gọi, ông cũng không chịu rời núi.

Tấn Văn Công sai người đốt rừng để thúc ép, nhưng Giới Tử Thôi thà cùng mẹ chết cháy chứ không ra. Vua quá đau lòng, lập miếu thờ và hạ lệnh mỗi năm kiêng đốt lửa 3 ngày (từ khoảng mùng 3 - 5/3 âm lịch hàng năm), người dân phải ăn đồ nguội làm sẵn nên ngày 3/3 sau đó trở thành Tết Hàn thực.

Tết Hàn thực ở Việt Nam có rất nhiều khác biệt. Người dân không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho những thức ăn nguội để cúng lễ và thưởng thức. Cũng vì vậy, Tết Hàn thực ở Việt Nam được gọi là Tết bánh trôi - bánh chay. Người dân cúng lễ để tri ân thần linh và tổ tiên, tưởng nhớ người thân đã khuất.

Còn Tết Thanh minh là ngày đầu trong tiết Thanh minh, là 1 trong 24 tiết khí mỗi năm, thường bắt đầu từ ngày 4/4 hoặc 5/4 và kéo dài đến 20 - 21/4 Dương lịch. Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi gia đình, là dịp tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên và những người thân đã khuất. Điều này được thể hiện bằng việc tảo mộ, phát quang cây cối, bồi đắp mộ phần (nếu có sụt lún nứt...), quét dọn sạch sẽ rồi cắm hoa, thắp hương...

Nhiều gia đình cho con cháu cùng ra tảo mộ, để trẻ vừa nắm được vị trí phần mộ gia tiên vừa học cách viếng mộ, kính trọng tổ tiên. Những người đi làm ăn xa cũng cố gắng về quê để kịp cùng người thân đi thanh minh.

Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng, nhiều gia đình không cúng hay tảo mộ vào đúng ngày Thanh minh mà có thể chọn bất kỳ ngày nào tiện lợi (như cuối tuần) trong tiết Thanh minh để thực hiện các nghi lễ.

Tết Hàn thực 2024 là ngày nào?

Năm nay, lễ Hàn thực rơi vào thứ Năm, ngày 11/4/ Dương lịch. Theo truyền thống của người Việt, cứ vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm, mọi người lại chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Hàn thực để dâng lên tổ tiên.

Mâm cúng Tết Hàn thực thường gồm những lễ vật như: Hương, hoa, trầu cau, bánh chay, nước sạch, mâm ngũ quả.

Số lượng bánh trôi, bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Hai loại bánh này đều là sản vật từ mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa.

Vào ngày lễ Hàn thực, người dân không cần thiết phải chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy để tránh lãng phí mà quan trọng là thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên bàn thờ tổ tiên và cầu nguyện một năm bình an, may mắn. Nếu không có điều kiện làm bánh trôi, bánh chay, gia đình chỉ cần bày một đĩa quả tươi, thành tâm dâng cúng là được.

Tùy Ý (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tet-han-thuc-khac-gi-tet-thanh-minh-ar863648.html
Zalo