Tết Đoan Ngọ 2025: Những điều nên làm
Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, là ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt.Vậy những điều nên làm trong ngày Tết Đoan Ngọ 2025 là gì để giữ trọn vẹn giá trị văn hóa?
Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, là ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Năm 2025, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 31/5 dương lịch. Đây là dịp để gia đình sum họp, thực hiện các nghi thức truyền thống nhằm thanh lọc cơ thể, xua đuổi tà khí và cầu sức khỏe bình an.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người dân thường chuẩn bị lễ cúng với đa dạng sản vật như: Hoa quả, rượu nếp, xôi vò... Ảnh: Thu Hằng/Bnews/vnanet.vn
Cúng tổ tiên đúng phong tục truyền thống
Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ với rượu nếp, bánh ú tro và hoa quả mùa vụ là nghi thức quan trọng không thể thiếu. Đây là cách con cháu thể hiện lòng thành kính và biết ơn với ông bà tổ tiên.
Mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, cơm rượu nếp, các loại trái cây như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối..., bánh gio, chè hạt sen. Tùy theo điều kiện mà có thể thêm bớt các món.
Ăn rượu nếp – món ăn đặc trưng ngày Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp không chỉ là món ăn truyền thống mà còn có ý nghĩa giúp “diệt sâu bọ” trong cơ thể, thanh lọc sức khỏe. Trong ngày lễ, nhiều gia đình cho trẻ em ăn một ít rượu nếp để cầu may và bảo vệ sức khỏe.
Theo quan niệm, trong ngày Tết Đoan ngọ, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn. Người miền Bắc thường diệt sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm bằng các món cơm rượu nếp, bánh gio và trái cây như mận, vải...
Trẻ em khi vừa ngủ dậy, còn ở trên giường đã được cho dùng các món này và cả trứng luộc, được bôi hùng hoàng vào thóp đầu, ngực, rốn để diệt sâu bọ, sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay.
Người lớn khi vừa dậy không được đặt chân xuống đất ngay mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ rồi ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó họ mới bước chân ra khỏi giường, uống một ít rượu hoặc ăn bát cơm rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đến ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Tắm nước lá
Vào ngày mùng 5/5, sau khi ăn cơm rượu nếp để giết sâu bọ, nhiều gia đình chuẩn chuẩn bị nước tắm từ các loại thảo dược như lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng, việc tắm lá thuốc giúp cơ thể thơm tho, khoan khoái dễ chịu, trị được cảm mạo và xua mầm bệnh.
Trong ngày Tết Đoan ngọ, theo quan niệm cũng có những kiêng kỵ vào ngày này như kiêng để dép lộn xộn, không soi gương sau nửa đêm, tránh làm rơi hay mất tiền, tránh dừng chân nơi âm u...
Tham gia các hoạt động ngoài trời, đi chợ đầu hè
Ngày Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để mọi người dạo chơi, đi chợ mua sắm hoặc kết nối với thiên nhiên, tận hưởng không khí đầu hè trong lành.
Thực hiện nghi thức cúng bái và đốt vàng mã cầu bình an
Ở một số vùng miền, việc đốt vàng mã và buộc chỉ đỏ cho trẻ em là truyền thống để cầu sức khỏe, may mắn và tránh tai ương.
Giáo dục trẻ em về ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ
Giải thích và hướng dẫn trẻ hiểu về ngày Tết Đoan Ngọ giúp bảo tồn nét đẹp văn hóa, truyền thống dân tộc cho thế hệ tương lai.