Tết Aza của đồng bào Pa Cô
Những ngày cuối năm, khắp các bản làng vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, bà con đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi rộn ràng tổ chức lễ hội Aza. Lễ hội Aza là ngày Tết truyền thống thiêng liêng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào vùng cao A Lưới.
Năm nay, đồng bào dân tộc Pa Cô ở vùng cao A Lưới tập trung về Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới, tại trung tâm xã Hồng Thượng, nô nức tái hiện lễ hội Aza Koonh. Đây là ngày Tết truyền thống, cầu mong sự no ấm, sung túc lớn nhất của người Pa Cô và đồng bào sống trên dãy Trường Sơn. Trước khi diễn ra lễ, các già làng trong dòng họ sẽ đến tận từng hộ để cầu chúc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Sau khi tổ chức xong các thủ tục tại nhà, các gia đình và họ tộc trong làng đưa lễ vật đến Nhà Dài để cùng thực hiện nghi thức cúng chung của làng. Nghi thức trong lễ Aza Koonh của người Pa Cô có các bước: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng những người đã khuất, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cổ...
Già làng Lê Tuấn Mỏ, ở thôn Ky Ré, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới cho biết: “Thường thường là cuối năm, bàn bạc, thống nhất tất cả các lễ vật chuẩn bị cúng cho lễ hội A Za Koonh. Tức là tổ chức gia đình cũng được, gia đình thì ví dụ con gà hoặc con heo, sau đó là bưng lên chỗ tập thể ở nhà Rông này để cầu mong của làng và mời tất cả các hộ gia đình, con cháu tập trung để thể hiện lễ hội này”.
Với người dân vùng cao A Lưới, lễ hội Aza chính là Tết cổ truyền, mang nét văn hóa truyền thống của đồng bào được tổ chức hàng năm. Trong đó, lễ hội Aza Kăn được tổ chức định kỳ từng năm; còn lễ hội Aza Koonh thường là 5 năm đến 10 năm, bà con dân bản mới tổ chức một lần. Đó là khi được mùa hoặc cuộc sống của bà con đã ấm no, đủ đầy. Theo già làng Hồ Văn Hạnh, lễ vật dâng lên cúng Giàng trong lễ Aza Kăn lớn nhất là con heo, nhưng trong lễ Aza Koonh là con trâu cùng nhiều vật phẩm khác.
Nhiều năm trở lại đây, thực hiện nếp sống mới, lễ Aza Koonh không còn đâm trâu để cúng Giàng nữa, thay vào đó, đồng bào thường dâng lễ bằng con dê. Ngoài ra, các gia đình và họ tộc trong làng cũng dâng lên nhiều lễ vật như: gà, cá suối, gạo nếp than, ngô, khoai sắn… đây là những cây trồng vật nuôi mà người dân tự sản xuất được. Già làng Hồ Văn Hạnh, người dân Pa Cô cho biết, lễ Aza là mong cầu sự no ấm, sung túc, năm mới làm ăn phát đạt hơn: “Quá trình lao động sản xuất mệt nhọc trong năm, cuối năm tổ chức cái lễ hội Aza chung của cả dòng tộc trong làng. Từ trong gia đình cho đến tập thể để cầu các thần linh, tạ ơn các thần linh trong năm vừa rồi và cầu mong thần linh phù hộ đến năm sau khí hậu ôn hòa, lúa ngô của bà con được tốt tươi, cho nhiều hạt thóc hạt gạo”.
Đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở huyện vùng cao A Lưới thường tổ chức tết A za vào cuối năm, thường là vào tháng 12 âm lịch hàng năm, khi bà con thu hoạch xong mùa màng nương rẫy. Trong khoảng thời gian đó, mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất để tổ chức lễ A Za.
Lễ hội Aza không chỉ là lễ cầu mong được mùa mà còn chứa đựng nhiều nội dung khác như cầu xin thần linh cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, bệnh tật. Lễ hội Aza Koonh là nơi tập trung khá đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa... mang đậm truyền thống, bản sắc của dân tộc Pa Cô. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: lễ hội này được bảo tồn nguyên vẹn về giá trị, về quy mô trong cộng đồng: “Trong quá trình bảo tồn các hoạt động lễ hội, những người mà trực tiếp tham gia hoạt động lễ hội này là những người am hiểu về truyền thống cứu đồng bào. Những người mà lâu nay cũng đã từng thực hành các hoạt động lễ hội để thực hiện, tái hiện các hoạt động lễ hội trên địa bàn của huyện”.
Ngày tết Aza còn là dịp để người dân bản gác lại những mâu thuẩn, bất đồng trong cuộc sống, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng bản làng no ấm, sung túc. Lễ hội Aza còn được gọi là lễ hội tri ân cây lúa. Bởi cây lúa là đại diện cho tất cả các giống cây trồng khác đã cho bà con no ấm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Hiện nay có hai hoạt động, một là hoạt động A Za Kăn và hai là hoạt động A Za Koonh. A Za Kăn thì hàng năm đều tổ chức nhưng các nghi lễ thì ít hơn. A Za Koonh thì tổ chức thường niên, 5 năm hoặc 10 năm một lần, khi bà con có các bội thu về mùa màng, cuộc sống của làng bản được no đủ, hạnh phúc, sức khỏe thì khi đó đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như các làng, tổ chức lễ tạ ơn mẹ lúa cũng như các thần linh ban cho họ cuộc sống no ấm”.
Lễ Aza của đồng bào miền núi A Lưới có phần nghi lễ và phần hội. Tất cả đều mang các ý nghĩa văn hóa tâm linh và tính cộng đồng độc đáo nơi đại ngàn Trường Sơn.