Tesla Cybertruck gần 2,6 tỷ gặp tai nạn, 'bán xác' được 203 triệu đồng
Chiếc Tesla Cybertruck gặp tai nạn bất ngờ, chi phí sửa chữa quá cao khiến Edmunds phải đi đến quyết định bán xe.
Tháng 7/2024, Edmunds - chuyên trang đánh giá và xếp hạng xe hơi của Mỹ đã chi 101.985 USD (~ 2,59 tỷ đồng) để mua một chiếc Tesla Cybertruck Foundation Series mới đưa vào chương trình thử nghiệm One-Year Road Test.

Tuy nhiên, đến ngày 11/12/2024, chiếc bán tải điện nặng 3 tấn này bị một chiếc sedan nhỏ tông vào khi đang đỗ, khiến nó lao lên vỉa hè và hỏng hóc nghiêm trọng. Cybertruck sau đó bị đánh giá là hư hỏng toàn bộ, không thể khôi phục.

Thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, chiếc Cybertruck đã liên tục gặp trục trặc như: lỗi hệ thống lái, xe tự động chuyển sang chế độ giới hạn tốc độ hoặc tắt máy hoàn toàn, màn hình báo lỗi liên tục, điều hòa không hoạt động trong ngày nóng, hộp số không vào được chế độ P,... Những vấn đề này khiến Edmunds không thể tiến hành các bài kiểm tra tiêu chuẩn hoặc thử nghiệm off-road như dự kiến.

Do kết cấu thân vỏ thép đặc biệt, không có xưởng ngoài nào dám nhận sửa chiếc Cybertruck. Edmunds buộc phải tìm đến hệ thống dịch vụ chính hãng của Tesla. Tuy nhiên, trong bán kính 80 km quanh Los Angeles – nơi có nhiều Cybertruck nhất thế giới – chỉ có hai trung tâm sửa chữa được Tesla cấp phép.
Tại trung tâm đầu tiên ở Huntington Beach, Edmunds phải đợi một tháng mới có báo giá, và nếu đồng ý sửa thì phải tiếp tục chờ thêm sáu tháng mới tới lượt. Không chấp nhận chờ đợi quá lâu, Edmunds tìm tới trung tâm thứ hai ở Ontario, tình hình khả quan hơn một chút: báo giá sau một tháng và sửa chữa ngay sau đó. Tuy nhiên, tới sát ngày hẹn, Tesla lại thông báo dời lịch thêm một tháng vì quá tải.

Sau gần hai tháng chờ đợi, Edmunds nhận được báo giá chính thức: chỉ riêng việc tháo rời xe để kiểm tra đã tốn 1.128 USD (~ 28,6 triệu đồng). Chi phí sửa chữa tổng cộng lên tới 57.879,89 USD (~ 1,47 tỷ đồng).
Các hạng mục lớn bao gồm: Cụm treo sau: 9.149 USD (~ 232 triệu đồng); Giường xe (thùng sau): 8.763 USD (~ 223 triệu đồng); Chi phí lao động: 16.584 USD (~ 421 triệu đồng); Các chi tiết khác như mô-tơ điện, bánh xe, tay lái, vỏ thép, cản sau,...
Với chi phí sửa chữa quá cao, trong khi giá thị trường của Cybertruck lúc đó chỉ khoảng 86.160 USD (~ 2,18 tỷ đồng), việc tiếp tục sửa chữa là hoàn toàn phi lý. Edmunds buộc phải chấp nhận khoản lỗ đậm.
Cuối cùng, Edmunds quyết định bán chiếc Cybertruck hư hỏng này cho Copart – đơn vị chuyên đấu giá xe tai nạn – với giá chỉ 8.000 USD (~ 203 triệu đồng).
Dù không thể hoàn thành chương trình thử nghiệm One-Year Road Test như dự định, Edmunds vẫn ghi nhận một số điểm tích cực từ Cybertruck như khả năng vận hành êm ái, tăng tốc ấn tượng và thiết kế gây chú ý. Tuy nhiên, thất bại này đã trở thành khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Edmunds, vượt qua cả thiệt hại từng ghi nhận với mẫu xe Fisker Ocean trước đó.