Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với sự ra đời, trưởng thành của Quân đội ta

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới như một trong những vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại. Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, tên tuổi Đại tướng gắn liền với sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L

Đề cập đến tài năng và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quốc tế luôn dành tất cả sự trân trọng và ngưỡng mộ. Nhà sử học người Mỹ Stanley Karnow từng viết trên tờ New York Times nổi tiếng rằng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh của quân đội cộng sản Việt Nam là một trong những vị tướng tài giỏi nhất lịch sử thế giới… Là một nhà chiến lược táo bạo, một tư duy logic tài năng và một nhà tổ chức không biết mệt mỏi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến đấu suốt hơn 30 năm, biến một đội quân du kích áo vải ít ỏi thành một trong những quân đội hiệu quả nhất của thế giới…”.

Còn trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là biểu tượng của chiến thắng, vinh quang, của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và lòng khoan dung, nhân hậu.

Tuy không học qua một trường quân sự nào, nhưng trong suốt cuộc đời hơn 30 năm trên cương vị cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch và giành những thắng lợi quan trọng, làm thay đổi cục diện trên chiến trường. Đặc biệt, ông là người lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đại tướng đã có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển lý luận quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, toàn dân đánh giặc, lực lượng vũ trang làm nòng cốt; đánh địch toàn diện trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu...

Lý luận quân sự Võ Nguyên Giáp là sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đấu tranh quân sự của các nước trên thế giới; kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đặc biệt là đúc rút từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc.

Không chỉ là thiên tài về nghệ thuật quân sự, Đại tướng còn là nhà văn hóa quân sự mang đậm chất nhân văn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi dân là gốc, không lấy “súng đẻ ra chính quyền” mà quan niệm “người trước, súng sau”, “chính trị đi trước quân sự”. Đại tướng hết sức coi trọng yếu tố chính trị, tinh thần, xây dựng quyết tâm chiến đấu; thường xuyên xây dựng mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”.

Bia di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa).

Bia di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa).

Đặc biệt, trên cương vị là Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng luôn đề cao tính nhân văn, coi trọng tính mạng quân sĩ, với nguyên tắc bất di, bất dịch trong quá trình chỉ đạo chiến tranh là: “Tầm cao của mỗi chiến thắng phải tỷ lệ nghịch với tổng số thương binh, tử sĩ trong chiến thắng ấy... phải giành bằng được chiến thắng ở mức cao nhất đi đôi với việc giảm xuống thấp nhất thương vong của tướng sĩ”.

Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào.

Với sự hội tụ đầy đủ các tiêu chí: Người tổ chức, xây dựng quân đội; người đánh trận giỏi; nhà lý luận quân sự xuất sắc; nhà lãnh đạo chính trị tài ba, mẫu mực... Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ quân đội mến phục suy tôn là “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, xứng đáng là “Tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy, tướng của các tướng và thầy của các bậc thầy quân sự”.

Những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp và cuộc đời cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thái Nguyên.

- Ngày 15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hợp với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) tại đình Làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa), đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh.

- Tháng 8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp dẫn đoàn quân về giải phóng TX. Thái Nguyên, cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt trại lính bảo an, chiếm dinh Tỉnh trưởng, tấn công quân Nhật tại trại lính khố xanh.

- Tháng 1-1948, khi mới 37 tuổi, đồng chí Võ Nguyên Giáp vinh dự được phong quân hàm Đại tướng, trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

- Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.

Nhị Hà (b/s)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/202412/ten-tuoi-dai-tuong-vo-nguyen-giap-gan-voi-su-ra-doi-truong-thanh-cua-quan-doi-ta-28619d6/
Zalo