Việc hoán cải tên lửa phòng không S-200 để đảm nhiệm vai trò tên lửa đạn đạo tầm ngắn thực ra không phải mới, mà đề xuất nói trên đã được đưa ra từ thời Liên Xô.
Mọi thứ trông khá logic, Liên Xô có một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa thực sự, trong phiên bản S-200M Vega-M - phạm vi tiêu diệt mục tiêu là 240 km, và đối với S-200D Dubna chưa bao giờ được thông qua - tầm xa thậm chí lên tới 300 km.
Theo giới phân tích, dường như hoàn toàn có thể lấy tên lửa phòng không này và phóng nó theo quỹ đạo đạn đạo nhằm đạt được tầm bắn còn lớn hơn so với lý thuyết và tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất.
Nhưng đây là trên lý thuyết, còn thực tế thì không đơn giản đến như vậy. Nếu muốn hoán cải tên lửa phòng không S-200 cho nhiệm vụ đánh đất thì cần phải lưu ý những điều sau.
Trước hết, thực tế là hệ thống dẫn đường cho tên lửa 5V28 của tổ hợp S-200 là bán chủ động, nghĩa là mục tiêu trên không phải được "chiếu sáng" liên tục, điều này được thực hiện bởi radar 5N62 khá kỳ dị.
Để nhận biết mục tiêu từ cự ly hơn 200 km, trạm radar này có diện tích anten khoảng 25 mét vuông, đó là lý do tại sao nhiệm vụ và cơ hội duy nhất để S-200 hoạt động ở tầm xa là chống lại đối tượng như máy bay ném bom chiến lược ở độ cao đáng kể.
Điều này nghĩa là tên lửa của S-200 chỉ có thể bắn vào mục tiêu mặt đất trong trường hợp nó có được "tầm nhìn" trực tiếp bằng radar, tức là ở cự ly khoảng 40 km, trong trường hợp S-200, thực tế là một tổ hợp mặt đất cố định, nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi.
Hơn nữa vào năm 1982, một cuộc thử nghiệm đã được tiến hành và cho thấy hiệu quả thấp, do độ tương phản vô tuyến của các mục tiêu trên mặt đất đối với hệ thống dẫn đường cho tên lửa phòng không rất kém.
Cần lưu ý thêm đó là tên lửa phòng không S-300/400 tối tân hơn sử dụng công cụ dẫn đường chỉ huy vô tuyến, cho phép đạn được phóng và dẫn hướng theo quỹ đạo đạn đạo của nó.
Thứ hai, bản thân tên lửa 5V28 của S-200 rất khó vận hành khi sử dụng nhiên liệu lỏng. Động cơ 5D12 của quả đạn để cung cấp đủ lực đẩy phải hoạt động nhờ hai hợp chất TG-02 và AK27.
Cả hai thành phần trên đều rất độc hại và yêu cầu một hệ thống lưu trữ cũng như tiếp nhiên liệu thích hợp cho tên lửa, để hiểu rõ, công việc với nhiên liệu được thực hiện thường xuyên tại trạm bảo dưỡng.
Do kích thước và một vài tính năng khác, tổ hợp S-200 ra đời vào những năm 1960 được chế tạo ở dạng cố định. Bên cạnh đó, vị trí của hệ thống phòng không liên quan đến cấu trúc kỹ thuật khá phức tạp với sự di chuyển của các bệ phóng dọc theo đường ray.
Thứ ba, mặc dù kích thước của tên lửa 5V28 là dài 10,8 mét và nặng 7,1 tấn, nhưng nó có đầu đạn chỉ nặng 220 kg, trong đó 90 kg là thuốc nổ, phần còn lại là mảnh văng, bởi vì nó vẫn là một tên lửa phòng không.
Và theo cách này, để biến tên lửa từ hệ thống phòng không S-200 thành tên lửa đạn đạo, cần phải thiết kế lại hệ thống dẫn đường, phát triển động cơ mới. Tuy vậy, công việc trên quá phức tạp và tỏ ra không cần thiết vào thời điểm hiện nay.
Theo An ninh thủ đô