Tên lửa mới trên Su-57: Nga tung vũ khí bí ẩn thách thức phương Tây

Hình ảnh rò rỉ về tên lửa mới trên Su-57 được ví như lời cảnh báo từ Nga giữa lúc NATO tăng cường hiện diện, hé lộ tham vọng quân sự đầy tính toán của Điện Kremlin.

Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga. Ảnh: TASS

Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga. Ảnh: TASS

Theo trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com (Bulgaria), trong một động thái đầy tính toán chiến lược, Nga vừa công bố hình ảnh về một tên lửa hành trình mới được thiết kế cho máy bay chiến đấu tàng hình Su-57, phát đi thông điệp mạnh mẽ về năng lực quân sự giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Lộ diện "sát thủ" mới

Phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã trình chiếu cảnh quay về một tên lửa hành trình chưa được đặt tên, dưới sự giám sát của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev - hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tại một địa điểm thử nghiệm quân sự. Đoạn phim bị rò rỉ đã xác nhận việc tích hợp loại vũ khí này với Su-57, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Mặc dù các quan chức Nga không cung cấp thông tin chi tiết về khả năng của tên lửa, các nhà phân tích đã nhanh chóng nhận ra những điểm tương đồng với tên lửa hành trình Kh-101, một loại vũ khí tầm xa đã được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Nhà phân tích chiến tranh Kirill Fyodorov nhận xét rằng phần đuôi của tên lửa giống với Kh-101 nhưng có những khác biệt đáng chú ý, cho thấy đây có thể là thiết kế mới hoặc là phiên bản cải tiến. Theo báo cáo của The Mirror, tên lửa này được trang bị động cơ phản lực và "đầu đạn được cải tiến", mặc dù những thông tin này chưa được xác minh độc lập.

Su-57 "Felon" - Tham vọng của không quân Nga

Su-57, với tên mã NATO là "Felon", là nỗ lực của Nga nhằm đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm có khả năng cạnh tranh với các đối thủ phương Tây như F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Mỹ.

Được phát triển bởi Sukhoi từ đầu những năm 2000 như một phần của chương trình PAK FA, Su-57 lần đầu tiên bay vào năm 2010 và chính thức đi vào hoạt động với Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga vào năm 2020. Máy bay được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ bao gồm chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và trinh sát.

Với chiều dài khoảng 20 mét và sải cánh 14 mét, Su-57 được trang bị hai động cơ Saturn AL-41F1, với kế hoạch nâng cấp lên động cơ Izdeliye-30 tiên tiến hơn trong tương lai. Khoang vũ khí bên trong có thể mang theo nhiều loại vũ khí không đối không và không đối đất, bao gồm tên lửa K-77M và tên lửa hành trình Kh-69.

Bất chấp tham vọng lớn, chương trình Su-57 đã phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể. Đến đầu năm 2025, Nga chỉ có ước tính dưới 20 máy bay Su-57 hoạt động, con số khiêm tốn so với hàng trăm máy bay F-35 đã được Mỹ triển khai trên toàn cầu.

Chi phí cao (khoảng 40-50 triệu USD cho mỗi máy bay), thách thức kỹ thuật và đặc biệt là các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp linh kiện quan trọng, bao gồm vi điện tử trước đây được nhập khẩu từ các quốc gia như Nhật Bản và Ukraine.

Ý nghĩa chiến lược của thông báo

Thời điểm công bố tên lửa mới, chỉ vài ngày sau khi Nga tăng cường tấn công tên lửa vào Ukraine, không phải là ngẫu nhiên. Theo báo cáo của New York Times, các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây, nhắm vào các thành phố Ukraine như Kharkov và Sumy, ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn đầu vẫn đang tiếp diễn.

Đối với người dân trong nước, thông báo này củng cố sức mạnh quân sự của Điện Kremlin, đối phó với những chỉ trích về khó khăn kinh tế và thách thức trên chiến trường. Trên trường quốc tế, nó đóng vai trò như một lời nhắc nhở về khả năng thể hiện sức mạnh của Nga, đặc biệt là khi NATO đang mở rộng sự hiện diện ở Đông Âu.

Việc công bố tên lửa mới của Nga cũng có thể nhằm tăng cường sức hấp dẫn của Su-57 trên thị trường quốc tế. Máy bay này đã thu hút sự quan tâm từ các khách hàng tiềm năng như Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Ấn Độ - đối tác ban đầu của chương trình - đã rút lui vì lo ngại về chi phí và hiệu suất.
Khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, tên lửa mới của Su-57 cần được so sánh với các loại tương đương của phương Tây. Mỹ hiện đang sử dụng AGM-158 JASSM-ER, một tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1000 km. Trong khi đó, Anh và Pháp sử dụng tên lửa Storm Shadow/SCALP, loại đã được Ukraine sử dụng nhằm vào các mục tiêu của Nga.

Nếu tên lửa mới của Nga thực sự là phiên bản phái sinh của Kh-101, tầm bắn của nó có thể lên tới 2500 km. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế sẽ phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường và khả năng đối phó với các biện pháp phòng thủ.

Thông báo này còn giao thoa với các cuộc tranh luận về kiểm soát vũ khí và nguy cơ leo thang căng thẳng. Hãng tin Reuters đưa tin ngày 17/4 rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo việc Đức chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine có thể khiến Berlin trở thành "bên tham gia trực tiếp" vào cuộc xung đột. Động thái công bố vũ khí mới của Nga có thể được xem là phản ứng trước những diễn biến này.

Tầm quan trọng của tên lửa hành trình mới của Nga không chỉ nằm ở ưu điểm kỹ thuật mà còn ở các ưu tiên của Moskva. Quyết định của Điện Kremlin nhằm làm nổi bật vũ khí này có thể tăng cường vai trò của Su-57 và củng cố vị thế của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/ten-lua-moi-tren-su57-nga-tung-vu-khi-bi-an-thach-thuc-phuong-tay-20250503111502526.htm
Zalo