Hàng loạt chính sách nhập cư của Tổng thống Trump bị tòa án Mỹ bác bỏ
Mặc dù trở lại Nhà Trắng với cam kết triển khai chiến dịch trục xuất quy mô lớn, nhiều chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump đang gặp phải sự phản ứng đáng kể từ hệ thống tư pháp liên bang.

Cảnh sát chặn người di cư vượt biên từ Mỹ vào Canada tại trạm kiểm soát ở tỉnh Quebec (Canada). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Các phán quyết được đưa ra bởi nhiều thẩm phán do cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bổ nhiệm cho thấy những nỗ lực siết chặt chính sách nhập cư đang đối mặt với nhiều rào cản ngay từ những bước đầu tiên.
Theo tờ Politico, chỉ trong hơn ba tháng đầu nhiệm kỳ mới, ông Trump đã liên tục hứng chịu hàng loạt thất bại pháp lý liên quan đến các biện pháp trục xuất được triển khai một cách vội vã, thiếu quy trình tố tụng đầy đủ. Những khẩu hiệu chính trị được đưa ra trong quá trình vận động tranh cử nay đang bị các tòa án đánh giá là vi hiến và vượt quá thẩm quyền, đặc biệt khi chính quyền tìm cách trục xuất cả những người đang cư trú hợp pháp hoặc được bảo vệ theo quy chế nhân đạo.
Các phán quyết từ Tòa án Tối cao và nhiều tòa án cấp dưới đều thể hiện lập trường nhất quán rằng chính phủ không được lạm dụng quyền lực hành pháp để phớt lờ các nguyên tắc tố tụng cơ bản. Một thẩm phán nhận định việc sử dụng Đạo luật về kẻ thù nước ngoài để trục xuất công dân Venezuela là hành động dẫn đến tình trạng pháp lý hỗn loạn và vượt khỏi giới hạn của pháp quyền. Một phán quyết khác cho rằng việc giam giữ sinh viên có quan điểm phản đối Israel gợi nhớ tới thời kỳ khủng bố đỏ trong lịch sử Mỹ. Đáng chú ý, một thẩm phán cảnh báo rằng việc tước quyền được xét xử đầy đủ đối với người bị trục xuất có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tra tấn và tử vong.
Song song với các phán quyết từ tòa án, phản ứng từ Nhà Trắng cũng cho thấy thái độ không đồng tình rõ rệt. Một số cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đã chỉ trích các thẩm phán, cho rằng họ đang đi lệch khỏi chuẩn mực tư pháp. Ông Stephen Miller, người phụ trách hoạch định chính sách nhập cư của chính quyền, phát biểu rằng các phán quyết này gây tổn hại đến nền tảng Hiến pháp. Tuy nhiên, một thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm cũng đã đưa ra phán quyết bất lợi cho kế hoạch trục xuất. Trong khi đó, Bộ Tư pháp không lặp lại các tuyên bố gay gắt, nhưng bày tỏ lo ngại trước xu hướng các tòa cấp quận gia tăng can thiệp vào quá trình xử lý các vấn đề nhập cư.
Trong số các chính sách bị ngăn chặn, việc trục xuất theo Đạo luật về kẻ thù nước ngoài là điển hình. Chính quyền Trump đã sử dụng đạo luật có từ năm 1798 - vốn chỉ được áp dụng ba lần trong lịch sử - để trục xuất người Venezuela bị cáo buộc có liên hệ với băng đảng. Các chuyến bay bị thực hiện ngay trong khi thẩm phán liên bang đang cố gắng tạm hoãn lệnh trục xuất. Sau đó, Tòa án Tối cao đã phải can thiệp khẩn cấp, yêu cầu dừng ngay lập tức.
Một nỗ lực khác nhằm trục xuất người nhập cư sang quốc gia thứ ba thay vì nước gốc - trong trường hợp nước gốc không an toàn - cũng bị tòa án liên bang tại Massachusetts ngăn chặn. Thẩm phán cho rằng biện pháp này vi phạm quyền được đánh giá cá nhân theo luật nhập cư và nhân quyền.
Chính quyền Trump cũng tìm cách thu hồi quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) đã được cấp cho hàng trăm nghìn người từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela - những người được cho phép cư trú vì lý do nhân đạo. Hai thẩm phán tại California và Massachusetts đã ra lệnh đình chỉ toàn diện các chính sách này, buộc chính phủ phải chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa án Tối cao.
Một trong những trường hợp gây phản ứng mạnh mẽ nhất từ phía các thẩm phán là vụ ông Kilmar Abrego Garcia, cư trú tại bang Maryland, bị trục xuất sang El Salvador trong khi vẫn đang được pháp luật bảo vệ. Dù đã được thẩm phán nhập cư ra phán quyết cho phép ở lại, ông vẫn bị đưa đi, khiến Tòa án Tối cao lên tiếng chỉ trích. Một trường hợp khác có diễn biến tương tự là một người đàn ông được xác định trong hồ sơ với tên “Cristian”, cũng bị trục xuất cùng ngày dù hồ sơ xin tị nạn của người này vẫn đang được xem xét.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng viện dẫn một điều khoản ít được sử dụng trong luật nhập cư để đề xuất trục xuất một số sinh viên và nhà nghiên cứu có quan điểm ủng hộ Palestine. Một số trường hợp đã được tòa án ra lệnh trả tự do, trong đó có Mohsen Mahdawi, sinh viên Đại học Columbia. Những người còn lại vẫn đang bị tạm giữ, nhưng các thẩm phán đã yêu cầu hoãn thi hành lệnh trục xuất cho đến khi quá trình xét xử được hoàn tất.
Không chỉ vậy, một chiến dịch quy mô lớn nhằm rà soát lý lịch của hơn 1,3 triệu sinh viên quốc tế cũng thất bại do hàng loạt sai sót. Chính phủ ban đầu tuyên bố sẽ hủy hồ sơ của những người từng có tiền án, nhưng thực tế lại bao gồm cả các vi phạm nhẹ. Hơn 50 tòa án liên bang đã ra lệnh bảo vệ gần 6.000 sinh viên khỏi nguy cơ bị trục xuất sai luật, buộc chính phủ phải rút lại kế hoạch.
Trong khi đó, tại California, một thẩm phán ra lệnh yêu cầu Lực lượng Tuần tra Biên giới tuân thủ đúng các quy định pháp lý về kiểm tra và bắt giữ, sau khi phát hiện việc thi hành luật bị lạm dụng. Cùng thời điểm, kế hoạch tạm dừng tiếp nhận người tị nạn cũng bị một tòa án liên bang bác bỏ. Tòa phúc thẩm đồng ý giữ lại một phần phán quyết, nhưng vẫn buộc chính phủ tiếp nhận những trường hợp đã được chấp thuận trước đó.
Một trong những đề xuất gây tranh cãi nhất là sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhằm thay đổi quyền công dân theo nơi sinh - vốn đã được khẳng định trong Hiến pháp Mỹ suốt hơn một thế kỷ. Ba thẩm phán liên bang đã bác bỏ sắc lệnh này và Tòa án Tối cao hiện đang xem xét xem các phán quyết có vượt quá thẩm quyền hay không.
Dù một số chính sách vẫn đang chờ phán quyết cuối cùng từ các tòa phúc thẩm và Tòa Tối cao, các thất bại pháp lý nối tiếp trong thời gian ngắn đang cho thấy hệ thống kiểm soát quyền lực tại Mỹ tiếp tục là một rào cản lớn đối với những kế hoạch nhập cư cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.